Chuyện gì đang thực sự xảy ra tại Sacombank?

Trần Giang Thứ năm, ngày 05/01/2017 16:26 PM (GMT+7)
Năm 2015 Sacombank không công bố báo cáo tài chính kiểm toán hợp nhất, không tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2016. Câu chuyện tái cơ cấu hậu sáp nhập cũng có nhiều vấn đề như chất lượng tài sản, nợ xấu của SouthernBank, rồi việc ông Trầm Bê uỷ quyền không huỷ ngang toàn bộ cổ phần của ông và những người có liên quan cho NHNN...
Bình luận 0

img

Sacombank, từ ngân hàng thuộc bộ ba quyền lực đến ngân hàng yếu kém? (Ảnh: I.T)

Từ đó đến nay, cổ đông, khách hàng và giới chuyên gia đều nghĩ rằng những vấn đề này xuất phát từ phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) theo cách mà Sacombank thông tin ra thị trường.

Tuy nhiên, sáng 4.1, tại cuộc họp báo về hoạt động ngân hàng 2016 và triển khai kế hoạch 2017 của NHNN, ông Nguyễn Văn Hưng, Phó chánh Thanh tra NHNN đã nhắc đến Sacombank cùng với 4 ngân hàng khác thuộc diện ngân hàng yếu kém được tập trung xử lý trong năm 2017.

Từ ngân hàng thuộc bộ ba quyền lực...

Thông tin này khiến thị trường giật mình. Không ít nhà đầu tư thốt lên: Sacombank cũng thế ư? Một trong bộ ba quyền lực của nhóm ngân hàng cổ phần (Sacombank, Eximbank và ACB) ngày nào giờ lại thuộc ngân hàng yếu kém?

Tuy nhiên, cùng chiều hôm đó, ông Kiều Hữu Dũng - Chủ tịch HĐQT Sacombank cũng đã đăng đàn để phân trần về vấn đề này. Ông Dũng khẳng định Sacombank không phải là ngân hàng yếu kém.

“Hiện chúng tôi vẫn duy trì vị trí thuộc Top 5 ngân hàng lớn nhất Việt Nam và đứng đầu trong nhóm các ngân hàng TMCP. Vì là một ngân hàng hoạt động tốt, có nội lực bền vững nên Sacombank đã được NHNN khuyến khích và hỗ trợ chính sách để cùng toàn hệ thống thực hiện Đề án 254 của Chính phủ thông qua việc nhận sáp nhập SouthernBank vào Sacombank”.

Ông Dũng cho biết thêm, thậm chí, từ thời điểm sáp nhập đến nay, hoạt động chung của Sacombank không có bất cứ xáo trộn hay bất ổn nào, kết quả kinh doanh vẫn tăng trưởng ổn định.

“Hiện đề án tái cấu trúc Sacombank sau sáp nhập, trong đó có phương án xử lý các vấn đề tồn đọng của SouthernBank, đang được trình lên NHNN. Chúng tôi xác định năm 2017 sẽ bắt tay ngay vào thực hiện mạnh mẽ công tác tái cấu trúc ngay sau khi được NHNN phê duyệt”, ông Dũng cho biết.

Ông Dũng cũng thông tin về kết quả hoạt động kinh doanh của Sacombank trong năm 2016. Theo đó, lợi nhuận trước thuế ước khoảng 4.000 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mức gần 3.000 tỷ đồng các năm trước.

“Nhưng sau tính cả SouthernBank, chúng tôi phải trích lập dự phòng để giải quyết các tồn đọng của ngân hàng khiến cho lợi nhuận ngân hàng sau sáp nhập bị ảnh hưởng, đạt khoảng 300 tỷ đồng”, ông Dũng cho biết.

Theo ông Dũng đến thời điểm 31.12.2016, tổng tài sản của Sacombank đạt trên 330.000 tỷ đồng, tăng 13,6% so với năm 2015, vốn chủ sở hữu cũng đạt hơn 22.000 tỷ đồng, tiếp tục duy trì Top 5 về quy mô trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Tổng nguồn vốn chúng tôi huy động được gần 300.000 tỷ đồng, trong đó huy động từ thị trường 1 là 290.000 tỷ đồng, tăng 11,6% so với đầu năm dù bối cảnh thị trường cạnh tranh ngày càng gia tăng, là nền tảng để Sacombank tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng. Tổng tín dụng của ngân hàng đạt hơn 232.000 tỷ đồng tăng 18,6%, trong đó dư nợ cho vay khách hàng đạt hơn 193.000 tỷ đồng, tăng 7%.

Nhà đầu tư nào sẵn sàng chi 1 tỷ USD cho Sacombank?

Ông Dũng cũng cho biết hiện đang có nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng đầu tư 1 tỷ USD vào Sacombank và có 1 nhà đầu tư trong nước khác muốn mua 20% vốn của ngân hàng với giá 1.5 (tức 15.000 đồng/cổ phiếu – PV), gấp đôi so với thị giá của cổ phiếu STB hiện nay (ngày 5.1: STB có giá 8.580 đồng/cổ phiếu).

img

Ông Kiều Hữu Dũng, Chủ tịch HĐQT Sacombank. (Ảnh: I.T)

Đây hẳn phải là một tin mừng với cổ đông Sacombank, đấy chính là lý do vì sao mà cổ phiếu STB lại tăng sau khi có thông tin thuộc diện ngân hàng yếu kém từ chính NHNN.

Tuy nhiên, nếu làm một vài phép tính đơn giản, có thể thấy một vài bất hợp lý quanh câu chuyện này. Hiện tổng giá trị vốn hóa của Sacombank trên sàn là 14.800 tỷ đồng (tức là chỉ hơn 650 triệu USD). Nếu nhà đầu tư nước ngoài có 1 tỷ USD để rót vốn vào Sacombank thì đối tác này có thể mua đứt luôn được cả ngân hàng.

Còn nếu chiếu theo đúng luật hiện tại, sở hữu nước ngoài tại Sacombank hiện nay khoảng gần 11%. Nếu nhà đầu tư nước ngoài mua 20% room còn lại tại Sacombank thì đối tác này sẽ mua cổ phiếu ngân hàng với giá 60.000 đồng/cổ phiếu. Đây là mức giá không tưởng, bởi giá cổ phiếu STB trong ngày 5.1 đứng ở mức 8.580 đồng/cổ phiếu.

Nhớ lại câu chuyện ồn ào về giá mua cổ phiếu Vietcombank của Quỹ đầu tư Singapore (GIC) với tổng giá trị khoảng 400 triệu USD còn chưa hoàn tất. Được đánh giá là ngân hàng tốt nhất thị trường hiện nay nhưng cổ phiếu của Vietcombank cũng chỉ ở mức giá 37.150 đồng/cổ phiếu (ngày 5.1).

Một vấn đề nữa là ẩn số về kết quả kinh doanh năm 2015 của Sacombank. Tính đến thời điểm này, đã bước sang năm 2017, nhưng Sacombank vẫn chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2015 (?)

Theo một báo cáo mới đây của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC), Sacombank khó có thể giải quyết hết các vấn đề trong tương lai gần, trong đó có rủi ro từ một lượng lớn các khoản nợ xấu tiềm tàng.

Trong đó, các khoản cho vay khách hàng của STB có rủi ro cao do tỷ lệ nợ xấu cao tại SouthernBank trước khi sáp nhập. Các khoản cho vay khách hàng nhận từ SouthernBank chủ yếu tập trung trong lĩnh vực bất động sản.

VCSC cũng cho rằng lãi phải thu cao bất thường tại Sacombank cũng là một tín hiệu mạnh mẽ rằng thực tế nợ xấu cao hơn so với báo cáo. VCSC đánh giá tỷ lệ lãi phải thu trên tổng tài sản sinh lãi của Sacombank sẽ giảm do lãi suất hiện nay thấp hơn nhiều so với các năm 2013 và 2014.

“Nếu ước tính hào phóng lãi phải thu bằng cách sử dụng tỷ lệ lãi phải thu trên tài sản sinh lãi ở mức 2,5%, mặc dù tỷ lệ đó ở các ngân hàng khác ở mức dưới 1,5%. Lãi phải thu nghi ngờ được ước tính lên đến 20 nghìn tỷ đồng chiếm đến 78,2% số lãi phải thu trên báo cáo”, VCSC đánh giá.

Vấn đề quan trọng nữa là năm 2015, Sacombank không tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên. Còn nhớ hồi tháng 6, lý giải về lý do chưa tổ chức ĐHĐCĐ thường niên, Sacombank đưa ra lý do là trong năm 2015, Sacombank đã thực hiện nhận sáp nhập Southernbank. Hiện tại Sacombank đang chờ hướng dẫn và phê duyệt Đề án tái cơ cấu Sacombank sau sáp nhập của NHNN.

Và đến nay, đã bước sang năm 2017, Sacombank vẫn chưa có thông tin về kế hoạch tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2016. Chuyện gì đang xảy ra với Sacombank?

Còn ông Dũng cho biết NHNN đang chỉ đạo sát sao đề án tái cấu trúc Sacombank: “Chúng tôi hi vọng NHNN sẽ hỗ trợ nhiều hơn nữa trong tái cấu trúc sau sáp nhập thời gian tới”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem