Chuyện gì xảy ra trong vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ hai của lịch sử Mỹ?

Thứ ba, ngày 14/03/2023 18:15 PM (GMT+7)
Đến ngày 10/3, Silicon Valley vẫn là ngân hàng lớn thứ 16 ở Mỹ với tổng tài sản là 200 tỷ USD. Sự sụp đổ của ngân hàng này sẽ tác động thế nào tới thị trường tài chính toàn cầu?
Bình luận 0

 

Theo Guardian, 4 thập kỷ trước, ngân hàng Silicon Valley (SVB) được thành lập ở trung tâm của một khu vực được biết đến bởi những tiến bộ kỹ thuật và quyết định khôn ngoan.

Tổ chức tài chính có trụ sở tại California đã phát triển để trở thành ngân hàng lớn thứ 16 của Mỹ, cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp công nghệ trên toàn cầu, trước khi một loạt quyết định đầu tư thiếu khôn ngoan đã khiến ngân hàng này sụp đổ.

Các khoản đầu tư sai lầm

Là ngân hàng được nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ lựa chọn, tình hình kinh doanh của SVB có bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19.

Cú sốc ban đầu của thị trường khi đại dịch bùng phát đã dần nhường cho một "kỷ nguyên vàng" đối với các công ty khởi nghiệp và tập đoàn công nghệ lớn khi người tiêu dùng bỏ một khoản tiền lớn để mua sắm các sản phẩm công nghệ và dịch vụ kỹ thuật số.

Nhiều doanh nghiệp công nghệ đã lựa chọn SVB làm đơn vị gửi tiền dùng để trả lương cho nhân viên và các chi phí doanh nghiệp khác, dẫn tới một lượng tiền lớn đổ về ngân hàng này. Giống như các tổ chức tài chính khác, SVB đã đầu tư một lượng lớn số tiền gửi mà ngân hàng này nhận được.

Chuyện gì xảy ra trong vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ hai của lịch sử Mỹ? - Ảnh 2.

Văn phòng ngân hàng Silicon Valley ở thành phố San Francisco, bang California (Mỹ). Ảnh: Reuters.

"Hạt giống" cho sự sụp đổ của SVB bắt đầu khi ngân hàng này mua một lượng lớn trái phiếu dài hạn của chính phủ Mỹ, bao gồm trái phiếu được bảo đảm bằng các khoản thế chấp. Các trái phiếu này có tính an toàn tương đương với bất động sản.

Tuy nhiên, trái phiếu có một mối quan hệ trái ngược đối với lãi suất. Khi lãi suất tăng, giá trị của trái phiếu sẽ sụt giảm. Chính vì vậy, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bắt đầu tăng lãi suất để chống lạm phát, giá trị của lượng trái phiếu mà SVB sở hữu bắt đầu giảm mạnh.

Nếu SVB giữ lại số trái phiếu trên cho đến đủ kỳ hạn, ngân hàng này có thể lấy lại khoản tiền đã bỏ ra ban đầu. Tuy nhiên, khi tình hình kinh tế trở nên "ảm đạm", đặc biệt là với ngành công nghệ, nhiều khách hàng của SVB bắt đầu rút tiền gửi khỏi ngân hàng này.

Do không có đủ lượng tiền mặt dự trữ, SVB đã phải bán một lượng trái phiếu dự trữ với giá thấp hơn nhiều so với giá trị gốc. Hành động này của SVB khiến khách hàng rơi vào trạng thái hoang mang. Chỉ 48 giờ sau khi thông tin SVB bán trái phiếu được công bố, ngân hàng này đã hoàn toàn sụp đổ.

Làn sóng rút tiền ồ ạt của khách hàng

Do các ngân hàng thường chỉ giữ một phần tài sản quản lý dưới dạng tiền mặt, những tổ chức tín dụng này sẽ dễ bị tổn thương nếu nhu cầu rút tiền của khách hàng tăng cao đột biến.

Trong trường hợp của SVB, làn sóng này bắt đầu vào hôm 8/3, khi ngân hàng này tuyên bố cần huy động khoảng 1,75 tỷ USD từ nhà đầu tư. Ngân hàng này cho biết khoản tiền trên nhằm "bịt lỗ hổng" gây ra bởi việc bán lỗ một phần trái phiếu trước đó.

"Đột nhiên mọi người đều cảm thấy lo lắng vì ngân hàng không có đủ nguồn tiền", giáo sư Fariborz Moshirian của Đại học bang New South Wales, đồng thời là giám đốc Viện nghiên cứu Tài chính Toàn cầu, cho biết.

Khách hàng đã biết về những vấn đề tài chính mà SVB đang gặp phải và bắt đầu rút tiền khỏi tài khoản với số lượng lớn.

Khác với những ngân hàng bán lẻ thông thường phục vụ cả doanh nghiệp và người dân bình thường, phần lớn khách hàng của SVB có lượng tiền gửi lớn, dẫn tới việc ngân hàng này nhanh chóng cạn nguồn tiền mặt.

Khởi đầu của cuộc khủng hoảng ngân hàng?

Những lo ngại ban đầu về sự sụp đổ có hệ thống của hệ thống tài chính đã được kiềm chế bởi phản ứng nhanh chóng từ chính phủ Mỹ, đảm bảo an toàn cho tất cả khoản tiền gửi của những khách hàng tại SVB.

Đã có những dự đoán rằng nếu khoản tiền gửi của những khách hàng tại SVB không được chính phủ Mỹ đảm bảo, những doanh nghiệp sẽ không thể trả lương cho nhân viên, tạo ra con sóng lan rộng trong nền kinh tế.

"Khi nói đến ổn định nền kinh tế, họ đã tránh khỏi những hậu quả về chuỗi cung ứng", giáo sư Moshirian nhận định.

Chuyện gì xảy ra trong vụ sụp đổ ngân hàng lớn thứ hai của lịch sử Mỹ? - Ảnh 3.

Trước khi chính phủ Mỹ có biện pháp can thiệp, nhiều nhà đầu tư đã tỏ ra lo ngại rằng sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley sẽ tạo ra hiệu ứng dây chuyền trong thị trường tài chính Mỹ. Ảnh: AP.

Trong khi đó, các chính phủ và cơ quan quản lý tài chính trên toàn thế giới, bao gồm ở Anh và Australia đang đánh giá tác động đối với ngành ngân hàng và khu vực doanh nghiệp của những nước này sau sự sụp đổ của SVB.

Câu hỏi dài hạn hơn mà các quốc gia đang phải giải chính là liệu có những ngân hàng khác gặp phải vấn đề tương tự như SVB do đầu tư lượng lớn tài sản vào trái phiếu chính phủ đang mất giá.

Mặc dù giáo sư Moshirian không nghĩ rằng hệ thống ngân hàng sẽ sụp đổ sau khi SVB phá sản, ông nhấn mạnh rằng trong quá khứ, nhiều người đã nghĩ rằng cuộc khủng hoảng thế chấp dưới chuẩn đã được kiểm soát. Tuy nhiên, tác động từ cuộc khủng hoảng này dẫn tới cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008.

Để giảm thiểu rủi ro đối với hệ thống ngân hàng, FED đã công bố một chương trình mới cho phép ngân hàng vay vốn từ những công ty bảo hiểm của chính phủ để đáp ứng nhu cầu rút tiền của khách hàng.

Chương trình này được thiết kế để giúp các ngân hàng không phải bán trái phiếu chính phủ, vốn đang mất giá do lãi suất tăng cao.

Bên cạnh những lo ngại đối với ngành ngân hàng, sự sụp đổ của SVB cũng tạo ra một vấn đề lớn cho các start-up và doanh nghiệp công nghệ tại Mỹ. Đây là những công ty có rủi ro cao, thường không nhận được sự trợ giúp từ các ngân hàng truyền thống.

Trong những tháng gần đây, lĩnh vực công nghệ đã chứng kiến làn sóng sa thải nhân viên khi tình hình kinh tế xấu đi.

SVB có được chính phủ Mỹ giải cứu?

Chính phủ Mỹ quyết định không giải cứu SVB sau khi ngân hàng này sụp đổ. Tài sản của ngân hàng này nhiều khả năng sẽ được phân bổ cho các chủ nợ.

Tuy nhiên, các cơ quan quản lý tài chính của Mỹ ngày 12/3 đã tuyên bố sẽ bảo vệ cho khoản tiền gửi của khách hàng tại SVB cũng như ngân hàng Signature, một công ty tài chính khác bị phá sản vào cuối tuần trước. Khách hàng của 2 ngân hàng này sẽ được tiếp cận khoản tiền gửi của mình kể từ ngày 13/3.

Các cổ đông của SVB và một số chủ nợ thuộc diện không an toàn sẽ không nằm trong diện được chính phủ bảo vệ.

 


An Bình (zingnews.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem