Chuyển hướng xuất khẩu lao động trình độ cao

Nguyệt Tạ Thứ ba, ngày 14/01/2020 06:15 AM (GMT+7)
4 năm liên tiếp, Việt Nam vượt chỉ tiêu đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài cả về số lượng lẫn chất lượng. Năm 2020, mục tiêu của Việt Nam hướng tới xuất khẩu lao động trình độ kỹ thuật cao, thay vì lao động phổ thông.
Bình luận 0

650.000 người đang lao động ở nước ngoài

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH), nhiều năm qua hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ) của Việt Nam đạt được nhiều thành tựu. Đáng kể nhất là việc vượt quy mô đưa người đi làm việc, cũng như việc mở rộng quy mô doanh nghiệp tham gia phái cử lao động. 

img

img

Lao động Việt Nam tham gia kỳ thi tiếng Hàn. Ảnh: Minh Nguyệt 

"70% lao động Việt Nam đi XKLĐ vẫn làm công việc phổ thông, không có trình độ tay nghề cao. Chính bởi vậy, mục tiêu thời gian tới không chỉ mở rộng quy mô số lượng lao động đi làm việc, mà còn chú trọng nâng cao chất lượng lao động, tập trung XKLĐ trình độ kỹ thuật cao".

Ông Tống Hải Nam -
Cục trưởng Cục Quản lý
lao động ngoài nước

Ông Tống Hải Nam – Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, năm 2019 là năm thứ tư liên tiếp vượt chỉ tiêu đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Cụ thể, Việt Nam vượt chỉ tiêu về việc mỗi năm đưa 120.000 lao động đi xuất khẩu. Kết quả này góp phần nâng tổng số lao động Việt Nam hiện đang làm việc ở nước ngoài lên khoảng 650.000 người tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong hơn 30 nhóm lĩnh vực, ngành nghề khác nhau.

Theo ông Nam, một số thị trường lao động ngoài nước truyền thống tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam vẫn đang tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng cao như: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc. Ngoài ra, một số thị trường ở châu Âu có nhu cầu ngày càng cao trong việc tiếp nhận lao động từ Việt Nam như: Nga, Rumani, CHLB Đức, Ba Lan, Latvia, Áo... Riêng đối với thị trường CHLB Đức, tính đến hết năm 2019, đã có hơn 1.000 điều dưỡng viên từ Việt Nam sang học tập và làm việc, được phía Đức đánh giá cao.

Đặc biệt Luật Nhập cư mới của Đức chính thức có hiệu lực từ ngày 1/3/2020 sẽ cho phép các doanh nghiệp Đức được tiếp nhận lao động đến từ các nước ngoài EU trong một số lĩnh vực như: Xây dựng, điện, cơ khí, nông nghiệp, nhân viên kỹ thuật y tế, điều dưỡng.

Dự kiến trong năm 2020, Bộ LĐTBXH sẽ ký với cơ quan lao động của CHLB Đức thỏa thuận hợp tác tiếp nhận lao động có kỹ năng của Việt Nam sang làm việc tại CHLB Đức trong 12-13 ngành nghề mà bạn đang có nhu cầu.

Sẽ đưa 130.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài

Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ XKLĐ năm 2020, Cục Quản lý lao động ngoài nước đặt mục tiêu trong năm 2020 đưa được 130.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, tập trung vào các thị trường có thu nhập cao, ổn định, truyền thống như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan... Đặc biệt Cục sẽ nỗ lực ký kết thỏa thuận hợp tác lao động với CHLB Đức.

Đánh giá cao những thành tựu trong công tác XKLĐ nhiều năm qua và năm 2019, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung yêu cầu Cục Quản lý lao động ngoài nước cần nỗ lực để đạt được kết quả cao hơn nữa. Cụ thể như: Hoàn thiện luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); nghiên cứu xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Đồng thời sửa đổi quy định về hoạt động của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước theo hướng đào tạo, bồi dưỡng hỗ trợ doanh nghiệp. Qua đó để doanh nghiệp đầu tư bài bản cho công tác tạo nguồn lao động, đào tạo nâng cao tay nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động Việt Nam trước khi đi làm việc ở nước ngoài

Theo Bộ trưởng, chiếm lĩnh được thị trường lao động Đức là vào được toàn bộ thị trường châu Âu. Tuy nhiên, Bộ trưởng Dung lưu ý, với thị trường châu Âu cần hạn chế lao động trong lĩnh vực xây dựng, vì tỷ lệ lao động bỏ trốn tại đây tập trung nhiều vào lĩnh vực này; khuyến khích người lao động vào làm việc các ngành nghề thuộc lĩnh vực công nghệ, nông nghiệp, nhà máy.

"Bên cạnh đó, các đơn vị thanh tra Bộ, thanh tra cục cần tăng cường công tác hậu kiểm gắn với đó là công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý phát sinh liên quan đến hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Gắn XKLĐ với dạy nghề và việc làm; tăng cường cải cách thủ tục hành chính nhằm minh bạch hóa các điều kiện cấp giấy phép; đặt lợi ích người lao động lên trên hết" - ông Dung nói. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem