Chuyện lạ Phú Thọ, trai, gái làng này thoát ế ngoạn mục nhờ trồng thứ cây thơm "toàn tập", có nhà thu tiền tỷ

Thứ ba, ngày 14/06/2022 19:00 PM (GMT+7)
Nếu như thoát đói, thoát nghèo là một trong những mục tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương thì ở xã Trung Sơn, huyện Yên Lập (tỉnh Phú Thọ), nhiều năm qua còn có thêm một mục tiêu nữa là... “thoát ế” cho những thanh niên đến tuổi dựng vợ, gả chồng.
Bình luận 0

300 thanh niên “thoát ế” ngoạn mục!

Về Trung Sơn thời điểm này “đặc sản” là quế, quế phủ một màu xanh bạt ngàn hai bên đường, ngút ngàn tầm mắt trên những cánh rừng xa. Trong câu chuyện về đời sống của bà con nơi đây, tôi tò mò hỏi đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Phùng Xuân Liên: “6 năm trước Trung Sơn được mệnh danh là làng ế vợ giờ chắc đã khác xưa?”. 

Nhấp chén chè nóng, đồng chí phấn khởi chia sẻ: “Khác chứ, thanh niên Trung Sơn giờ thoát ế rồi, số 300 đấy không còn lại là bao, hầu hết đã lập gia đình, sinh con rồi, giờ này trẻ thì đi học còn người lớn đang nhộn nhịp thu hoạch quế trên đồi”.

Trở lại câu chuyện cách đây 6 năm, có khoảng hơn 300 thanh niên xã Trung Sơn, trong số đó chủ yếu là nam giới đứng trước nguy cơ “ế vợ” khiến nhiều người ngỡ ngàng và đặt câu hỏi. Thời điểm đó, nguyên nhân được cho là mất cân bằng giới tính, theo thống kê của Trạm Y tế xã Trung Sơn, tỷ lệ chênh lệch giới tính các ca sinh những năm 2010 – 2015 liên tục tăng. 

Nhưng nguyên nhân quan trọng nhất do trước đây Trung Sơn là xã miền núi, đường đi lại khó khăn, cách xa trung tâm huyện, kinh tế chậm phát triển, người dân quẩn quanh với cái nghèo. Con gái ở những nơi khác ít ai dám lấy chồng là người Trung Sơn vì muôn nỗi sợ: Sợ nghèo, sợ xa, sợ khổ… còn những cô gái đến tuổi xuân thì cũng ôm mộng thoát nghèo nên lựa chọn yêu và lấy người nơi khác. 

Chuyện lạ Phú Thọ, trai làng, gái bản thoát ế ngoạn mục nhờ trồng quế, có nhà thu tiền tỷ - Ảnh 2.

Cuộc sống người dân đổi thay nhờ trồng quế ở xã Trung Sơn, huyện Yên Lập (tỉnh Phú Thọ).

Vì thế, nhiều thanh niên đến tuổi băm mà vẫn ngậm ngùi vì không có nổi một mảnh tình vắt vai. Chính quyền xã nhiều năm cũng loay hoay tìm hướng phát triển kinh tế cho người dân, đặc biệt là đưa ra một số cây trồng chủ lực nhưng chưa tạo được bước đột phá.

Nhiều thanh niên vì cuộc sống còn nghèo khó đã chấp nhận ly hương, xa gia đình mang theo ước mơ đổi đời nơi phố thị phồn hoa. Trong số đó có cả nam và nữ, thế nhưng thường chỉ có đàn ông là quay về sau một thời gian bươn trải kiếm sống, còn những cô gái đa phần ở lại, không trở về quê nhà.

Sinh năm 1986, từng là một trong những thanh niên đứng trong top “báo động”, anh Đinh Văn Nghị - Trưởng khu Đâng nay đã lấy vợ sinh con, cuộc sống gia đình khấm khá lên nhờ trồng quế. 

Nhấp chén trà nóng, nhâm nhi miếng quế tươi trong chòi nhìn ra trước mắt là hồ nước mênh mông, xa xa là một màu xanh bạt ngàn của quế, Anh Nghị cười nói: “Lo lắm chứ, ngày đấy hơn 300 nam thanh, mà chỉ có 86 nữ tú, không chỉ riêng các thanh niên chưa có công ăn việc làm ổn định ế vợ, mà ngay cả đến cán bộ xã cũng ế vợ thì mình không lo ế làm sao được. 

Bố mẹ mong có con bồng cháu bế nên xót ruột cứ thúc giục, đến ngày cưới được vợ, bố mẹ mừng, cười tươi như quế vào mùa được giá. Thế rồi lần lượt những thanh niên 8X như tôi cũng yên bề gia thất cả rồi”.

“Thoát ế” từ một Nghị quyết...

Thời điểm đó, trong những cuộc họp bà con nhân dân ở đây bắt đầu kiến nghị một nội dung vô cùng mới là: Làm cách nào để giúp các thanh niên lấy vợ. Câu hỏi này cũng trở thành nỗi trăn trở của lãnh đạo xã lúc bấy giờ.

Chuyện lạ Phú Thọ, trai làng, gái bản thoát ế ngoạn mục nhờ trồng quế, có nhà thu tiền tỷ - Ảnh 4.

Thanh niên xã Trung Sơn, huyện Yên Lập (tỉnh Phú Thọ) đến tuổi dựng vợ gả chồng không còn là nỗi lo trong gia đình.

Cùng với việc thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế mất cân bằng giới tính. Công tác tuyên truyền không lựa chọn giới tính khi sinh được triển khai triệt để song song với việc giáo dục, vận động người dân đẩy lùi quan niệm “trọng nam hơn nữ” nên tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đã được kiểm soát, hạn chế. 

Đặc biệt, Đại hội Đảng bộ xã khóa XXIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đưa ra Nghị quyết phát triển rừng trọng tâm là phát triển cây quế, theo hướng xã hội hoá, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia, lấy hộ gia đình làm cơ sở, phát triển mạnh các gia trại, tận dụng đất đồi vườn để trồng rừng, xoá bỏ vườn tạp để chuyên canh về cây quế. 

Đảng ủy, chính quyền xã đã huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông, đường lên đồi phục vụ sản xuất; xây dựng, lồng ghép các chính sách hỗ trợ cụ thể cho việc phát triển, mở rộng diện tích, nâng cao năng suất, chất lượng cây quế, tạo được thương hiệu quế Trung Sơn trên thị trường với quyết tâm đưa xã Trung Sơn trở thành một trong các vùng trọng điểm quế theo đúng định hướng của huyện.

Sau khoảng ba năm, cuối năm 2019 cây quế bắt đầu cho thu hoạch, những thanh niên đi làm ăn xa đã trở về quê hương phụ giúp gia đình lên rừng bóc quế, và bóc thuê cho những nhà khác, nhận thấy hiệu quả từ trồng quế, người dân bắt đầu coi đây là tiềm năng, thế mạnh để giúp cuộc sống của mình thay đổi. 

Có kinh nghiệm “lấy ngắn nuôi dài” nên người dân thu hoạch đều mỗi năm từ quế, nhờ đó giải quyết việc làm tại chỗ, thanh niên làm ăn xa cũng kéo nhau trở về, tình trạng ly hương giảm đáng kể. Cuộc sống đổi thay, người dân “đổi đời” cũng từ cây quế.

Là người bắt chuyến xe xuôi Hà Nội lúc mới tròn 18 tuổi, Đinh Văn Thuận mang theo ước mơ về một công việc ổn định, có tiền trang trải cuộc sống và phụ giúp gia đình, nhưng chỉ sau một năm Thuận quyết định trở về quê cùng bố mẹ trồng và chăm 8ha quế. 

Sau vài năm, cuộc sống gia đình bắt đầu có của ăn của để Thuận quyết định lấy vợ là Bàn Thị Điện quê ở xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái. Điện chia sẻ: “Trung Sơn không còn là nỗi lo ngại của những người có ý định về làm dâu, làm rể nữa và em cũng thế”.

Nếu như lấy vợ, làm nhà là việc trọng đại của đời người thì nhiều thanh niên ở Trung Sơn sau khi lập gia đình đã xây được nhà cao cửa rộng, có những người mua được cả xe ô tô, số khác mua được ô tô bán tải để vận chuyển quế. 

Mỗi vụ quế, nhà ít cũng cũng thu về hơn 500 triệu đồng, nhà nhiều cũng có trong tay gần tỉ, nhất là những cây quế từ 15- 20 năm tuổi. Giờ đây, nhiều người nơi khác đã “yên tâm” về làm dâu Trung Sơn, không còn rào cản, khoảng cách, sự chênh lệch trong đời sống, trai gái trong xã, người ở nơi khác cũng đã cho nhau cơ hội tìm hiểu để nên duyên vợ chồng. Trung Sơn cũng “thoát ế” từ đây...

Thu Hương (Báo Phú Thọ)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem