Chuyện mua ô tô bị chênh giá: Tiền của mình sao phải "lạc"?

Quang Anh Thứ năm, ngày 05/05/2022 11:56 AM (GMT+7)
Chúng ta đang tự mình chuyển chuôi sang lưỡi, từ thượng đế thành nô lệ cho chiếc xe mình cần mua sắm.
Bình luận 0

Mùa "lạc" ở đâu ra?

Đơn giản, tất cả các hãng xe ở Việt Nam đều không bán hàng trực tiếp tới người dùng cuối mà thông qua hệ thống đại lý theo hình thức mua đứt bán đoạn. Hãng sẽ bán cho đại lý, và đại lý bán lại cho khách hàng chiếc xe đó dưới danh nghĩa là tài sản của mình. 

Tiền của mình sao phải "lạc"? - Ảnh 1.

Nhiều mẫu xe bán kèm "lạc". Ảnh Toyota.

Chính vì yếu tố đó mà hợp đồng mua bán sẽ đứng tên đại lý và chính sách bán hàng như thế nào cũng sẽ do họ quyết định, dựa trên những điều khoản trong hợp đồng đại lý với hãng. Việc bán hàng này, như bất kỳ mô hình kinh doanh nào khác, phải đảm bảo số bán và lãi lời cho chủ đầu tư. 

Do vậy để tăng biên lợi nhuận, tạo sự khác biệt với các đối thủ cùng – khác thương hiệu, đại lý sẽ thêm này bỏ kia vào gói sản phẩm để tặng vui hoặc bán ép cho khách hàng. Đây là lạc truyền thống. 

Ngoài ra, trong bối cảnh thực tế, có thể do nhiều yếu tố như Covid-19 làm gián đoạn nguồn cung phụ tùng, xe ra chuyền nhưng không đủ chất lượng xuất xưởng hay vào mùa mua sắm cao điểm, nhân viên bán hàng nào nhìn cũng thấy thóc đầy sân kho nhưng biết vẫn thiếu gạo, thành ra muốn có xe thì phải xếp hàng mà muốn hàng đầu thì phải xếp tiền. 

Luật chơi đã dí vào tay, thuận thì ký, không thì thôi. Đây là lạc thời vụ. 

Vậy tại sao phải mua "lạc"? 

Do bản chất hành vi mua sắm của chính chúng ta. Khi đồng tiền trong túi đã đủ, sự hối thúc của nó khiến cho bản ngã trỗi dậy, ham muốn tăng lên vượt bậc và mong muốn có ngay món đồ bằng mọi giá. Nào là kịp đi Tết, kịp chạy nghỉ lễ, thậm chí kịp ngày lành tháng tốt xuống giấy ra biển... 

Tiền của mình sao phải "lạc"? - Ảnh 2.

Tại sao phải mua "lạc". Ảnh KP.

Có quá nhiều lý do nghe như chẳng thể dừng lại khiến người dùng tự chuyển tay từ chuôi sang lưỡi, từ chủ động thành bị động và từ thượng đế xuống nô lệ của dân buôn bán hàng. Chúng ta mất thêm một mớ tiền chỉ để thỏa mãn cái nhu cầu không thể đừng của mình, sau đó phàn nàn nhân viên bán hàng, hãng như thể mình mới bị lừa một vố đau lắm. 

Vấn đề ở đâu? Do thiếu thông tin. Chúng ta luôn chỉ có một lựa chọn rồi thần tượng hóa nó tới mức không có phương án nào thay thế thỏa mãn. Đành rằng mỗi người một quyết định nhưng đẩy mình vào thế như vậy là đúng bẫy “yêu không người khác đang chờ” của người bán hàng. Cưới vợ thì cưới liền tay, mua xe thì để thư thư vài ngày. 

Kinh nghiệm là một đặt xe trước cả nửa năm hoặc mua vào mùa thấp điểm hoặc ra kho "check" có xe thì vào ký luôn xe đó. Kể cả sát Tết, sát ngày vẫn không bị trượt, thậm chí còn đầy đủ quà mà không bị lạc. 

Thế không mua nhanh thì lấy gì mà đi? Giờ có mua thì cũng chưa chắc có gì mà đi trong bối cảnh nhà máy nằm chơi vì thiếu đồ như hiện tại còn xe cũ thì đang lên giá chót vót hơn cả xe mới. 

Tốt nhất là nên nén nhu cầu lại và nhất quyết nói không với "lạc". Chúng ta nên có thêm phương án thứ 2, thứ 3 để lựa chọn bởi nhân vô thập toàn, chưa chắc phương án 1 của bạn đã thực sự hay hết đâu. Còn nếu nhu cầu trước mắt chỉ là để đi chơi ngắn ngày với thi thoảng về quê thì thuê xe là một lựa chọn hợp lý. Mỗi chuyến đi ta thuê một chiếc, đặt càng sớm giá càng rẻ. 

Như vậy vừa tăng trải nghiệm, lại được đổi gió thường xuyên mà vẫn tiết kiệm tiền kha khá. Há chẳng phải sự đầu tư hợp lý hơn sao?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem