Chuyện thăng trầm nghệ thuật rối nước làng Ra

Duy Huy - Song Phúc Thứ tư, ngày 12/07/2023 09:50 AM (GMT+7)
Phường múa rối nước làng Ra có thể coi là báu vật của sân khấu cổ truyền Thủ đô. Rối nước làng Ra đã đồng hành cùng cuộc sống của người nông dân xứ Đoài, trở thành một món ăn tinh thần hàm chứa bao nét tinh túy, hóm hỉnh và cả trí tuệ của người dân nơi đây.
Bình luận 0

Nghệ nhân chia sẻ về việc gìn giữ trò rối nước. Thực hiện: Duy Huy- Song Phúc.

Ngôi làng tái hiện “hồn dân tộc”

Làng Ra có tên chữ là làng Phú Đa nay là Phú Hòa thuộc xã Bình Phú, là một trong 3 làng rối cổ truyền ở huyện Thạch Thất, Hà Tây (nay thuộc TP.Hà Nội).

Theo sử sách ghi lại, trong thời gian tu hành giảng đạo tại chùa Thiên Phúc (chùa Thầy), thiền sư Từ Đạo Hạnh đã dạy cho dân làng quanh vùng hát chèo và nghệ thuật múa rối. Lo cho việc giữ gìn nghề rối, ngài đã để cho dân làng Ra 3 mẫu ruộng Đồng Vai làm vốn. Chính vì thế, hằng năm vào dịp hội chùa Thầy, phường rối làng Ra được về diễn chầu ở nhà thủy đình trên hồ Long Trì, xã Sài Sơn.

Chuyện thăng trầm của ngôi làng 10 thế kỷ lưu giữ nghệ thuật rối nước - Ảnh 2.

Thủy đình trước đình làng Ra.

Căn cứ vào một số hiện vật được lưu giữ ở đình làng Ra, các nhà nghiên cứu khẳng định rối nước làng Ra có từ rất sớm, trước thế kỷ 12.

Ông Nguyễn Hữu Chính – Nghệ nhân rối nước lớn tuổi ở làng cho biết, ở làng Ra, các nghệ nhân rối nước thường tập trung vào 3 dòng họ: Nguyễn Khắc, Nguyễn Hữu, Nguyễn Văn. 

Tương truyền, phường rối có lời nguyền rằng không truyền nghề cho nơi khác, ai phạm sẽ bị tuyệt tự. Trong phường cũng có lệ, ai điều khiển trò nào thì truyền cho con cháu trò ấy, tuyệt không được biết điều khiển trò khác.

Các con rối thường được để trong các bồ trên sàn hậu cung đình làng. Trước khi đi diễn phải làm lễ hạ rối, trước khi diễn phải làm lễ hạ thủy. Gỗ để tạc các con rối chủ yếu là gỗ sung và gỗ vông vì đặc tính nhẹ, nổi của chúng. Sau khi được tạc con rối được sơn son thếp vàng rất tinh xảo.

Chuyện thăng trầm của ngôi làng 10 thế kỷ lưu giữ nghệ thuật rối nước - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Hữu Chính dù đã lớn tuổi nhưng vẫn miệt mài chế tạo rối nước.

“Về kỹ thuật điều khiển rối nước, phường rối làng Ra điều khiển theo cách đóng cọc, kéo dây. Kỹ thuật này có nhiều lợi thế đó là có thể đưa con rối ra xa buồng trò tới tận 20 - 30 mét, điều này đem đến sự ngạc nhiên bất ngờ cho khán giả. Tuy nhiên, để điều khiển rối nước bằng dây đòi hỏi độ chính xác cao nên người điều khiển phải rất công phu, tỉ mỉ và khéo léo”, ông Nguyễn Hữu Chính nhấn mạnh.

Thăng trầm rối nước làng Ra

Trải qua thời gian, rối nước làng Ra cũng có không ít những thăng trầm. Từ năm 1977 đến những năm đầu của thế kỷ 21, có thể coi là giai đoạn phát triển nhất của rối nước làng Ra.

Người dân nơi đây có lẽ vẫn còn nhớ thời hoàng kim ấy khi biết bao đoàn, biết bao du khách kéo về làng Ra xem múa rối nước. Họ đứng chen chân chật kín khắp đoạn đường quanh ao rối đình làng Ra. Dẫu khi ấy thủy đình chưa được xây dựng kiên cố, dẫu điều kiện biểu diễn còn sơ sài nhưng những nghệ nhân vẫn say sưa để đem đến cho khán giả những tiết mục rối đặc sắc.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hữu Chính (1946), một vị cao niên lão luyện nghề của phường rối, kể rằng: “Khoảng 30 năm về trước, phường rối làng Ra còn nhiều lần được vinh dự đại diện cho nghệ thuật múa rối nước cổ truyền Việt Nam “đem chuông đi đánh xứ người”, biểu diễn tại Đài Loan năm 1999, tại Ý năm 2003 và còn tham dự biểu diễn tại Áo, Trung Quốc, Singapore…”.

Chuyện thăng trầm của ngôi làng 10 thế kỷ lưu giữ nghệ thuật rối nước - Ảnh 4.

Đình làng Ra - nơi các con rối thường được để trong các bồ trên sàn hậu cung đình làng.

Ngày nay, phường rối làng Ra cũng như bao phường rối truyền thống khác đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi mà nghệ nhân ngày càng thưa vắng, sân khấu thủy đình vắng khán giả...

Để khôi phục nghệ thuật múa cổ, thời gian qua huyện Thạch Thất đã triển khai dự án khôi phục nghệ thuật múa rối nước ở các xã Chàng Sơn, Bình Phú, Thạch Xá đã phối hợp với Trung tâm Văn hóa Thành phố Hà Nội tổ chức các lớp tập huấn múa rối nước; cử các phường rối tham gia liên hoan nghệ thuật múa rối nước do thành phố tổ chức; đẩy mạnh quảng bá nghệ thuật múa rối nước...

"Tuy nhiên, để có thể gìn giữ, phát huy giá trị nghệ thuật múa rối truyền thống, bên cạnh việc đầu tư trùng tu nhà thủy đình, đầu tư tạo hình con rối thì cũng cần chọn lọc gìn giữ tích cổ song song với tiếp cận các tích trò hiện đại để các tiết mục rối ngày một phong phú, mới lạ, hấp dẫn... đưa rối nước làng Ra trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng của vùng đất xứ Đoài", ông Nguyễn Hữu Hưng, một người dân ở làng bộc bạch.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem