Chuyện về bức ảnh “làm đẹp trong trận địa”

Lưu Văn Bính Thứ tư, ngày 23/12/2020 21:00 PM (GMT+7)
Tôi và Thiếu tướng Cao Xuân Khuông - nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 4, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa 9, biết và đã từng làm việc với nhau cũng khá lâu, khi Thiếu tướng đang là Chủ tịch Hội Cựu chiến Binh tỉnh Nghệ An, còn tôi đang là Bí thư Huyện ủy Tân Kỳ. Vậy mà, đã gần 8 năm chúng tôi chưa được gặp lại nhau.
Bình luận 0

Hôm nay, một ngày đầu đông năm 2020, tôi từ Hà Nội về thăm nhà Thiếu tướng, với niềm hy vọng sẽ được nghe ông kể tiếp những câu chuyện về một thời chiến tranh ác liệt, gian khổ, khó khăn nhưng rất đỗi tự hào của dân tộc ta...

Hồi ức về những trận đánh khốc liệt

Thiếu tướng Cao xuân Khuông, năm nay đã 78 tuổi đời và 58 tuổi Đảng, quê ông thuộc xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An, một vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Ông là con út trong một gia đình có 6 người con.

Kỷ niệm 76 năm ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2020): Chuyện về bức ảnh “làm đẹp trong trận địa” - Ảnh 1.

Thiếu tướng Cao Xuân Khuông (phải) chụp với tác giả.

"Cuộc đời tôi có hai cái may mắn mà không phải ai cũng dễ có được. Đó hơn hàng chục năm xông pha trận mạc, nhiều lần dấn thân vào "cửa tử" nhưng vẫn sống sót để trở về đoàn tụ với gia đình, quê hương. Hai là, tôi có được một người vợ hiền, chung thủy, giàu đức hy sinh để mình vững tin trước hòn tên, mũi đạn, đặc biệt là trong những giờ phút hiểm nguy".

Thiếu tướng Cao Xuân Khuông

Năm 1960, lúc tròn 18 tuổi, cũng như biết bao bạn bè cùng lứa tuổi, ông đã xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.

Từ đó, dấu chân ông đã in khắp các chiến trường ác liệt và những trận đánh "một mất một còn" với phỉ Vàng Pao ở Thượng Lào, "cối xay thịt", 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị 1972 "mùa hè đỏ lửa", rồi mặt trận Đường 9, Khe Sanh; Đường 9 Nam Lào...

Ông tâm sự: "Cuộc sống và chiến đấu của những người lính, thế hệ chúng tôi, không thể nào kể hết những hiểm nguy, những khó khăn gian khổ. Có nhiều khi sự sống và cái chết luôn cận kề, ranh giới vô cùng mong manh. Nhưng với niềm tin và nghị lực, nghĩa tình đồng chí, đồng đội đã giúp chúng tôi vượt qua tất cả".

Ông kể tiếp cho tôi nghe nhiều câu chuyện cảm động về tình đồng chí, tình đồng đội, tình quân dân trong những năm tháng khốc liệt của chiến tranh; tinh thần quả cảm, ý chí kiên cường của những người lính trong những năm "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai".

Mắt vị tướng già nhìn xa xăm khi ông kể về cuộc chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị. Tiểu đoàn 8 của ông là đơn vị được lệnh vào vị trí chiến đấu đầu tiên và cũng là đơn vị rút lui cuối cùng.

Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt và không cân sức, địch liên tiếp dùng hỏa lực mạnh gây cho quân ta rất nhiều thương vong. Có đồng chí trong đơn vị bị đạn cối của địch găm vào mắt, đồng chí ấy đã tự tay mình rút mảnh đạn ra khỏi mắt và tự băng bó vết thương cho mình rồi xin cấp trên được ở lại tiếp tục chiến đấu.

Tôi hỏi ông: "Bác có nhớ tên người chiến sĩ đó không?". Ông trả lời ngay: "Đó là anh Nguyễn Duy Bình, quê huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội).

Trong 81 ngày đêm chiến đấu gian khổ, khốc liệt ấy, ông và đồng đội lại phải thường xuyên chịu cảnh ốm đau, thiếu thuốc, thiếu ăn, thiếu uống. Trong những căn hầm lầy lội, bùn dơ, những người lính dùng những chiếc ăng gô đun nước sôi, để nấu cháo chia nhau từng thìa một.

Rồi cảnh hàng tháng chờ thư nhà, có những bức thư vừa đến nơi thì người được nhận thư đã hy sinh mất rồi.

Nhưng những người còn sống không dám nói sự thật, nên thay nhau viết thư trả lời nói dối là đồng đội của họ đang đi công tác xa hay đang làm nhiệm vụ đặc biệt, bí mật, để cho gia đình đồng đội đã hy sinh, yên tâm.

Kết thúc cuộc chiến tại Thành Cổ Quảng Trị, Tiểu đoàn 8 của ông vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Ông kể tiếp, có lần trong một trận đánh tại một vùng đồi núi Quảng Trị, do quyết tâm truy đuổi địch nên ông và một số đồng đội thất lạc, không thể liên lạc được với đơn vị. Ròng rã một tháng trời ông và đồng đội phải lội suối, băng rừng tìm đường về đơn vị trong tình cảnh bị quân địch lùng sục, vây ráp.

Trong một trận đánh giáp lá cà với địch, ông lúc đó là đại đội trưởng, bị thương ở cánh tay, nhưng rất may ông đã được đồng đội kịp thời cứu chữa và phải ăn củ chuối, lá rừng cầm hơi để chiến đấu.

Rồi may mắn ông và đồng đội đã tìm được một ngôi làng của người dân tộc Pa Kô, được bà con đùm bọc, cưu mang cho đến khi liên lạc được với Trung đoàn.

Trong thời gian ở cùng làng, ông và đồng đội được bà con dân bản yêu quý, xem như người trong gia đình. Ông lúc đó tuy là đại đội trưởng nhưng chưa đầy 30 tuổi, vóc dáng cao ráo, hiền lành nên được nhiều cô gái Pa Kô yêu mến.

Làm đẹp ngay trong chiến trận

Thiếu tướng đưa tôi xem bức ảnh ông đang được một đồng đội cắt tóc cho ông, ông bảo: Đây là bức ảnh có tên "Làm đẹp ngay trong chiến trận", do phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính chụp cho ông ngày 15/7/1972, khi chiến trận đang rất ác liệt.

Kỷ niệm 76 năm ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2020): Chuyện về bức ảnh “làm đẹp trong trận địa” - Ảnh 3.

Trợ lý tác chiến tiểu đoàn cắt tóc cho tiểu đoàn trưởng Cao Xuân Khuông, năm 1972. Ảnh tư liệu

Vừa đến Tiểu đoàn 8, phóng viên Tính thấy Đại úy Cao Xuân Khuông - Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn đang tất bật chỉ huy, điều quân, chuyển hướng, một không khí vô cùng căng thẳng. Cả trận địa nghi ngút khói lửa, khét lẹt mùi thuốc súng, khung cảnh hoang tàn, đổ nát.

Một lúc sau, ngớt tiếng bom đạn, Tiểu đoàn trưởng Cao Xuân Khuông mới hỏi Đoàn Công Tính: "Chú từ đơn vị nào đến và cần gì?".

Phóng viên Đoàn Công Tính trả lời: "Tôi là phóng viên Báo Quân đội Nhân dân, tiếp cận chiến trường, để chụp ảnh chiến đấu, sinh hoạt của bộ đội tại mặt trận phục vụ công tác tuyên truyền. Tôi cũng muốn ghi lại một số hình ảnh khi các đồng chí đang thực hiện nhiệm vụ tác chiến".

Tiểu đoàn trưởng Cao Xuân Khuông suy nghĩ một lúc rồi nói: "Vậy chú chờ chút để tôi cắt lại mái tóc, chứ đã mấy tháng rồi tôi chưa có thời gian cắt tóc. Sau đó, chú tranh thủ tác nghiệp ngay".

Lại một loạt đạn pháo của địch tới tấp xả xuống trận địa, mọi người tạm lánh vào hầm.

Vừa ngớt đạn pháo thì trợ lý tác chiến của tiểu đoàn cắt tóc cho Tiểu đoàn trưởng và bức ảnh được ra đời thời khắc đó. Cũng từ đó ông và Đoàn Công Tính mất liên lạc với nhau.

Năm 1991, Đoàn Công Tính mở triển lãm ảnh về đề tài chiến tranh tại Quảng Trị gồm những bức ảnh chụp tại chiến trường Thành Cổ, trong đó có bức ảnh bộ đội đang cắt tóc cho nhau. Nhưng do không nhớ tên nhân vật trong ảnh nên ông đặt tên cho bức ảnh là "Làm đẹp ngay trong trận địa".

Rất nhiều cựu chiến binh Thành Cổ Quảng Trị đến dự triển lãm và họ đều nhận ra người trong bức ảnh là Thiếu tướng Cao Xuân Khuông.

Hiện nay, Thiếu tướng Cao Xuân Khuông đang sống cùng vợ là bà Hoàng Thị Đạm, tại Khu đô thị Hưng Thịnh, TP.Vinh, tỉnh Nghệ An.

Tiễn tôi ra về ông còn nói thêm: "Cuộc đời tôi có hai cái may mắn mà không phải ai cũng dễ có được. Đó hơn hàng chục năm xông pha trận mạc, nhiều lần dấn thân vào "cửa tử" nhưng vẫn sống sót để trở về đoàn tụ với gia đình, quê hương, hai là tôi có được một người vợ hiền, chung thủy, giàu đức hy sinh để mình vững tin trước hòn tên, mũi đạn, đặc biệt là trong những giờ phút hiểm nguy".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem