Cổ đông chiến lược sẽ thoái vốn khỏi Ngân hàng ACB?

Quốc Hải Thứ tư, ngày 12/04/2017 07:00 AM (GMT+7)
Kế hoạch thoái vốn của Standard Chartered tại Ngân hàng TMCP Á Châu (mã ACB) mới chỉ trong đang trong tiến trình thảo luận. Nếu bán cổ phần, Standard Chartered sẽ tuân thủ theo đúng luật pháp Việt Nam và ACB...
Bình luận 0

Đó là nội dung được cổ đông quan tâm nhất tại Đại hội Cổ đông thường niên năm 2017 của Ngân hàng TMCP Á Châu (mã ACB), diễn ra sáng 10.4.

Trả cổ tức 10%, tăng vốn lên hơn 11.200 tỷ đồng

Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng Giám đốc ACB cho biết, năm 2016, lợi nhuận trước thuế của ACB đạt 1.667 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2015 và đạt 111% kế hoạch năm. Lãi ròng ghi nhận 1.325 tỷ đồng, tăng trưởng 29%, cao hơn rất nhiều so với năm 2015 (tăng trưởng của năm 2015 chỉ đạt khoảng 8%). Tại thời điểm 31.12.2016, tổng tài sản của ACB đạt 234 ngàn tỷ đồng, tăng 16%. Vốn huy động tăng 18% lên 207 ngàn tỷ đồng. Dư nợ cho vay đạt 163 ngàn tỷ đồng, tăng trưởng 21%; trong đó tín dụng khách hàng cá nhân tăng mạnh 30%. Tỷ lệ nợ xấu đến cuối năm 2016 giảm về mức 0.88% so với mức 1.3% tại thời điểm cuối năm 2015.

Tại đại hội, ACB cũng cho biết sẽ tăng vốn điều lệ lên 11.259 tỷ đồng trong năm 2017 thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với số lượng tối đa là gần 98.6 triệu cổ phần, tỷ lệ thực hiện quyền 10%; nguồn phát hành từ lợi nhuận giữ lại sau phân phối năm 2016. Bên cạnh đó, năm 2017 ACB cũng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 2.205 tỷ đồng, tăng 32% so với thực hiện năm 2016; lợi nhuận sau thuế 1.764 tỷ đồng. Tổng tài sản, tín dụng và huy động vốn dự kiến đều tăng 16%; tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.

Theo phương án phân phối lợi nhuận dự kiến năm 2017, ACB cũng lên kế hoạch tiếp tục trả cổ tức bằng cổ phiếu cho năm tới, với tỷ lệ 10%.

img

Đại hội cổ đông thường niên Ngân hàng Á Châu (ACB)

Liên quan đến việc giải quyết các khoản nợ xấu tồn đọng từ thời bầu Kiên, các khoản nợ liên ngân hàng và nợ từ Vinashin, ông Đỗ Minh Toàn, Tổng Giám đốc ACB cũng cho biết, đến thời điểm hiện tại, nợ xấu sau trích lập dự phòng của ACB vào khoảng 1.500 tỷ đồng. Trong năm 2016, ACB thu nợ được 3.000 tỷ đồng và trích lập 1.115 tỷ đồng. Theo lộ trình năm nay, ACB tích cực thu nợ chưa trích lập dự phòng, đối với nợ đã trích lập ngân hàng sẽ xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi... Tuy nhiên, kế hoạch chi tiết để giải quyết các khoản nợ xấu này không được phía ACB giải thích cặn kẽ cho cổ đông mà chỉ giải thích chung chung là... “làm theo quy định của pháp luật”

Cổ đông chiến lược sẽ rút vốn khỏi ACB?

Bước vào phần thảo luận, chỉ duy nhất 1 cổ đông đứng lên trực tiếp hỏi chủ tọa đoàn, còn lại là hàng chục câu hỏi được gửi qua giấy đến chủ tọa đoàn nhưng câu trả lời của ACB khá chung chung. Cổ đông Hồ Văn Dũng hỏi, kế hoạch Standard Chartered thoái vốn tại ACB như thế nào? Chiến lược đầu tư của Standard Chartered thời gian sắp tới tại Châu Á và ACB như thế nào? Standard Chartered có những chiến lược gì tiếp tục hỗ trợ cho ACB?

Liên quan đến câu hỏi này, phía Standard Chartered cho biết, kế hoạch thoái vốn mới chỉ trong đang trong tiến trình thảo luận và nếu bán cổ phần ACB, Standard Chartered sẽ tuân thủ theo đúng luật pháp Việt Nam và ACB... Bổ sung cho câu trả lời này, phía ACB cũng cho biết, cách đây 6,7 năm thì Standard Chartered đã hỗ trợ rất nhiều về nhân sự và kỹ thuật cho ACB, đến giai đoạn này sự hỗ trợ không còn cần thiết nữa và ACB tự thấy đủ khả năng điều hành.

Được biết, hiện room nước ngoài của ACB thời điểm hiện tại là 29,3%. Trong đó, chỉ riêng Standard Chartered APR Ltd hiện đang sở hữu 8,81% vốn và Standard Chartered Bank (Hong Kong) Ltd đang nắm 6,25% vốn. Nếu cổ đông chiến lược này thoái vốn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý nhà đầu tư cổ phiếu ACB.

Một số câu hỏi khác của cổ đông như ACB có bán bất động sản ở Mạc Đĩnh Chi, chừng nào áp dụng Basel 2; có tham gia gói tín dụng 100.000 tỷ đồng hỗ trợ nông nghiệp hay không... đều nhận được câu trả lời đang xem xét hoặc còn chờ hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.

NHNN có thể xem xét thay đổi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của ACB

Để thực hiện định hướng 2017 của ACB, ông Nguyễn Văn Dũng, Cục trưởng Cục Thanh tra giám sát NHNN Chi nhánh TP.HCM lưu ý, ACB cần xây dựng kế hoạch tái cơ cấu 2017 - 2020 để trình NHNN phê duyệt, xem xét. Ngoài ra, việc tái cơ cấu cần có lộ trình cụ thể. Điều quan trọng là kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng, gắn liền với xử lý nợ xấu. Theo ông Dũng, thực tế nợ xấu hệ thống ngân hàng dưới 3% nhưng thị trường vẫn tiềm ẩn rủi ro làm tỷ lệ này có thể gia tăng. Qua đó, ACB cần phải chú ý đến các khoản nợ tái cơ cấu theo Quyết định 70 có nguy cơ quay trở lại; các khoản đầu tư trái phiếu nếu không thu được các khoản lãi dự thu cũng tiềm ẩn rủi ro.

Mặt khác, năng lực quản trị, kiểm soát nội bộ cần ACB tiếp tục nâng cao, đây là nội dung bắt buộc trong tái cơ cấu ngân hàng. Đối với các khuyến nghị cảnh báo của công ty kiểm toán, NHNN… ACB vẫn phải chú ý, ông Dũng nhấn mạnh. Ngoài ra, liên quan đến tăng trưởng tín dụng chung của hệ thống là 18%, song ACB chỉ là 16%, ông Dũng cho rằng, trong quy mô hiện nay với tỷ lệ cho vay chiếm khoảng 80% vốn huy động thì mức tăng trưởng 16% của ACB sẽ đạt con số tuyệt đối khá lớn. NHNN cũng sẽ xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của ACB tùy theo tình hình thực tế...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem