Bà mẹ xin tư vấn vì con bị cô giáo nói: "Uống phải sữa ngu, mua sữa thông minh mà uống"

Tào Nga Thứ bảy, ngày 28/10/2023 13:28 PM (GMT+7)
"Mẹ mua sữa thông minh cho con uống đi, cô giáo bảo con uống sữa ngu, về bảo mẹ mua sữa thông minh mà uống", một người mẹ đã lên mạng xin ý kiến tư vấn của mọi người.
Bình luận 0

Khi cô giáo làm tổn thương học sinh

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, cô Lương Ngọc Anh, giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm dạy lớp 1 tại một trường tiểu học ở Hà Nội cho biết: "Mới đây, tôi đọc được tâm sự của một người mẹ trên nhóm phụ huynh có con học lớp 1. Người mẹ rất buồn khi con đi học bị cô giáo chê bằng những lời thậm tệ.

Nguyên văn câu chuyện như sau: Chiều nay đi học về, con nói: "Mẹ mua sữa thông minh cho con uống đi. Cô giáo bảo con uống sữa ngu, về bảo mẹ mua sữa thông minh mà uống".

Hỏi đi hỏi lại con vẫn khẳng định là cô nói như vậy, vì con viết sai nên cô nói như vậy. Con nhận thức bình thường, nhưng tính cẩu thả, viết hay sai, tẩy đi tẩy lại. Dù biết con học không tốt nên cô mới bực, nhưng buồn lắm khi nghe con nói như vậy...".

Có nhiều ý kiến bình luận dưới bài viết. Có người khuyên mẹ ấy trao đổi trực tiếp với cô giáo. Có người sợ nếu nói thẳng, cô giáo mất lòng lại ghét, trù dập con thì còn khổ thân hơn nên khuyên người mẹ im lặng...".

Bà mẹ xin tư vấn vì con bị cô giáo nói: "Uống phải sữa ngu, mua sữa thông minh mà uống" - Ảnh 1.

Cô Ngọc Anh trong tiết dạy học. Ảnh: NVCC

Trước câu chuyện này, cô Ngọc Anh cho hay: "Tôi công nhận có những cô giáo vì không kiểm soát được cảm xúc khi dạy học mà nói những lời làm tổn thương trẻ con. Là một giáo viên lớp 1 đã nhiều năm rồi, tôi hiểu việc dạy học sinh lớp 1 là vô cùng vất vả, vì các con từ mầm non lên còn quá non nớt. Nhưng việc một cô giáo làm tổn thương con trẻ bằng lời nói, lại còn bằng lối "chơi chữ" ẩn dụ như thế… Với cá nhân tôi, tôi quyết liệt phản đối. Hành vi đó không khác nào bạo lực học đường - một dạng bạo lực về tinh thần".

Phải làm gì khi cô giáo làm tổn thương con?

Cô Ngọc Anh cho biết, đây cũng không phải là trường hợp duy nhất bởi đâu đó trong môi trường học đường vẫn có những giáo viên nói những lời chưa chuẩn mực, làm tổn thương học sinh. 

"Nếu mình im lặng không lên tiếng là mình đang gián tiếp cho phép người khác làm tổn thương con mình. Nên bản năng của một người mẹ không cho phép chúng ta im lặng trong tình huống này.

Việc đầu tiên phụ huynh cần làm là vỗ về con. Nhưng với sự ngây ngô của con, hãy nói giảm, nói tránh để đơn giản hoá vấn đề trong tư duy của con trẻ. "À! Chắc cô giáo con nói đùa ấy mà! Con đừng buồn nhé! Để mẹ tâm sự với cô, để lần sau cô không nói các con vậy nữa nhé!

Mẹ tuyệt đối không nên nói những lời bức xúc, xúc phạm cô trước mặt con. Điều đó làm con mất đi sự tôn trọng với cô giáo, không nghe lời cô, không hợp tác với cô trên lớp. Với đứa trẻ lớp 1, cô giáo là thần tượng, hình mẫu lý tưởng của học sinh. Phụ huynh cứ nhẹ nhàng xoa dịu để con thấy bình an trở lại, động viên con cố gắng hơn", cô Ngọc Anh chia sẻ.

Và tiếp theo, đây mới là việc quan trọng phụ huynh cần làm với cô để giải quyết tận gốc câu chuyện này. Theo cô Ngọc Anh, có một cách để cô giáo cảm thấy ngại mà hạn chế nói những lời đó với các con. Đó là phụ huynh nhắn tin sự thật với cô giáo. Và mẹ không thể hiện cảm xúc, bỏ ngỏ ở câu chuyện của con trẻ, đồng thời vẫn giữ sự tôn trọng và phép lịch sự với cô.

Ví dụ: "Xin chào cô! Mình là mẹ của con... Mình có việc này muốn chia sẻ với cô. Hôm vừa rồi con đi học về có hỏi mẹ.... Con hỏi xong mà mẹ con thấy buồn cười quá ạ! Đúng là trẻ con cô nhỉ!

Nếu trên lớp con chưa hiểu bài, cô cứ báo với bố mẹ. Mẹ con sẽ cố gắng dạy con ở nhà cho đến khi nào con hiểu bài thì thôi. Mẹ con cũng biết các cô trên lớp rất vất vả với các con. Xin cảm ơn cô nhiều đã lắng nghe chia sẻ của phụ huynh".

Cô Ngọc Anh cho rằng, nhắn tin vậy để báo cho cô giáo biết lời nói đó đã đến tai phụ huynh. Từ đó về sau, trước khi cô định nói gì, cô sẽ cân nói với các con, tránh việc làm tổn thương con".

Đối với giáo viên, cô Ngọc Anh cũng gửi lời nhắn nhủ: "Mình có một vài điều gửi tới các cô giáo, đặc biệt với các cô giáo lớp nhỏ: Dẫu biết việc dạy dỗ, chăm sóc, uốn nắn các bạn nhỏ tuổi là vô cùng khó khăn và vất vả, sẽ có những lúc thầy cô cảm thấy mệt mỏi, bực bội đến "tăng xông". Thế nhưng trẻ con hoàn toàn vô tội, đừng đem những điều tiêu cực đổ lên con trẻ, rất đáng thương.

Một lời nói mình cảm thấy trút được tức giận, nhưng có thể làm tổn thương sâu sắc những học trò bé nhỏ. Mong thầy cô hãy luôn làm chủ cảm xúc và cư xử với học trò bằng cả tình thương và trí tuệ!".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem