Có hay không “lợi ích nhóm” khi cấp phép hãng bay mới?

29/09/2019 09:08 GMT+7
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, hàng không là ngành kinh doanh có điều kiện nên khi cấp phép phải xem xét kỹ. Trong đó, có yếu tố dự phòng mở hãng với nhu cầu thị trường đánh giá trên cơ sở tăng trưởng để đáp ứng tốt hơn.

Như Dân Việt đã thông tin, trong thời gian tới, ngành hàng không Việt Nam sẽ có gần 10 hãng hàng không sẽ cùng cất cánh, đây là tin vui cho khách hàng về mặt cạnh tranh giá vé, nhưng liêu bài toán hạ tầng sẽ được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) giải quyết như thế nào khi tình trạng quá tải ở các sân bay vẫn chưa được giải quyết, như sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài?

Liên quan đến việc các hãng hàng không mới và đang xin giấy phép để mở đường bay, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định: "Vấn đề an toàn luôn luôn được đặt lên hàng đầu, do đó, Bộ GTVT có ủng hộ các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực hàng không nhưng phải đảm bảo an toàn, phù hợp với nhu cầu phát triển giao thông. Sự xuất hiện của các hãng bay mới cũng sẽ mang lại lợi ích cho người sử dụng, giá cả sẽ tốt hơn cho hành khách".

Có hay không “lợi ích nhóm” khi cấp phép hãng bay mới? - Ảnh 1.

Bộ GTVT khẳng định việc cấp phép các hãng bay mới phải phù hợp với các quy định của pháp luật.

Đối với những thông tin về việc có "lợi ích nhóm" khi cấp phép cho các hãng bay mới, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng: "Việc cấp phép cho các hãng bay mới đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật. Bộ GTVT sẽ có quy trình chặt chẽ cấp phép cho hãng hàng không mới ra đời. Trường hợp của Bamboo Airways là một ví dụ, họ đã mất hơn 1 năm mới hoàn thiện xong thủ tục để được cấp phép bay".

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho hay, hàng không là ngành kinh doanh có điều kiện nên khi cấp phép phải xem xét kỹ. Trong đó, có yếu tố dự phòng mở hãng với nhu cầu thị trường đánh giá trên cơ sở tăng trưởng để đáp ứng tốt hơn, xem xét phù hợp lộ trình năng lực cảng hàng không (CHK) và năng lực quản lý của cơ quan quản lý Nhà nước. Đặc biệt hãng mới mở phải xem xét kỹ về tính cạnh tranh, lộ trình đầu tư, điểm đến.

Trước những lo ngại về việc cấp phép cho các hãng hàng không mới, nhưng hạ tầng hàng không thì lại dậm chân tại chỗ khiến hạ tầng sân bay quá tải xuống cấp, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết thêm, 10 năm qua, hàng không Việt Nam tăng trưởng "nóng" luôn ở mức 2 gây áp lực đến nhà ga, sân bay, đường lăn… mà hiện hữu là sân bay Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Nội Bài, Phú Quốc. Thiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã yêu cầu xây dựng danh mục dự án kêu gọi xã hội hóa nhà đầu tư để báo cáo Thủ tướng sớm nhất. Phần hạ tầng nào kêu gọi vốn doanh nghiệp xã hội hóa sẽ cho xây dựng và nếu không được thì Nhà nước sẽ đầu tư.

Theo thống kê, mỗi ngày sân bay Tân Sơn Nhất đón khoảng 700 lượt chuyến bay cất và hạ cánh. Ngày cao điểm, con số này lên đến hơn 900. Năm ngoái, sân bay này đã phải oằn mình cõng thêm trên 10 triệu lượt khách vượt công suất thiết kế. Trong khi đó việc mở rộng Tân Sơn Nhất đã bàn từ hai chục năm nay nhưng vẫn giậm chân tại chỗ.

Trung bình sân bay Nội Bài đón 500 chuyến bay cất hạ cánh/1ngày, áp lực xuống hạ tầng đường lăn cất hạ cánh là rất lớn. Trong khi tình trạng xuống cấp tại đường lăn là rất nghiêm trọng, thế nhưng lại đòi hỏi cơ quan quản lý Nhà nước là Bộ GTVT phải đảm bảo tuyệt đối an toàn hàng không.

Đường lăn hỏng nghiêm trọng, nhưng Nhà nước lại không có vốn để bố trí sửa chữa, còn đơn vị khai thác, kinh doanh có tiền thì lại không được sửa khiến Bộ GTVT gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều khách sau mỗi chuyến bay hạ cánh xuống sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất thường than phiền về việc máy bay dằn, sốc khi lăn bánh vào đường băng với tốc độ cao và đổ lỗi do phi công kém.

Minh Hiếu
Cùng chuyên mục