Cơ hội mới của kinh tế tư nhân

Thứ hai, ngày 07/01/2013 10:37 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Một trong những sửa đổi quan trọng, thu hút sự quan tâm của dư luận và đặc biệt là của các chuyên gia kinh tế - đó là nội dung "vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước" sẽ không còn được quy định trong Hiến pháp sửa đổi lần này.
Bình luận 0

Phóng viên NTNN đã trao đổi với chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh xung quanh vấn đề trên.

Thưa ông, sau hàng chục năm coi kinh tế nhà nước có vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, đến lần sửa đổi Hiến pháp này, trong nội dung dự thảo đã thôi không "coi" kinh tế nhà nước, mà đại diện ở đây là các doanh nghiêp nhà nước (DNNN) đóng vai trò chủ đạo nữa. Tín hiệu này nói lên điều gì?

- Tôi rất hoan nghênh dự thảo sửa đổi Hiến pháp khi không còn quy định kinh tế nhà nước làm chủ đạo. Việc kinh tế nhà nước không còn có vai trò chủ đạo phản ánh một tình hình là dưới danh nghĩa "chủ đạo" thì đã có quá nhiều ưu đãi, quá nhiều sự nuông chiều và dẫn đến kinh tế nhà nước sử dụng rất nhiều tín dụng, rất nhiều tài nguyên trong khi đóng góp vào GDP rất thấp. Việc nói rằng "sử dụng các DNNN làm công cụ ổn định kinh tế vĩ mô" cũng không được thực tế chứng minh. Như vậy, kinh tế nhà nước sẽ phải cạnh tranh bình đẳng với kinh tế tư nhân, từ đó có thể hy vọng sự hoạt động hiệu quả hơn.

img
Khu vực kinh tế tư nhân tới đây sẽ có nhiều cơ hội hơn để phát triển. Ảnh: Vận chuyển hàng xuất khẩu tại cửa khẩu Móng Cái, Quảng Ninh.

Theo ông, tại sao sau một thời gian dài được dành nhiều ưu đãi với hy vọng là công cụ giúp ổn định, điều tiết vĩ mô nền kinh tế thì nay kinh tế nhà nước lại bị loại bỏ vai trò chủ đạo?

- Rõ ràng trong thời gian qua thực tế cho thấy kinh tế nhà nước kém hiệu quả nên mới dẫn đến Vinashin, Vinalines… và rồi tới đây còn không biết có bao nhiêu "ông lớn" khác cũng đang rập rình. Tình trạng kém hiệu quả, lãng phí, thua lỗ, thất thoát của các tập đoàn kinh tế nhà nước là nguyên nhân dẫn đến đầu tư cao nhưng hiệu quả thấp. Vậy thì sao lại có vai trò chủ đạo được. Cho nên không quy định như vậy trong Hiến pháp là một tiến bộ.

img Nếu các tập đoàn kinh tế nhà nước là công cụ hữu hiệu để ổn định kinh tế vĩ mô thì tại sao tình hình kinh tế vĩ mô lại không ổn định kéo dài, làm sao lại có vai trò chủ đạo được. Cho nên sửa đổi như trong Hiến pháp là một tiến bộ và nó đòi hỏi Chính phủ phải thay đổi những chính sách. img

Ông Lê Đăng Doanh

Từ Hiến pháp năm 1992, kinh tế tư nhân được xác định là bình đẳng với kinh tế nhà nước. Kể từ đó đến nay đã có sự bình đẳng hay chưa khi mà trên thực tế các thành phần kinh tế này không được tiếp cận một cách công bằng các nguồn lực trong xã hội?

- Kinh tế tư nhân kể từ sau khi có Luật Doanh nghiệp năm 1999 đã được tạo điều kiện và được phát huy tốt hơn rất nhiều. Nhưng vì kinh tế nhà nước vẫn được coi là chủ đạo nên các DNNN vẫn nhận được rất nhiều ưu đãi về tín dụng, đất đai, dự án… Cho nên có thể nói các doanh nghiệp tư nhân vẫn bị các DNNN chèn ép và không thể phát huy được hết những ưu điểm. Chúng ta cứ nhìn vào thực tế các doanh nghiệp tư nhân chủ yếu chỉ hoạt động trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ chứ những lĩnh vực quan trọng thì chưa thể chen chân vào được. Vì thế, tôi nghĩ rằng sự bình đẳng với kinh tế tư nhân phải được thể hiện cụ thể trong các quy định của pháp luật trong tương lai tới đây...

Liệu việc không xác định kinh tế nhà nước có vai trò chủ đạo trong lần sửa đổi Hiến pháp này có là cơ hội để kinh tế tư nhân được đối xử công bằng một cách thực sự?

- Nếu không còn thực hiện những ưu đãi dưới danh nghĩa chủ đạo nữa thì tôi nghĩ rằng kinh tế tư nhân sẽ hy vọng có cơ hội để tiếp cận nhiều hơn với tín dụng, dự án và có thể cạnh tranh một cách bình đẳng hơn. Và đặc biệt là nguồn lực ít ỏi của xã hội sẽ được phát huy một cách có hiệu quả hơn, đóng góp vào việc nâng cao hiệu quả và sự phát triển của nền kinh tế. Có nghĩa là doanh nghiệp tư nhân sẽ có cơ hội được bình đẳng hơn.

Theo ông thì cần làm gì để biến sự bình đẳng đã được ghi trên "giấy" trở thành hiện thực?

- Các doanh nghiệp tư nhân vẫn thường xuyên phản ánh là họ vẫn bị đối xử một cách thiếu bình đẳng, không được đối xử công bằng tại các cơ quan nhà nước. Do đó, tạo sự bình đẳng cho họ bằng những quy định cụ thể trong luật pháp và phải được thực thi. Cụ thể là các cơ quan nhà nước phải thực thi một cách nghiêm túc, chứ không phải như hiện nay có rất nhiều văn bản khi quy định trên giấy thì như thế, nhưng đến khi tiếp cận với các cơ quan nhà nước thì gặp rất nhiều khó khăn.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem