Cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo, Ocean Group (OGC) nói gì?
Cổ phiếu OGC của Công ty CP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group, HoSE: OGC) chuyển từ diện kiểm soát sang diện cảnh báo từ 28/6, trước đó, công ty này cũng mới công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 vào tháng 6/2022.
Lý do cổ phiếu OGC được đưa vào diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 31/12/2021 là âm 2.726,4 tỷ đồng, căn cứ theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2021.
Theo đó, cổ phiếu OGC thuộc diện chứng khoán bị cảnh báo theo quy định tại Quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết của Hội đồng thành viên Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam.
Ocean Group giải thích, từ đầu năm 2020 đến nay, tình hình dịch bệnh đã ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động kinh doanh của các đơn vị thành viên trong Tập đoàn. Tuy nhiên, Công ty đã và đang thực hiện việc tái cơ cấu tài chính một số khoản đầu tư, phương án tài chính để xử lý các khoản công nợ phải thu khó đòi tồn tại trong nhiều năm qua và thực hiện các phương án khác để duy trì, từng bước khôi phục và mở rộng hoạt động kinh doanh.
Trong thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục tập trung vào các mảng sản xuất kinh doanh chính, thực hiện việc tái cơ cấu toàn diện các khoản đầu tư, tài sản hiện có và có phương án tái khởi động cho các dự án bất động sản. Từ đó, tạo ra lợi nhuận trong các năm tiếp theo và từng bước giảm các khoản lỗ lũy kế.Xét về hoạt động kinh doanh, trong năm 2021, Ocean Group ghi nhận doanh thu giảm 54,7% so với kỳ về 409,28 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 280 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 240,96 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý, Công ty kinh doanh dưới giá vốn dẫn tới lợi nhuận gộp âm.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 380,3 tỷ đồng so với cùng kỳ, về âm 1,74 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 92,5% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 262,8 tỷ đồng về 21,43 tỷ đồng.
Chi phí tài chính giảm gần 40 tỷ đồng, về âm 0,04 tỷ đồng; chi phí bán hàng giảm 50,7%, tương ứng giảm 79,4 tỷ đồng về 77,13 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 19,9%, tương ứng tăng thêm 48,15 tỷ đồng lên 289,88 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Với việc ghi nhận lỗ của công ty mẹ là 75,97 tỷ đồng trong năm 2021, Công ty nâng lỗ luỹ kế từ 2.650,4 tỷ đồng lên 2.726,4 tỷ đồng và bằng 90,88% vốn điều lệ.
Ngoài ra, xét về dòng tiền, trong năm 2021, Công ty ghi nhận dòng tiền kinh doanh chính âm 109,9 tỷ đồng (so với cùng kỳ dương 41,9 tỷ đồng). Thêm nữa, dòng tiền đầu tư âm 28,9 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 20 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ. Như vậy, trong năm, Công ty tăng vay nợ bù đắp dòng tiền kinh doanh âm.
Được biết, dòng tiền kinh doanh chính năm 2021 âm 109,9 tỷ đồng là giá trị âm kỷ lục từ năm 2016 tới nay.
Tính tới 31/12/2021, tổng tài sản của Ocean Group giảm 22% so với đầu năm về 2.932,8 tỷ đồng.
Trong đó, tài sản chủ yếu tài sản cố định đạt 700,8 tỷ đồng, chiếm 23,9% tổng tài sản; tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 503,3 tỷ đồng, chiếm 17,2% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 481,5 tỷ đồng, chiếm 16,4% tổng tài sản; tài sản dài hạn khác đạt 414,3 tỷ đồng, chiếm 14,1% tổng tài sản và các tài sản khác.
Ngoài ra, tính tới 31/12/2021, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn tăng 13% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 20 tỷ đồng lên 173,3 tỷ đồng và chiếm 5,9% tổng nguồn vốn.
Cũng liên quan đến Công ty này, mới đây, Ocean Group đã vừa có loạt động thái mới sau khi IDS Equity Holdings chính thức tiếp quản.
Công ty này vừa thông báo bán 7 khoản nợ với tổng số dư nợ gốc hơn 1.000 tỷ đồng, trong đó khoản nợ lớn nhất đến từ Công ty Đầu tư & Thương mại Vneco Hà Nội với giá trị hơn 380 tỷ đồng. Giá khởi điểm bằng 1/10 giá trị dư nợ chào bán, tương ứng hơn 107 tỷ đồng.
Một công ty khác trực thuộc Ocean Group là Công ty Đầu tư Đại Dương Thăng Long (OTL) cũng chào bán khoản phải thu với Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Sông Đà, dư nợ gốc chưa bao gồm các khoản lãi, phạt là hơn 640 tỷ đồng. Giá khởi điểm của khoản nợ này là 20 tỷ đồng, tương đương 3% giá trị số dư nợ gốc.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 6/7, cổ phiếu OGC giảm 300 đồng về 12.600 đồng/cổ phiếu.