Cổ phiếu hàng không "khổ" vì Covid-19: Giảm sốc giá vé, vốn hóa

19/02/2020 14:56 GMT+7
Dịch viêm đường hô hấp do Covid-19 đang trở thành nỗi ám ảnh toàn cầu, gây thiệt hại cho nhiều ngành kinh tế. Đáng kể nhất là ngành hàng không, bao gồm cả các hãng hàng không Việt Nam.

Lượng hành khách đi lùi, giảm giá vé

Dịch viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 khởi nguồn từ Vũ Hán được nhắc tới trước Tết Nguyên đán 2020. Tuy nhiên, phải sau Tết, dịch mới trở nên trầm trọng hơn. Trước tình hình dịch bệnh có nguy cơ lan rộng, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân hạn chế đi lại, hạn chế tới các nơi công cộng.

Vì vậy, nhiều ngành nghề đã bị ảnh hưởng, trong đó đáng kể nhất là ngành hàng không. Mới đây, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cung cấp thông tin về lưu lượng hành khách di chuyển bằng máy may trong thời gian này. ACV cho biết do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng hành khách di chuyển bằng máy bay đã giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, lượng hành khách giảm mạnh tại các địa điểm du lịch như Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh, vắng nhất là sân bay Cam Ranh vì khách quốc tế chiếm tới 60%, giữ ổn định nhất là Nội Bài, mỗi ngày có 530 - 540 lượt chuyến bay, giảm khoảng 100 chuyến so với dịp cao điểm Tết Canh Tý.

Cổ phiếu hàng không "khổ" vì Covid-19: Giảm sốc giá vé, vốn hóa - Ảnh 1.

Lượng hành khách di chuyển bằng máy bay giảm mạnh do chịu tác động bởi dịch viêm đường hô hấp cấp.

Đại diện Tổng Công ty Cảng hàng không Việt cho biết hành khách đi dịp Tết đã về nhà và không đi tiếp. Khách quốc tế cũng ít người mới đến do lo ngại dịch bệnh nên trong 1 - 2 tháng tới, lượng khách sẽ còn giảm.

Trước việc hành khách hạn chế đi lại, các hãng bay đang đồng loạt giảm giá vé. Hiện tại, giá vé máy đi tuyến Hà Nội – TP.HCM chỉ dao động từ 190.000 đồng tới 199.000 đồng một vé tại Vietnam Airlines, Jestar Pacific và Bamboo Airways. Tại Vietjet Air, giá cũng rất thấp, chỉ 222.000 đồng. Đây là mức thấp nhất trong nhiều năm qua.

Vốn hóa giảm sâu

Hàng không được đánh giá là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch viêm đường hô hấp cấp do Covid-19. Kết quả là, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ngành hàng không chịu "tổn thương" nhiều nhất.

Vì vậy, dù tăng mạnh trong ngày 22/1/2020, ngày giao dịch cuối cùng của năm Kỷ Hợi 2019 nhưng vào phiên đầu tiên của năm Canh Tý 2020, chỉ số VN-Index lao dốc. Đà lao dốc của VN-Index khiến cổ phiếu ngành hàng không giảm sâu, có mã thậm chí giảm sàn vài phiên liên tiếp và có đà giảm sâu hơn so với thị trường.

Cụ thể, đóng cửa phiên 18/2, VN-Index dừng ở mức 927,93 điểm, giảm 63,53 điểm, tương đương 6,75%. Trong khi đó, một số mã cổ phiếu ngành hàng không, có tốc độ giảm trên 10%.

Chốt ngày 18/2, cổ phiếu VJC của Công ty cổ phần hàng không Vietjet dừng ở mức 128.700 đồng/CP, giảm 17.800 đồng/CP, tương đương 12,2%. Vốn hóa thị trường Vietjet hao hụt 9.641 tỷ đồng.

Cổ phiếu HVN của Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) giảm 5.900 đồng/CP, tương ứng 18% xuống 26.900 đồng/CP. Vốn hóa thị trường Vietnam Airlines mất 8.368 tỷ đồng.

Cổ phiếu ACV của ACV giảm 9.200 đồng/CP, tương ứng 13,3% xuống 59.800 đồng/CP khiến vốn hóa thị trường ACV giảm 20.030 tỷ đồng. Cổ phiếu AST của Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Taseco giảm 11.600 đồng/CP, tương ứng 13,3% xuống 75.400 đồng/CP. Cổ phiếu ARM của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Hàng không giảm 6.400 đồng/CP, tương ứng 17,8%. Cổ phiếu CEN của Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không CENCON Việt Nam giảm 3.800 đồng/CP, tương đương 33,6% xuống 7.500 đồng/CP. NAS của CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất giảm 3.100 đồng, tương đương 10,5% xuống 26.300 đồng/CP.

Chỉ một số mã có tốc độ giảm thấp hơn 10%. Cổ phiếu MAS của Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng giảm 4.100 đồng/CP, tương đương 8,5% xuống 43.900 đồng/CP. Cổ phiếu NSC của Công ty cổ phần Suất ăn Hàng không Nội Bài giảm 1.000 đồng/CP, tương đương 4,2% xuống 23.000 đồng/CP.

Vẫn có cơ hội tăng trưởng tốt

Dịch viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 chưa thể được khống chế trong những ngày tới đây. Vì vậy, nền kinh tế nói chung và ngành hàng không nói riêng sẽ vẫn tiếp tục chịu "tổn thương". Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam cho biết ACV sẽ phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh trong năm nay và tái cơ cấu thị trường.

Các hãng hàng không lớn chưa bình luận gì về tác động của Covid 19 tới hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, dựa vào cơ cấu doanh thu, có thể thấy, cả Vietjet hay Vietnam Airlines đều vẫn có "cửa" duy trì tăng trưởng dương cho lợi nhuận.

Đó chính là hoạt động sale and leaseback.

Cụ thể, doanh thu vận tải hàng không năm 2019 của Vietjet tăng 21% nhưng hoạt động từ sale and leaseback lại giảm khiến lợi nhuận sau thuế năm 2019 của Vietjet giảm từ 5.335 tỷ đồng xuống 4.219 tỷ đồng.

Vietnam Airlines cũng rơi vào tình huống tương tự. Trong năm 2019, dù doanh thu vận tải hàng không tăng nhẹ từ 78.572 tỷ đồng lên 78.855 tỷ đồng nhưng lợi nhuận lại giảm từ 2.599 tỷ đồng xuống 2.517 tỷ đồng do hoạt động sale and leaseback chưa sôi nổi.

Vì vậy, khi doanh thu vận tải hàng không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các hãng hàng không hoàn toàn có thể duy trì tăng trưởng dương bằng cách đẩy mạnh hoạt động sale and leaseback.

Tiểu My
Cùng chuyên mục