Cơ quan chức năng không điều tra việc tăng vốn điều lệ tại VNCB

Hữu Ký Thứ hai, ngày 15/01/2018 16:51 PM (GMT+7)
Cơ quan điều tra khẳng định chỉ điều tra hành vi của Phạm Công Danh cùng đồng phạm dùng các công ty lập hồ sơ vay tiền tại 3 ngân hàng (Sacombank, TPBank, BIDV) gây thiệt hại cho các ngân hàng, chứ không điều tra về việc tăng vốn điều lệ tại VNCB.
Bình luận 0

Chiều nay (15.1), phiên tòa xét xử Phạm Công Danh cùng các bị cáo về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB), Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng Tiên Phong (Tienphongbank, nay là TPBank) và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tiếp tục phần xét hỏi.

Theo kế hoạch, trong chiều nay HĐXX và các luật sư chuyển qua phần xét hỏi liên quan đến hành vi Phạm Công Danh cùng các đồng phạm thông qua hành vi vay tiền của TPBank gây thiệt hại 1.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, HĐXX vẫn chấp thuận để luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh) quay lại phần xét hỏi với nội dung liên quan đến số tiền 4.500 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ VNCB.

img

Phạm Công Danh và đồng phạm tại phiên tòa ngày 15.1.

Vị luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh đã đặt nhiều câu hỏi liên quan vấn đề này với đại diện Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an. Đại diện cơ quan điều tra xác nhận số tiền 4.500 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ của VNCB. Nguồn tiền Phạm Công Danh và đồng phạm vay từ BIDV đã hòa vào dòng tiền chung và sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau. Đại diện cơ quan điều tra cũng cho biết thêm, số tiền này do đã hòa chung vào dòng tiền của VNCB nếu như còn ở ngân hàng thì còn dùng để khắc phục hậu quả được, nhưng dòng tiền này đã không còn nên không thể thu hồi được.

Luật sư Phan Trung Hoài đặt câu hỏi: “Khoản tiền đó có được dùng để giảm trừ thiệt hại gây ra ở giai đoạn 2 của vụ án?". Đại diện Cơ quan CSĐT trình bày quá trình điều tra để xác định giảm trừ, khắc phục cho giai đoạn 2 hay không phải xác định là tiền còn ở VNCB. Nhưng, số tiền đó đã được hòa vào dòng tiền chung sử dụng trong giai đoạn các bị cáo còn điều hành ngân hàng.

Về việc hòa vào dòng tiền chung, điều tra viên này cho biết, tiền để tăng vốn phải do cổ đông đóng góp chứ không phải tiền đi vay. Nhưng, Phạm Công Danh và các đồng phạm ngồi đây không có tiền thật nên đã dùng tiền vay từ các ngân hàng để tăng vốn. Đây là điều trái quy định.

Trả lời câu hỏi: “Có xác minh việc Ngân hàng Nhà nước có cho tăng vốn điều lệ VNCB hay không, đây có phải hành vi lách luật hay không?”, đại diện Cơ quan CSĐT cho rằng đây không thuộc thẩm quyền nên không điều tra. Trong vụ án giai đoạn 2, Cơ quan CSĐT chỉ điều tra hành vi Phạm Công Danh cùng các đồng phạm thực hiện vay vốn của 3 ngân hàng (Sacombank, BIDV, TPBank), chứ không điều tra về việc tăng vốn điều lệ VNCB.

Trước đó liên quan đến số tiền tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 7.500 tỷ đồng, các bị cáo: Phạm Công Danh, Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương và Hoàng Đình Quyết nhiều khẳng định số tiền không bị thất thoát, không bị mất đi mà nó vẫn còn tồn tại và đang hòa vào dòng tiền chung của Ngân hàng CB (trước đây là VNCB).

Các bị cáo đề nghị HĐXX xem xét lại hậu quả của các bị cáo gây ra. Bởi thực tế số tiền thiệt hại mà Phạm Công Danh cùng đồng phạm gây ra không phải là 6.126 tỷ như cáo trạng, mà là ít hơn nếu cấn trừ đi số tiền 4.500 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ Ngân hàng VNCB. Số tiền 4.500 tỷ hiện vẫn còn và đã hòa chung vào dòng tiền của ngân hàng CB. Do đó, bị cáo đề nghị HĐXX xem xét cấn trừ số tiền trên để khắc phục hậu quả.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem