Có tình trạng lách chủ trương, tăng tiền môi giới lao động đi nước ngoài

23/10/2020 21:24 GMT+7
Bộ trưởng Bộ LĐ, TB & XH Đào Ngọc Dung cho hay, thời gian vừa qua mặc dù có quy định công khai nhưng có tình trạng lách chủ trương, tăng tiền môi giới từ thu phí đằng sau. Do đó, dự thảo Luật lần này tại Điều 24 quy định toàn bộ mức thu lệ phí và môi giới vào trong luật.
Có tình trạng lách chủ trương, tăng tiền môi giới lao động đi nước ngoài - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ LĐ, TB & XH Đào Ngọc Dung

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), tại Kỳ họp 10 Quốc hội Khóa XIV, chiều ngày 23/10, bà Nguyễn Thúy Anh - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề Xã hội của Quốc hội đã giải trình, tiếp thu nhiều vấn đề thu hút sự quan tâm của người lao động.

 Đối với ý kiến đề nghị bỏ quy định việc người lao động phải đóng tiền dịch vụ, hay cần quy định chặt chẽ mức trần tiền dịch vụ, theo bà Nguyễn Thúy Anh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phải thực hiện nhiều hoạt động, theo quy trình, từ tìm kiếm thị trường, đối tác, đàm phán hợp đồng, hỗ trợ người lao động khi làm việc ở nước ngoài… nên việc quy định tiền dịch vụ là cần thiết.

Tuy nhiên, đại diện Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, pháp luật hiện hành và dự thảo Luật đã quy định rất chặt chẽ các điều kiện, phải bảo đảm việc thu tiền dịch vụ của người lao động một cách hợp lý, minh bạch, phù hợp với các điều ước quốc tế có liên quan, theo khuyến nghị của Tổ chức Lao động quốc tế.

"Tiếp thu ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý theo hướng luật hóa quy định hiện hành của Nghị định, bổ sung quy định nguyên tắc xác định mức trần tiền dịch vụ phù hợp với từng thị trường, ngành, nghề trong từng thời kỳ tại khoản 5 Điều 24 của dự thảo Luật" – bà Nguyễn Thúy Anh nói.

Liên quan đến vấn đề trên, trong phiên giải trình trước Quốc hội về dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung (Bộ LĐ, TB & XH) cũng đã nêu một số vấn đề còn nhiều thắc mắc liên quan đến Điều 24 trong dự thảo Luật.

Có tình trạng lách chủ trương, tăng tiền môi giới lao động đi nước ngoài - Ảnh 3.

Cụ thể, về vấn đề minh bạch thu tiền dịch vụ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, từ năm 2007 thì tất cả việc thu tiền dịch vụ, tiền môi giới của các doanh nghiệp đối với người lao động thực hiện bằng một quyết định. Thời gian vừa qua mặc dù có quy định công khai nhưng có tình trạng lách chủ trương, tăng tiền môi giới từ thu phí đằng sau. Do đó, dự thảo Luật lần này tại Điều 24 quy định toàn bộ mức thu lệ phí và môi giới vào trong luật.

Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là một tiến bộ rất lớn, đã cụ thể hóa nâng quy định của Nghị định vào Luật. Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán cũng như trong các thỏa thuận quốc tế giữa các nước thường có quy định mức phí cụ thể như điều dưỡng viên thì mức khác, lực lượng lao động nông nghiệp mức khác. Do đó Ban soạn thảo đề nghị ngoài quy định ở trong Luật này thì cần phải thêm những quy định khác mà theo điều ước quốc tế hay thỏa thuận quốc tế giữa 2 quốc gia thì giao cho Chính phủ quy định.

Tại Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, liên quan đến về cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nêu rõ: theo giải trình của cơ quan chủ trì soạn thảo, Luật hiện hành quy định, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện trong đó có điều kiện về "vốn pháp định" thì mới được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Thuật ngữ "vốn pháp định" được sử dụng trong Luật Doanh nghiệp 2005. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp hiện hành không còn sử dụng thuật ngữ này, nên dự thảo Luật đã điều chỉnh từ "vốn pháp định" thành "vốn chủ sở hữu".

Với mục tiêu bảo vệ tốt nhất cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài, nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ, thì các điều kiện bảo đảm hoạt động và năng lực tài chính của doanh nghiệp là rất quan trọng nhằm dự phòng các tình huống phát sinh, rủi ro xảy ra trong quá trình hoạt động, nhất là khi liên quan đến người lao động và việc quy định về vốn chủ sở hữu sẽ chặt chẽ và khả thi hơn "vốn điều lệ" (theo quy định của Luật Doanh nghiệp là nguồn vốn được được ghi trên giấy phép kinh doanh, là tổng số vốn góp của tất cả các thành viên ).

"Thực tế cho thấy, việc quy định mức vốn 5 tỷ đồng như hiện hành là mức tối thiểu có thể bảo đảm yêu cầu về quản lý, giải quyết các vấn đề phát sinh đối với lao động làm việc ở nước ngoài, đây cũng là kinh nghiệm của một số nước trong việc quy định về năng lực tài chính của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho được giữ như dự thảo Luật" - Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ.

Đức Minh
Cùng chuyên mục