Cơm đùm, gạo bới lên núi chăn... voọc

Thanh Phương Thứ năm, ngày 16/07/2015 08:45 AM (GMT+7)
Tình cờ phát hiện trên những lèn đá ở quê hương mình có những đàn voọc Hà Tĩnh (một loài linh trưởng đặc biệt quý hiếm) đang sinh sống, mấy năm qua ông Nguyễn Thanh Tú (thôn Thiết Sơn, xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) ngày đêm cơm đùm gạo bới, luồn rừng canh giữ không công cho đàn voọc được bình yên trước họng súng của những kẻ săn trộm…
Bình luận 0

 “Tú chăn voọc!”

Hoàng hôn dần buông xuống, chúng tôi theo chân ông Nguyễn Thanh Tú vào những ngọn núi đá vôi cao vút ở thung lũng Thiết Sơn, thượng nguồn con sông Gianh hùng vĩ, bắt đầu một chuyến… tuần rừng bảo vệ đàn voọc Hà Tĩnh thường nhật của ông. Ngược đường với chúng tôi là những người nông dân trở về làng sau một ngày lao động ở các cánh đồng dưới chân núi. Gặp ông Tú, họ chào rôm rả: “Đi cho voọc ăn đó à ông Tú!”, “Đi chăn voọc à ông Tú!”…Không biết từ khi nào ông Tú đã chết danh với cái tên “Tú chăn voọc”. Cái tên đó lúc đầu mọi người gọi ông có chút gì đó mỉa mai, miệt thị… Nhưng bây giờ thì họ đã hiểu, công việc không công mà ông Tú đang làm nên họ rất quý trọng ông.Ông Tú vốn là một sĩ quan biên phòng, đầu năm 2012 ông nghỉ hưu theo chế độ. Vốn là một người siêng năng, yêu lao động nên khi trở về quê hương, ông Tú bắt tay cùng vợ làm việc đồng áng như một nông dân thực thụ.

img

Ông Tú (trái) trò chuyện, thuyết phục mọi người cùng bảo vệ đàn voọc.  Ảnh: T.P

Ông Tú kể, đầu năm 2013, sau cả buổi sáng phát nương trồng rừng ở chân lèn Cây Gạo, ông Tú ngả người trên một tảng đá nghỉ ngơi. Đang thả hồn theo một bản nhạc phát ra từ chiếc điện thoại di động, bất chợt ông nhìn thấy những chấm đen di động đang tiến về phía ông ngày càng gần... rất gần. Trước mắt ông Tú là một đàn voọc gần chục con mình đen tuyền, đuôi dài, hai má trắng, đỉnh đầu có chòm lông đen hất lên. Là bộ đội biên phòng có trên 16 năm công tác ở tuyến rừng biên giới Quảng Bình, ông Tú từng được dự các lớp tập huấn nhận diện các loài động vật đặc hữu, quý hiếm, nên khi nhìn thấy đàn voọc, ông khẳng định ngay đây là voọc Hà Tĩnh- loài linh trưởng quý hiếm có trong Sách đỏ Việt Nam, đang được pháp luật bảo vệ nghiêm ngặt.

Sau đó, ông Tú về kể lại với bố vợ là cụ Nguyễn Văn Đồng, năm nay 77 tuổi. Cụ Đồng xác thực rằng: “Ở vùng lèn này có rất nhiều voọc (người dân thường gọi là vượn) sinh sống nhưng những năm chiến tranh, cuộc sống đói nghèo, làm ăn đầu tắt mặt tối nên người dân Thạch Hóa không còn để ý đến những con voọc sống trên những đỉnh lèn nữa. Không ngờ những năm gần đây đàn voọc đã xuất hiện trở lại…”.

 “Biết mà không bảo vệ là có tội…”

imgSau khi phát hiện ra đàn voọc Hà Tĩnh, ông Tú đã bỏ công tìm hiểu và biết được hiện đàn voọc cũng đang hàng ngày đối diện với nạn săn bắn ráo riết bởi quan niệm ăn các bộ phận của chúng sẽ làm tăng cường sinh lý cho đàn ông. Thế nên, ông Tú đã đưa ra một quyết tâm là phải bỏ công bảo vệ đàn voọc dù chẳng ai phân công ông cả. “Mình biết đó là loại thú nguy cấp có tên trong Sách đỏ Việt Nam cần được bảo vệ mà mình không bảo vệ chúng là mình có tội…” – ông Tú giải thích đơn giản vì sao mình đã không công bảo vệ đàn voọc.Từ đó, ngày nào cũng như ngày nào, bất kể ngày nắng hay ngày mưa, một mình ông Tú cơm đùm gạo bới luồn rừng, leo núi bảo vệ đàn voọc. Lúc đầu ông không chỉ đối mặt với những hiểm nguy, thú giữ, rắn độc trong rừng sâu núi thẳm mà còn nhiều điều tiếng thị phi từ người làng, thậm chí là cả từ những người thân.

 Họ bảo: “Ông này hâm mất rồi, nhà cửa khang trang không chịu ở, suốt ngày cứ luồn rúc trong rừng theo mấy con voọc”. Con gái ông đi học về cũng nói: “Bọn bạn con cứ hỏi kháy, bảo bố mày chăn mấy con voọc chắc sau ni bán nhiều tiền lắm. Thôi bố đừng có đi nữa…”. Những lúc như vậy ông Tú đều nhẹ nhàng nói rõ công việc mà mình đang làm với con. Ông giải thích với con gái voọc Hà Tĩnh là loài linh trưởng quý hiếm, có tên trong Sách đỏ. Nó có tên là voọc Hà Tĩnh nhưng hiện chỉ có duy nhất Quảng Bình còn loài này và cũng chỉ có 2 nơi ghi nhận được sự xuất hiện của chúng là vùng Phong Nha – Kẻ Bàng và vùng Thạch Hóa này thôi. Nếu không bảo vệ tốt thì thế hệ mai sau chẳng còn được thấy nó và biết nó là con gì nữa.    

Sau một thời gian theo đàn voọc, ông Tú đã nắm khá rõ tập tính của chúng, vùng lèn nào chúng hay kiếm ăn, nơi nào chúng hay sưởi nắng, vui chơi… Nhà bảo tồn động thực vật hoang dã, tiến sĩ Lê Trọng Trãi khi gặp ông Tú đã rất khâm phục người đàn ông hiền lành, nhỏ bé này. Và ông đã không ngần ngại tặng cho ông Tú chiếc ống nhòm hàng tốt từ Nhật Bản để nhìn cận cảnh chúng gần hơn, nghiên cứu chúng dễ hơn. Từ khi có cái ống  nhòm, ông Tú càng say hơn với công việc “chăn voọc”. Ông đi rừng quên ngày, quên đêm, bỏ cả cơm, cả việc nhà. Trong thời gian vừa qua ở Thạch Hóa, nắng hạn xảy ra khốc liệt, nước không có, sợ đàn voọc bị khát, ông Tú gùi nước lên đổ trên một số hốc đá mà chúng vẫn thường kiếm ăn. Vợ ông lo chồng mình đi núi say nắng nóng đã giấu chiếc ống nhòm mất một ngày khiến ông như người mất hồn. Bởi thiếu ống nhòm, ông Tú thiếu cái để quan sát đàn voọc. “Mỗi ngày mà tôi không nhìn thấy đàn voọc là tui buồn lắm, như thiếu một thứ gì quan trọng lắm…” – ông Tú tâm sự.Thu phục thợ săn cùng bảo vệ voọc

Những ngày đi theo để bảo vệ đàn voọc, ông Tú biết được ở xã Đồng Hóa có anh thợ săn khét tiếng có biệt tài bắn voọc. Thế là ông Tú tìm gặp anh thợ săn này, đem toàn bộ kiến thức về loài voọc, giải thích rõ với người thợ săn đây là loài đặc biệt quý hiếm, có tên trong Sách đỏ, được pháp luật bảo vệ, là tài sản quốc gia, ai săn bắt chúng sẽ bị pháp luật trừng trị, đi tù chứ chẳng chơi đâu. Lúc đầu người thợ săn cũng không chịu nghe, bởi đây là môt nghề dễ kiếm tiền. Thế nhưng, sau nhiều lần trò chuyện, cảm hóa, người thợ săn là anh Nguyễn Văn Hồng (xã Đồng Hóa) đã hiểu ra,  không những bỏ hẳn nghề thợ săn mà còn cam kết cùng ông Tú bảo vệ đàn voọc. Ngoài anh Hồng, ông Tú còn “lôi kéo” được nhiều người khác như ông Sửu, ông Nam… vào đội bảo vệ voọc không công của mình. Để có cách bảo vệ đàn voọc bài bản hơn, mới đây ông Tú đã có báo cáo gửi Chi cục Kiểm lâm tỉnh. Ông Phạm Hồng Thái - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Bình đã cho đo vẽ ngay diện tích vùng núi đá vôi, nơi loài voọc này ở để có các bước đi bảo vệ, bảo tồn tiếp theo. Riêng với ông Tú, ngày lại ngày, người dân Thạch Hóa vẫn thấy ông vào rừng để canh đàn voọc, bảo vệ chúng an toàn trước những họng súng của thợ săn… 

  Voọc Hà Tĩnh (có tên khoa học là Trachypithecus hatinhensis, thuộc nhóm IB-ảnh) trên tự nhiên có khoảng 1.500 cá thể. Nghị định 32/2006/NĐ – CP của Chính phủ cấm săn bắt, giết hại loài động vật quý hiếm này dưới mọi hình thức. Theo ghi nhận, vùng núi đá vôi ở xã Thạch Hóa là nơi thứ 2 ngoài Phong Nha – Kẻ Bàng phát hiện có loài voọc này sinh sống và hiện chúng có khoảng gần 100 cá thể. 

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem