Công bố 3 bộ phim tư liệu về quá trình đàm phán ký kết Hiệp định Paris

Chủ nhật, ngày 29/04/2018 07:34 AM (GMT+7)
Trong khuôn khổ Đề án “Sưu tầm tài liệu lưu trữ quý, hiếm của Việt Nam và về Việt Nam”, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đã mua bản sao và bản quyền sử dụng 3 bộ phim “Việt Nam”, “Hòa bình cho Việt Nam” và “Việt Nam: Cuộc trường chinh tới hòa bình”.
Bình luận 0

Trong khuôn khổ Đề án “Sưu tầm tài liệu lưu trữ quý, hiếm của Việt Nam và về Việt Nam”, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đã mua bản sao và bản quyền sử dụng 3 bộ phim “Việt Nam”, “Hòa bình cho Việt Nam” và “Việt Nam: Cuộc trường chinh tới hòa bình”. Đây là đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 644/QĐ-TTg ngày 31-5-2012 giao cho Bộ Nội vụ chủ trì.

Thực hiện đề án, từ năm 2012 đến nay, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đã sưu tầm được hàng nghìn tài liệu giấy, ảnh, âm thanh, phim tư liệu… Tiêu biểu, năm 2015, Cục đã sưu tầm bản sao và bản quyền sử dụng 2 bộ phim tư liệu “Hồ Chí Minh trên đất nước Lênin” và “Việt Nam: 30 ngày ở Sài Gòn”.

img

Cái bắt tay lịch sử kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Nguồn: Phim tài liệu “Việt Nam: Cuộc trường chinh tới hòa bình”

Mới đây, sau khi khảo nghiệm hàng trăm bộ phim được Viện phim quốc gia Pháp cung cấp, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đã quyết định mua bản sao và bản quyền sử dụng 3 thước phim tư liệu nói trên. Đây là 3 bộ phim có nội dung qúy hiếm phản ánh chân thực về chiến tranh Việt Nam mà Việt Nam chưa có.

Sau khi Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhất trí, Cục Văn thư và Lưu trữ đã trao đổi thống nhất với Viện phim quốc gia Pháp về cách thức khai thác, chuyển giao, ủy quyền cho bên thứ ba… qua hợp đồng rõ ràng chi tiết với 15 điều khoản. Sau đó, 3 bộ phim tài liệu được gửi qua đường truyền cơ sở dữ liệu riêng với thời hạn khai thác 5 năm.

“Việt Nam” tái hiện lại những chất vấn đanh thép của bà Nguyễn Thị Bình – nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Chính phủ cách mạng lâm thời về diễn tiến của Hiệp định Paris và các hiệp định ngầm. “Hòa bình cho Việt Nam” lại nêu quan điểm của Pierre Mendes France – nguyên Chủ tịch Hội đồng đàm phán về độc lập ở Đông Dương, người kí kết Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 - thông qua cuộc tranh biện với các phóng viên. Qua đó ông khẳng định, khi một dân tộc kiên quyết giành độc lập tự do thì không có phương tiện kỹ thuật hiện đại, không có phương tiện quân sự nào có thể đè bẹp được ý chí đó. Và “dân tộc Việt Nam có quyền được hưởng điều đó (hòa bình, độc lập) sau tất cả những gì họ phải gánh chịu”.

Trong khi đó, “Việt Nam: Cuộc trường chinh tới hòa bình” tái hiện lịch sử nước ta từ năm 1900 đến khi Hiệp định Paris được kí kết. “Không bao giờ chúng tôi đầu hàng vì đây là cuộc chiến tranh ái quốc, chiến tranh chính nghĩa… Dù là 5 năm, 10 năm, 20 năm hay lâu hơn nữa, chúng tôi nhất định sẽ chiến thắng” – Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và dân tộc Việt Nam đã làm được điều đó bằng hàng loạt các chiến thắng quân sự lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu, buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris (27-1-1973) kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình. Bộ phim kết thúc bằng cái bắt tay lịch sử của cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ với Henry Kissinger - cố vấn thứ nhất của Tổng thống Mỹ dưới sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Xuân Thủy.

Ba bộ phim dự kiến sẽ công chiếu trên Đài truyền hình Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 43 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30-4-1975/30-4-2018) và 50 năm ngày bắt đầu Hội nghị Paris về Việt Nam (13-5-1968/13-5-2018).

Nguyễn Mai (QĐND)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem