Công bố SGK mới: Ai chọn sách cho học sinh mới hợp lý?

Hà My Thứ bảy, ngày 23/11/2019 15:34 PM (GMT+7)
Bộ GDĐT mới đây vừa công bố danh sách chính thức 32 đầu sách giáo khoa (SGK) lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều băn khoăn từ phía dư luận cho rằng đơn vị nào đứng ra chọn lựa SGK mới thực sự hợp lý?
Bình luận 0

Cụ thể, 32 SGK được Bộ GDĐT phê duyệt đợt này thuộc 5 bộ SGK của 3 NXB gồm NXB Đại học Sư phạm Hà Nội, NXB Đại học TP.HCM và NXB Giáo dục. Các đầu sách này sẽ được chính thức giảng dạy vào năm học 2020 – 2021.

Theo Bộ GDĐT, lộ trình của việc chọn lựa SGK ở từng địa phương diễn ra như sau: Các Sở GDĐT sẽ có trách nhiệm tham mưu bằng văn bản cho UBND địa phương để thành lập hội đồng thẩm định của tỉnh, thành phố. Từ đó, chọn lựa ra bộ sách phù hợp với tình hình thực tế của địa phương mình. Hội đồng này quy định gồm 15 thành viên, trong đó tối thiểu 2/3 thành viên là giáo viên từ các trường khác nhau, ngoài ra còn bao gồm các nhà quản lý giáo dục, nhà khoa học. Khi có 3/4 ý thành viên hội đồng đồng ý thì sách mới được lựa chọn.

Hội đồng chọn sách phải lắng nghe các ý kiến đóng góp của chính giáo viên tham gia hội đồng cũng như cộng đồng giáo viên, phụ huynh, học sinh tại địa phương.

img

SGK lớp 1 sẽ do UBND thành phố, tỉnh lựa chọn.

Lộ trình cụ thể việc chọn lựa và đưa SGK vào sử dụng bắt đầu từ tháng 3/2020, địa phương sẽ chọn lựa SGK trong các bộ sách đã được Bộ GDĐT thẩm định và thông qua. Tháng 5/2020, Bộ GDĐT sẽ tổ chức hướng dẫn sử dụng SGK cho địa phương, tháng 7/2020 sẽ tổ chức tập huấn sử dụng SGK cho từng nhà trường.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GDĐT cho hay, hiện Bộ GDĐT đang soạn dự thảo thông tư về lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở GDPT. Sau khi tiếp thu tất cả ý kiến của các bên liên quan, thông tư sẽ được hoàn thiện để sớm trình bộ trưởng phê duyệt ban hành, đủ thời gian để các địa phương tổ chức lựa chọn SGK đáp ứng yêu cầu năm học mới.

Bên cạnh đó, vẫn có ý kiến cho rằng việc lựa chọn SGK nên đưa về từng trường để thực hiện riêng biệt. Cô giáo Nguyễn Thị Huyền Thảo, giáo viên trường chuyên Trần Đại Nghĩa cho rằng, việc lựa chọn SGK nên chăng để cho các nhà trường tự quyết định: “Ủy ban nhân dân các tỉnh chịu trách nhiệm quản lý chung về mặt hành chính, tuy nhiên việc sử dụng SGK như thế nào trong nhà trường lại đơn thuần là về mặt chuyên môn. Trên cùng một địa phương nhưng vẫn có sự khác biệt về trình độ của học sinh. Vì vậy cần có các bộ sách khác nhau để đảm bảo việc truyền tải kiến thức đến các đối tượng khác nhau cho hợp lý”.

Về vấn đề này, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình, SGK mới cho hay, để các địa phương chọn được những SGK phù hợp cho từng môn học, việc lựa sách cần bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch và dân chủ.

“Tôi được biết Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã có ý kiến chỉ đạo công khai các ý kiến thẩm định SGK và công bố chế bản điện tử của SGK trên mạng Internet. Làm theo đúng chỉ đạo của Phó thủ tướng thì người dân mới có điều kiện đánh giá và tham gia vào việc lựa chọn sách cho con em họ học. Như vậy, việc lựa chọn sách sẽ không phụ thuộc vào quyết định của một số ít người và có thể hạn chế được tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, ví dụ tình trạng đi tắt, chạy cửa sau", GS Thuyết chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem