Công nghệ sinh học: Chờ đồng thuận để triển khai rộng

Thứ tư, ngày 25/09/2013 10:13 AM (GMT+7)
Ngày 24.9, tại Hội thảo lần thứ 6 về công nghệ sinh học (CNSH) trong nông nghiệp, các đại biểu đều khẳng định: Lợi ích của CNSH rất lớn, không chỉ đối với sản xuất nông nghiệp mà còn góp phần bảo vệ sức khoẻ cho con người.
Bình luận 0
Thích ứng với biến đổi khí hậu

Tại hội thảo (do Bộ NNPTNT phối hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức), ông Trần Xuân Định - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, (Bộ NNPTNT) nhấn mạnh: CNSH là một công cụ, giải pháp để nền nông nghiệp Việt Nam thích ứng hơn với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Hiện nay, ngành nông nghiệp coi CNSH là giải pháp quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo an ninh lương thực. Giải pháp này cho phép chọn tạo ra giống cây trồng, vật nuôi hiệu quả cao nhất, bảo vệ môi trường. Triển vọng của CNSH tại Việt Nam còn rất lớn để nghiên cứu và ứng dụng trong tương lai.

Một cánh đồng ngô ứng dụng công nghệ sinh học ở tỉnh Tarlac, Philippines.
Một cánh đồng ngô ứng dụng công nghệ sinh học ở tỉnh Tarlac, Philippines.

Thực tế cho thấy, lợi ích từ cây trồng CNSH đã được công bố, giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu như: Giảm lượng khí thải CO2; giảm sử dụng nhiên liệu, sử dụng thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ bằng 23 tỷ kg CO2 hoặc loại bỏ khí thải của 10,2 triệu xe ô tô lưu thông trên đường.

Về vai trò của CNSH giải quyết tác động của biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh lương thực, GS Paul P.S Teng - Trưởng khoa Sau đại học và chuyên ngành, Viện Giáo dục quốc gia Singapore cho biết: “Để thích ứng với biến đổi khí hậu, việc ứng dụng CNSH sẽ giúp cây trồng cải tiến tính trạng như các giống chịu hạn, chống chịu ngập nước, kháng lạnh, sâu bệnh, mặn...”. GS Paul Teng cũng đưa ra cảnh báo, Việt Nam cần lưu ý về những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với vùng trồng lúa đồng bằng sông Cửu Long. Vì vậy cần phải có các biện pháp và hành động cụ thể cũng như đẩy mạnh ứng dụng CNSH để giải quyết các thách thức này.

Bảo vệ sức khoẻ của con người

TS Guy Heathes - Giám đốc Vụ Kỹ thuật (Trung tâm Ung thư quốc gia Singapore) cho biết, các tiến bộ của CNSH trên thế giới đã chứng minh không chỉ giúp cho nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm sâu, bệnh, tăng năng suất... mà còn góp phần chăm sóc sức khoẻ cho con người trong lĩnh vực y tế.

"Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong nghiên cứu, khảo nghiệm ứng dụng CNSH, tiến tới thương mại hoá kết quả CNSH tại thị trường Việt Nam cũng như thị trường quốc tế”.
Bà Claire Pierangelo - Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam


Theo TS Guy Heathes, CNSH trong y học thực tế đã xuất hiện từ những năm 1973 và đến năm 1988 đã có 5 protein được sản xuất bằng CNSH được phê chuẩn làm thuốc bao gồm Insulin, HGH, vaccin viêm gan B, alpha-interferon, TPA. Đến cuối những năm 1990, thế giới đánh dấu phát triển vượt bậc với sự xuất hiện trên 200 công ty CNSH và đến năm 2000 đã có 125 sản phẩm sản xuất bằng CNSH được phê chuẩn làm thuốc cho người.

Cũng giống như CNSH trong y học, hiện ứng dụng CNSH trong nông nghiệp có nhiều lợi thế nhưng thực tế vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau, do đó đến hết năm 2012 mới có 29 nước cho phép trồng cây trồng CNSH. Ở nước ta, lộ trình ứng dụng cây trồng CNSH trong nông nghiệp đã được xác định, đến năm 2014 sẽ chính thức cho phép trồng cây ngô, nhưng để triển khai được ứng dụng này cần có sự đồng thuận của các nhà quản lý, nhà khoa học và người dân.
Thanh Xuân (Thanh Xuân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem