Công nghệ thông minh thay đổi “bộ mặt” trong xây dựng đô thị

05/06/2019 10:04 GMT+7
Đô thị thông minh không còn là mô hình xa lạ trên thế giới và là xu hướng phát triển của kỷ nguyên 4.0. Việc phát triển các đô thị vệ tinh ứng dụng công nghệ hiện nay hướng tới chiến lược dài hạn cho mục tiêu xây dựng thành phố thông minh ở các thành phố lớn Việt Nam như: Hà Nội, TP HCM,... là điều tất yếu.

Mô hình đô thị thông minh nhìn từ Việt Nam ra châu Á

Đô thị thông minh giúp gia tăng chất lượng cuộc sống của người dân

Tại Việt Nam, hàng loạt dự án nhà ở thông minh đã được tung ra thị trường từ thời điểm đầu năm phục vụ cho nhu cầu người dân. Với dự án của Sunshine Group, chủ đầu tư này đã xây dựng các ngôi nhà thông minh cùng hệ sinh thái thông minh bằng cách tích hợp công nghệ mới vào sản phẩm như ứng dụng gọi xe Sunshine Cab, các chức năng quản gia thông minh, siêu thị trực tuyến…

Đầu tháng 4 năm nay, Vingroup đã nâng cấp dự án có quy mô 280 ha thành khu đô thị thông minh có tên Vinhomes Smarty City tại phía Tây Hà Nội. Dự án sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI) với các tính năng nhận dạng khuôn mặt và một trung tâm công nghệ nhằm cung cấp đầy đủ các thông tin và dịch vụ cho cư dân, từ giám sát chất lượng không khí đến cảnh báo ô nhiễm môi trường.

Dự kiến trong thời gian tới, nhiều dự án đô thị thông minh khác cũng tiếp tục được “tung ra” thị trường như BRG Smart City tại Hà Nội, Ecopark Smart City tại Hưng Yên, Dragon Smart City tại Đà Nẵng và Thu Thiem Eco Smart City tại TP.HCM. Những dự án này được kỳ vọng sẽ cung cấp hàng loạt tính năng công nghệ mới bao gồm cả quy hoạch cảnh quan thông minh với cơ sở hạ tầng tiên tiến, nhằm xây dựng những đô thị hiện đại và thân thiện với môi trường, nơi mà cư dân có thể tận hưởng các dịch vụ tích hợp chỉ với vài bước đi bộ.

Tại khu vực châu Á, nhiều mô hình đô thị thông minh đã được xây dựng thành công. Một trong những thành phố thông minh đầu tiên trên thế giới là Songdo nằm cách thủ đô Seoul, Hàn Quốc khoảng 40km. Tại đây, người dân có thể hưởng nhiều lợi ích về công nghệ như sống trong các căn hộ thân thiện với môi trường, hệ thống máy tính quản lý nhà ở thân thiện, cùng với các tuỳ chọn giao thông hiệu quả.

Bên cạnh đó, không thể không kể đến Nhật Bản với dự án Fujisawa, Singapore với Derbyshire... cũng đã thành công trong việc tao dựng các Smart City của riêng mình. Những mô hình thành phố công nghệ cao này sẽ mang đến cho cư dân rất nhiều lợi ích như cắt giảm chi tiêu, tăng tính an toàn, giảm các nguy cơ liên quan đến sức khoẻ, và góp phần bảo vệ môi trường.

Cơ hội và thách thức với đô thị thông minh Việt Nam

Trong phiên thảo luận chuyên đề “Thành phố thông minh: Các mô hình phát triển và giải pháp” nằm trong khuôn Hội nghị Hợp tác ASEAN – Nhật Bản vì sự thịnh vượng tại Hà Nội, hôm qua, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, đại diện các thành phố trong mạng lưới ASEAN Smart City Network, doanh nghiệp và các chuyên gia Việt Nam, Nhật Bản và ASEAN đã tham gia trao đổi về mô hình phát triển thành phố thông minh.

 Phiên làm việc với chủ đề “Thành phố thông minh: Các mô hình phát triển và giải pháp”

Ông Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện cho thành phố thành viên mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN đã thể hiện góc nhìn cụ thể về những thách thức và cơ hội về giải pháp thông minh trong quá trình triển khai các dự án thành phố thông minh.

Trong đó, định hướng quan trọng nhất là lấy người dân làm trung tâm, hướng đến kinh tế tri thức và kinh tế số, quản trị dựa trên dự báo; nâng cao năng lực lãnh đạo để phục vụ người dân tốt hơn và đồng thời góp phần giải quyết các hệ quả, tác động tiêu cực của quá trình đô thị hóa lên đời sống của thành phố.

Cùng với hướng phát triển của các thành phố công nghệ hóa lớn trên thế giới, thủ đô Hà Nội đang từng bước hiện thực hóa kế hoạch xây dựng thành phố thông minh - đô thị xanh. Theo Sở thông tin và Truyền thông Hà Nội, trong năm 2019 ngoài việc từng bước hình thành Trung tâm điều hành thông minh, thành phố đang tiếp tục tập trung xây dựng và đưa vào sử dụng một số thành phần cơ bản của hệ thống công cộng như: Giao thông thông minh và Du lịch thông minh.

Theo Kế hoạch công nghệ thông tin Hà Nội năm 2019, lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội đã xác định công nghệ là nền tảng chủ chốt của cuộc cách mạng 4.0. Trong đó, mục tiêu của kế hoạch này nhằm hướng tới xây dựng TP Hà Nội thông minh bền vững, mang lại tiện ích, an toàn, thân thiện cho người dân.

Theo đó, thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng khẳng định, phát triển đô thị là động lực cơ bản cho phát triển kinh tế - xã hội các quốc gia và toàn vùng. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế chung này. Tính đến tháng 3/2019, Việt Nam đã có 830 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 38,6%. Trung bình mỗi năm có hơn 1 triệu người dân gia nhập dân cư đô thị.

Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa nhanh chóng dẫn tới những hệ quả như như quản lý chất lượng nước, không khí, quản lý giao thông, bất bình đẳng thu nhập và khoảng cách thành thị - nông thôn, an ninh - an toàn công dân, và chất lượng cuộc sống nói chung.

Thu Trà
Cùng chuyên mục