Covid-19: Giúp người thất nghiệp học lại nghề

Nguyệt Tạ - Lan Hương Thứ hai, ngày 15/03/2021 06:15 AM (GMT+7)
Dịch Covid-19 kéo dài trong 2 năm liên tiếp đang tác động nặng nề tới nền kinh tế. Kéo theo đó, tỷ lệ lao động thất nghiệp cũng tăng lên. Trước tình thế này, nhiều lao động thất nghiệp mong muốn được tăng chính sách hỗ trợ học nghề để quay trở lại thị trường lao động.
Bình luận 0

Tăng mức tiền, tăng thời gian

Dịch covid - 19 khiến hàng tỷ người trên khắp thế giới bị ảnh hưởng về công việc, hàng loạt người rơi vào cảnh thất nghiệp, trong đó có Việt Nam. Trước tình trạng này, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) thực sự đã là "phao cứu sinh" cho rất nhiều lao động.

Giúp người thất nghiệp học lại nghề - Ảnh 1.

Lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp và tư vấn việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: N.T

"Hiện tại cả nước có khoảng 13,3 triệu người tham gia BHTN, bằng 27,5% lực lượng lao động trong độ tuổi. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trong năm 2020 lên tới gần 1,1 triệu người, tăng 32,3% so với năm 2019".

Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH)

Chị Nguyễn Thị Tuyết (Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, trước đây chị làm ở phòng vé máy bay, nhưng thời gian qua dịch bệnh khiến ngành hàng không tê liệt. Công ty đóng cửa, chị phải nghỉ việc.

Chị Tuyết tâm sự: "May mình tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH), lúc thất nghiệp được hưởng BHTN. Mỗi tháng dù chỉ được hơn 4 triệu đồng, nhưng nếu không có khoản tiền này, tôi cũng không biết phải xoay sở thế nào để nuôi con, chi tiêu sinh hoạt".

Gần 1 triệu lao động được thụ hưởng

Hiện nay, Bộ LĐTBXH đang tiến hành phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm, chính sách BH thất nghiệp. Ngoài các chính sách đã có, sẽ bổ sung các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp thông qua hỗ trợ DN và người lao động duy trì việc làm. Qua đó, bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp và người lao động nhằm tăng cường sự liên kết, hỗ trợ giữa các chính sách BHXH cũng như tính linh hoạt của các chính sách nhằm đạt được mục tiêu mở rộng diện bao phủ...

img

Trước đó, tháng 3/2020, Bộ LÐTBXH đã báo cáo và đề xuất Chính phủ cho phép dùng quỹ BHTN kết dư hỗ trợ DN gặp khó khăn do dịch Covid-19 thực hiện đào tạo lại cho người lao động. Theo tính toán, có khoảng 1 triệu lao động được thụ hưởng, với số tiền hỗ trợ là 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chính sách này là cần thiết nhưng chưa phù hợp trong bối cảnh hiện nay do đang thực hiện cách ly xã hội, đề nghị triển khai sau cách ly. Hiện giờ, Việt Nam cơ bản kiểm soát được tình trạng dịch bệnh, Bộ LĐTBXH đang tiếp tục đề xuất các giải pháp hỗ trợ DN đào tạo nhằm cơ cấu lại đầu tư, đổi mới công nghệ và quản trị, thích ứng với môi trường kinh tế trong nước và quốc tế sau đại dịch Covid-19 từ nguồn kết dư Quỹ BHTN.

Ông Trần Tuấn Tú -

Trưởng phòng BH thất nghiệp,

Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH)

Những con số rất buồn của thị trường lao động

img

"Theo số liệu thống kê, tính hết 31/12/2020, ước đạt số người tham gia BHTN khoảng 13,3 triệu người với số tiền thu được đạt hơn 18,56 nghìn tỷ đồng. Số người thất nghiệp được trợ cấp ước đạt khoảng 1,03 triệu người, so với cùng kỳ năm 2019 tăng khoảng 24%. Ước chi trả 16 nghìn tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ năm 2019 khoảng 33%. Hỗ trợ học nghề giảm 50% so với cùng kỳ 2019. Nguyên nhân là do tình hình dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, nhiều nơi thực hiện giãn cách, cách ly. Điều này dẫn tới thực trạng số người thất nghiệp thì tăng, nhưng số lượng người học nghề lại giảm. Đây là những chỉ số rất buồn cho thị trường lao động".

Ông Đào Duy Hiện -

Phó Trưởng Ban thực hiện

chính sách BHXH (BHXH Việt Nam)

Hưởng BHTN được 4 tháng, điều chị Tuyết mong muốn nhất lúc này chính là được học nghề may để quay lại thị trường lao động. "Trước đây, mình rất thích nghề may nhưng chưa có điều kiện học. Giờ mất việc ở nhà muốn học nghề này, sau đó tự tạo việc làm hoặc nhận may cho các xưởng gia công đồ. Thế nhưng hiện tại, bên Trung tâm Dịch vụ việc làm cho biết, chỉ dạy sơ cấp, số tiền hỗ trợ cũng rất hạn chế nên chưa thể đi học".

Theo tìm hiểu, hiện mỗi lao động thất nghiệp chỉ được hỗ trợ tối đa là 1 triệu đồng/tháng học nghề (thời gian hỗ trợ không quá 6 tháng) với lao động thất nghiệp.

Chị Tuyết cho biết, là lao động đang thất nghiệp, chỉ hưởng hơn 4 triệu tiền trợ cấp thất nghiệp, giờ nếu đi học nghề mà mỗi tháng chỉ được hỗ trợ tối đa 1 triệu (quá thấp) thì chị không thể lo được. Chị đã tham khảo mấy khóa học may thời trang, ít nhất mỗi tháng 3 triệu đồng tiền học phí.

"Chính bởi vậy, tôi đành tạm gác mơ ước học nghề may để quay lại làm việc. Thay vào đó, tôi đành phải mua hàng về bán ở chợ kiếm thêm chút thu nhập lo cho gia đình"- chị Tuyết chia sẻ.

Hơn 1,1 triệu người thất nghiệp, chỉ 5% học nghề

Tuy BHTN được xem là "bà đỡ" giúp hàng triệu lao động vượt qua lúc khó khăn khi nghỉ việc, nhưng thực tế, "bà đỡ" này chưa hoàn thành hết nghĩa vụ. Lý do là bởi nó mới chỉ thực hiện trợ giúp tiền mà chưa thể hỗ trợ tối đa trong việc tư vấn, hỗ trợ đào tạo nghề giúp lao động quay lại thị trường lao động.

Ông Tạ Văn Thảo - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, khá ít lao động thất nghiệp có nhu cầu học nghề. "Nguyên nhân là bởi, lao động thất nghiệp chủ yếu là lao động tự do, không có trình độ kỹ năng nghề. Chính bởi vậy mà khi thất nghiệp thì rất khó để tìm được công việc khác phù hợp, với mức lương cao như trước"- ông Thảo nói. Bên cạnh đó, theo ông Thảo, lý do khiến lao động không thích học nghề là bởi mức hỗ trợ học nghề quá thấp, thời gian hỗ trợ học nghề ngắn (chỉ 6 tháng), chỉ phù hợp với trình độ sơ cấp. Để nâng cao tay nghề, lao động cần ít nhất là học nghề trung cấp.

"Số nghề trong danh mục được hỗ trợ học nghề cũ, quá ít chủ yếu là: Nấu ăn, pha chế đồ uống, sửa chữa xe máy"- ông Thảo nói.

Đánh giá về thực trạng học nghề của lao động thất nghiệp hiện nay, ông Lê Quang Trung - nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm cho biết, theo số liệu thống kê, số người tham gia BHTN tăng dần qua các năm. Tuy nhiên, thực tế chính sách BHTN mới chỉ tập trung vào việc hỗ trợ sau khi thất nghiệp chứ chưa có nhiều biện pháp chủ động để giúp người lao động duy trì việc làm và tránh thất nghiệp. Đáng chú ý, có không ít trường hợp người lao động chỉ muốn nhận trợ cấp thất nghiệp mà chưa quan tâm đến việc tham gia đào tạo để có việc làm mới.

"Thậm chí, một số người lao động còn khai báo không đúng tình trạng việc làm trong quá trình thẩm định giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp. Hầu hết người lao động đến trung tâm nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp đều được tư vấn, giới thiệu việc làm và đào tạo nghề miễn phí. Tuy nhiên, thực tế số lao động đăng ký chuyển đổi nghề nghiệp chưa được nhiều so với kỳ vọng".

Ông Trần Tuấn Tú - Trưởng phòng BHTN (Cục Việc làm, Bộ LĐTBXH) cho biết, cùng với việc nhận tiền trợ cấp, 100% số người hưởng chính sách BHTN còn được tư vấn, định hướng việc làm. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trong năm 2020 lên tới gần 1,1 triệu người, tăng 32,3% so với năm 2019.

Tuy nhiên, ông Tú cũng thừa nhận thực tế, số người lựa chọn học nghề chiếm tỷ lệ rất thấp trong số người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Theo thống kê, năm 2015 có hơn 24.000 người được hỗ trợ học nghề, thì đến cuối năm 2020, tổng số người được hỗ trợ học nghề là hơn 251.000 người, với số tiền hỗ trợ từ Quỹ BHTN là hơn 482 tỷ đồng. Số người được hỗ trợ học nghề chỉ chiếm khoảng 5% số người hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Để tăng tính hấp dẫn của chính sách BHTN, đồng thời nâng cao hiệu quả giải quyết việc làm, Cục Việc làm đang nghiên cứu đề xuất các cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung những quy định liên quan. Theo đó, nâng mức hỗ trợ học nghề cho lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp; xây dựng danh mục nghề nghiệp, chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, nguyện vọng của người lao động...


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem