Covid-19 làm gián đoạn dịch vụ y tế khiến bệnh lao trầm trọng hơn

PV Thứ tư, ngày 03/11/2021 04:42 AM (GMT+7)
Theo Tổ chức Y tế thế giới WHO, năm 2020 có nhiều người chết vì bệnh lao hơn. Nguyên nhân là do gián đoạn các dịch vụ lao và giảm nguồn lực phòng chống lao do dịch Covid-19.
Bình luận 0

Báo cáo lao toàn cầu năm 2021 của WHO cho biết, vào năm 2020, có nhiều người chết vì hơn, với số người được chẩn đoán bệnh lao và điều trị hoặc được cung cấp điều trị dự phòng lao ít hơn nhiều so với năm 2019. Đồng thời, chi tiêu tổng thể cho các dịch vụ lao thiết yếu đều giảm.

Covid-19 làm gián đoạn dịch vụ y tế khiến bệnh lao trầm trọng hơn - Ảnh 1.

Tuyên truyền phòng chống lao. Ảnh: Trần Minh (BYT)

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đánh giá tác động ngắn hạn của đại dịch Covid-19 lên số ca tử vong do lao trong năm 2020. Kết quả cho thấy, tử vong do lao sẽ tăng đáng kể trong năm 2020 và sẽ ảnh hưởng đến nhóm bệnh nhân lao dễ bị tổn thương nhất. 

Nếu như tình hình phát hiện bệnh nhân trên toàn cầu giảm 25%-50% trong vòng 3 tháng (so sánh với mức độ phát hiện trước khi xảy ra đại dịch), sẽ có thêm khoảng 200.000 – 400.000 ca tử vong do lao. Mô hình cũng dự báo số người mắc lao có thể tăng thêm 1 triệu ca mỗi năm trong giai đoạn 2020 – 2025.

Thách thức lớn nhất hiện nay đối với việc phòng chống lao là là gián đoạn khả năng tiếp cận các dịch vụ lao và giảm các nguồn lực. Ở nhiều quốc gia, nguồn nhân lực, tài chính và các nguồn lực khác dành cho bệnh lao đã được phân bổ lại để ứng phó với Covid-19, hạn chế sự sẵn có của các dịch vụ thiết yếu.

Thứ hai, giãn cách khiến người bệnh khó tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc, điều trị lao hơn.

Các dịch vụ về bệnh lao nằm trong số nhiều dịch vụ khác bị gián đoạn bởi đại dịch Covid-19 vào năm 2020, nhưng tác động lên bệnh lao đặc biệt nghiêm trọng.

Những thách thức đối với việc cung cấp và tiếp cận các dịch vụ lao thiết yếu có nghĩa là nhiều người mắc lao không được chẩn đoán vào năm 2020. Do đó, số người mới được chẩn đoán mắc lao và những người đã mắc lao được báo cáo đã giảm từ 7,1 triệu người năm 2019 xuống còn 5,8 triệu người vào năm 2020.

WHO ước tính rằng khoảng 4,1 triệu người hiện đang mắc bệnh lao nhưng chưa được chẩn đoán mắc bệnh hoặc chưa báo cáo chính thức cho các cơ quan chức năng quốc gia.

Việc cung cấp điều trị dự phòng lao cũng bị cắt giảm. Khoảng 2,8 triệu người truy cập dịch vụ này vào năm 2020, giảm 21% kể từ năm 2019. Ngoài ra, số người được điều trị lao kháng thuốc giảm 15%, từ 177. 000 ca năm 2019 xuống 150. 000 ca năm 2020, tương đương chỉ khoảng 1/3 trong số những người có nhu cầu.

Theo WHO, các mục tiêu chống lao toàn cầu đang đi chệch hướng và ngày càng có vẻ xa ngoài tầm với, tuy nhiên vẫn có một số thành công nhất định: Trên toàn cầu, mức giảm số ca tử vong do lao từ năm 2015 đến năm 2020 là 9,2%, đạt ¼ mục tiêu là 35% đến năm 2020; số người mắc bệnh lao mỗi năm (so với dân số) đã giảm 11% từ năm 2015 đến năm 2020, đạt hơn ½ mục tiêu là 20% đến năm 2020.

Mới đây, tại hội nghị "Giao ban sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2021 của Chương trình Chống lao Quốc gia", PGS.TS Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc BV Phổi Trung ương cũng nhận định, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến bệnh lao và nhiều căn bệnh khắc, đẩy lùi thành quả chống lao tới 5 năm.

"Hiện tại, tình hình bệnh lao của Việt Nam chỉ tương đương năm 2015, đây là một thảm họa lớn", PGS Nhung nhận định.

Đáng chú ý, trong 8 tháng đầu năm, tỷ lệ phát hiện bệnh lao nói chung giảm 18% so với năm 2020, mặc dù năm 2020, tỷ lệ phát hiện lao cũng giảm so với những năm trước đó.

Theo PGS Nhung, việc phát hiện bệnh lao giảm sẽ khiến nhiều người bị mắc lao bị chậm phát hiện, trở thành nguồn lây lan cho cộng đồng. Hơn nữa, những người mắc bệnh lao không được điều trị kịp thời có thể bị bệnh nặng, dẫn đến nguy cơ tử vong tăng.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem