Covid-19: Nhiều doanh nghiệp mở cánh cửa mới!

Chủ nhật, ngày 06/09/2020 09:08 AM (GMT+7)
Đối mặt với những khó khăn do dịch Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt đã có những tính toán trái ngược nhau. Không ít doanh nghiệp "nổi trống thu quân" hoặc nằm im chờ… hết dịch. Có doanh nghiệp hoạt động cầm chừng. Nhưng không ít doanh nghiệp vẫn tăng doanh thu và lợi nhuận.
Bình luận 0

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến hết tháng 8/2020, cả nước có 812.110 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong đó có 30.827 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực. Như vậy, hiện Việt Nam có khoảng 780.000 DN Việt đang hoạt động.

Mở cánh cửa mới - Ảnh 1.

Tự động hóa tại Vinamilk. Ảnh: Minh Ngân

Cửa hẹp thời Covid-19

Doanh thu quý II/2020 của Vinamilk là 15.495 tỷ đồng, tăng 9,5% so với quý I và 6,1% so với quý 2/2019. Dự báo doanh thu của thương hiệu này sẽ đạt 63.063 tỷ đồng trong năm nay. Vì dịch bệnh nên nhu cầu các sản phẩm như sữa chua đóng hộp, sữa bột… tăng mạnh. Cùng với các thương hiệu sữa nội địa đang "ăn nên làm ra", Vinamilk có những bước chân dài hơn.

FPT tận dụng cơ hội Covid-19 để "chạy hết công suất" lĩnh vực chuyển đổi số cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước và các đối tác nuốc ngoài. Khi dịch Covid-19 lần đầu bùng phát tại Việt Nam, FPT đã "kích hoạt hệ thống quản trị thời chiến", liên tục tìm kiếm cơ hội cả thị trường trong và ngoài nước... Theo ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc FPT, riêng doanh thu mảng chuyển đổi số của 6 tháng đầu năm 2020 đã đạt 1.773 tỷ đồng, tăng 65% so với năm ngoái.

Trò chuyện với Thế giới Tiếp thị, ông Lê Văn Chính, cố vấn kỹ thuật của Soncamedia tâm sự: "Dịch giã, hàng hóa ế ẩm… Để giữ chân cộng sự, phải tìm cách xoay trở với mục tiêu là phải tồn tại. Nhờ mệnh lệnh đó mà Soncamedia đã tìm được nhiều đối tác để phát triển phần mềm ứng dụng, có thời gian để thực hiện dự án số hóa ca khúc Việt Nam bằng định dạng midi với Google". Soncamedia là doanh nghiệp chuyên sản xuất các thiết bị chuyên về âm thanh như loa, micro… tại thị trường Việt Nam hơn 10 năm nay với ưu thế là các phần mềm do chính đội ngũ của công ty phát triển.

Mở đường ra nước ngoài

Mặc cảm lớn nhất của nhiều doanh nghiệp Việt từ bao đời nay là "đem chuông đi đánh xứ người". Theo ông Chính, đó là "chưa tự tin vào sản phẩm của chính mình". Sau khi đi về nước Úc mấy bận, ông Chính nhận ra, người Việt bên đó cũng yêu ca hát như người Việt ở quê nhà. Vậy là ông Chính và Soncamedia xúc tiến mở rộng hệ thống bán hàng và bảo hành. Tính đến nay, Soncamedia đã bán được 3 "công" loa mang thương hiệu Acnos (từ Sonca viết ngược). "Tôi thấm thía câu chửi của một khách hàng người Úc. Khi không đọc được tài liệu hướng dẫn bằng tiếng Việt, lão người Úc nói thẳng: tại sao chỉ bán hàng cho người Việt mà không bán hàng cho người Úc? Các ông chê chúng tôi không biết hát karaoke à? Làm ăn như vậy là dở lắm. Tôi giật mình nhận ra những điều rất tệ của công ty. Ngay lập tức, in thêm tài liệu bằng tiếng Anh. Sau này, khi bán hàng ở Philippines, Myanmar…, cứ lấy tiếng Anh ra mà trị", ông Chính kể. Vị cố vấn này còn cho biết thêm, tìm kiếm thị trường ngoại quốc hiện là nhiệm vụ chính của công ty.

Từ cuối năm 2019, nhiều thương hiệu sữa như Vinamilk, TH Truemilk, Nutifood… đã có mặt tại nhiều kênh bán lẻ lớn trên thế giới. Tổng giám đốc Nguyễn Thị Lệ cho biết, NutiFood đã được cấp "visa" vào thị trường Hoa Kỳ khi được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chứng nhận dòng sản phẩm Pedia Plus được "lên kệ" tại các siêu thị ở Hoa Kỳ. Mới đây, các sản phẩm sữa của NutiFood đã được "đại siêu thị" Walmart đồng ý phân phối hàng tại hơn 450 chi nhánh tại Trung Quốc.

Vinamilk đang gia tăng giá trị xuất khẩu các sản phẩm sang thị trường nước ngoài như Dubai, sữa đặc sang Trung Quốc, sữa hạt và trà sữa vào Hàn Quốc, thị trường các quốc gia thuộc Liên minh kinh tế Á Âu (EAEU)... Tính riêng trong quý II/2020, doanh thu xuất khẩu của Vinamilk là 1.370 tỷ đồng, tăng 26,8% so với quý I và 7,1% so với cùng kỳ 2019.

Rèn "bộ giáp" mới

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng của năm 2020, tổng số DN thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động là 121.300; số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 34.300, 24.200 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và 10.400 DN hoàn tất thủ tục giải thể trên nhiều lĩnh vực: bán lẻ, sản xuất, du lịch, bất động sản, vận tải… Soát xét giữa "sinh" và "tử", có thêm 52.400 DN tham gia vào cộng đồng doanh nghiệp Việt.  

Nhiều DN cho rằng, dịch Covid-19 đã đem lại nhiều khó khăn, nhưng không ít cơ hội. Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, trong thời điểm khắc nghiệt này, DN phải tận dụng thời gian "nhàn rỗi bất đắc dĩ" để tái cấu trúc hoạt động sản xuất, thay đổi mô hình kinh doanh, ổn định thị trường cũ, mở rộng thị trường mới, nhất là thị trường nước ngoài… TS. Doanh nói thêm, DN sản xuất và chế biến nông sản, thực phẩm có thời gian định vị lại chiến lược sản xuất, chủng loại sản phẩm… khi thị trường hồi phục.

Ông Nguyễn Mạnh Quang, Giám đốc điều hành Công ty cơ khí Mạnh Quang cho rằng, DN phải thay đổi tư duy, sẵn sàng thay đổi cho phù hợp với thời kỳ mới. "Không thể khư khư suy nghĩ bán cái ta có mà bán các sản phẩm thị trường đang cần. Khi đã có nền tảng sản xuất,  phải nghĩ đến vận hành, sản xuất, quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế", ông Quang nhấn mạnh. "Khi tái cấu trúc, DN nên đầu tư vào công nghệ, tối ưu hoạt động quản trị. Nếu là nhà bán lẻ, nên chú trọng tới các giải pháp thương mại điện tử", TS. Doanh nói thêm.

(Nguồn Thế Giới Tiếp Thị)

Minh Ngân - Thiên Tú (Nguồn Thế Giới Tiếp Thị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem