Cử tri kiến nghị giảm lãi suất cho vay ít nhất 2%/năm, Thống đốc Lê Minh Hưng nói gì?
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng vừa có văn bản trả lời ý kiến cử tri các địa phương gửi tới trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XIV.
Hỗ trợ giảm chi phí vay vốn cho doanh nghiệp và người dân trong điều kiện hiện nay là một khó khăn của tổ chức tín dụng
Một trong những đề nghị được cử tri tỉnh Gia Lai gửi tới Ngân hàng Nhà nước liên quan đến biện pháp chỉ đạo khuyến khích các Ngân hàng thương mại phát huy quan hệ đồng hành, cộng sinh, chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp bằng việc giảm lãi suất thêm đến 2% trở lên đối với khoản vay mới và vay hiện hữu đối với từng nhóm khách hàng bị ảnh hưởng dịch bệnh khác nhau. (Hiện nay, mức giảm cao nhất là 1%).
Trả lời cử tri, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần giảm lãi suất điều hành (tháng 3 và 5/2020) với quy mô tương đối lớn và liên tục.
Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của tổ chức tín dụng cũng có xu hướng giảm so với đầu năm, riêng lãi vay lĩnh vực ưu tiên giảm 1%/năm so với cuối năm ngoái.
Công bố của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) vào tháng 3/2020 cho thấy lãi suất cho vay của Việt Nam ở mức 7,7%/năm, tương đương Philippines (7,13%/năm), thấp hơn một số nước có trình độ phát triển tương đồng trong khu vực như Indonesia, Mông Cổ, Bangladesh, Ấn độ, Myanmar....
"Việc giảm lãi suất cho vay mới và các khoản dư nợ hiện hữu là do tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động, thậm chí giảm lương, thưởng, trước mắt không chia cổ tức bằng tiền mặt…. Các ngân hàng thương mại vẫn đang phải trả lãi đối với các khoản được huy động từ tổ chức kinh tế, dân cư (dùng làm nguồn cho vay).
Việc hỗ trợ giảm chi phí vay vốn cho doanh nghiệp và người dân trong điều kiện tổ chức tín dụng cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid-19 nên cũng là một khó khăn của tổ chức tín dụng", Thống đốc nhấn mạnh.
Ngoài ra, việc điều hành lãi suất cần đảm bảo phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, thị trường tiền tệ và nằm trong tổng thể mục tiêu chính sách tiền tệ.
Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường nhằm ổn định thị trường tiền tệ, qua đó tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng ổn định, giảm lãi suất; từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho lợi cho các tổ chức tín dụng giảm lãi suất, góp phần hỗ trợ người dân và doanh nghiệp dần vượt qua khó khăn, nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh.
Đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ theo Thông tư 01 không phân biệt ngành nghề, lĩnh vực, loại hình doanh nghiệp
Liên quan đến việc triển khai Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19, cử tri tỉnh Gia Lai cho biết, có 02 vấn đề vượt thẩm quyền giải quyết của địa phương, đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, cụ thể gồm:
Thứ nhất, bổ sung quy định hoặc có hướng dẫn cụ thể hơn về đối tượng khách hàng (ngành nghề, lĩnh vực, tiêu chí xác định,...) bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 để các tổ chức tín dụng thống nhất thực hiện và tránh việc thắc mắc từ phía doanh nghiệp như hiện nay.
Thứ 2, xem xét, quy định các khách hàng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 đang gặp khó khăn trong việc trả nợ và nợ đã quá hạn (thời điểm đến hạn trả nợ trước ngày 23/01/2020) được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, nhằm tạo điều kiện cho khách hàng vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Về việc bổ sung quy định hoặc có hướng dẫn cụ thể hơn về đối tượng khách hàng (ngành nghề, lĩnh vực, tiêu chí xác định,...) bị ảnh hưởng dịch Covid-19 để các tổ chức tín dụng thống nhất thực hiện, Thống đốc Lê Minh Hưng cho rằng Thông tư 01 quy định đối tượng áp dụng là toàn bộ khách hàng của tổ chức tín dụng chi nhánh ngân hàng nước ngoài, không phân biệt.
"Đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ theo Thông tư 01 không phân biệt ngành nghề, lĩnh vực, loại hình doanh nghiệp đều được các tổ chức tín dụng xem xét áp dụng các biện pháp hỗ trợ khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo Thông tư 01" - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định.
Đối với việc xem xét, quy định các khách hàng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 đang gặp khó khăn trong việc trả nợ và nợ đã quá hạn (thời điểm đến hạn trả nợ trước ngày 23/01/2020) được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ.
Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, mục đích của việc ban hành Thông tư 01 quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 14/02/2020.
Do đó, thời điểm để được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là nợ phát sinh (đã giải ngân) trước ngày 23/01/2020 (là thời điểm phát sinh dịch Covid) và đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Thông tư số 01, trong đó có quy định về việc phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày liền kề sau 03 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19.
Việc quy định như trên nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý để tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hỗ trợ đúng đối tượng khách hàng, hạn chế tối đa việc lợi dụng cơ chế, chính sách, đồng thời, đảm bảo việc phân loại nhóm nợ phản ánh đúng bản chất để tổ chức tín dụng trích lập dự phòng rủi ro theo đúng quy định của pháp luật, hạn chế rủi ro cho hệ thống ngân hàng.
Theo thống kê mới nhất, đến nay ngành ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả cho hơn 272.000 khách hàng với dư nợ hơn 210.000 tỷ đồng; đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 435.000 khách hàng với dư nợ hơn 1,27 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1-/020 đến nay hơn 1,17 triệu tỷ đồng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5 điểm % so với trước dịch.