Cú trượt dài của cựu CEO Ngân hàng Đông Á Trần Phương Bình

Quốc Hải Thứ tư, ngày 04/04/2018 15:07 PM (GMT+7)
Ông Trần Phương Bình, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á (DongABank - DAB) được xác định là người tổ chức, chỉ đạo các hoạt động ngân quỹ và đầu tư, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại cho DongABank 3.405 tỷ đồng.
Bình luận 0

img

Ông Trần Phương Bình bị truy tố vì gây thiệt hại cho DAB tổng số tiền 3.405 tỷ đồng. (Ảnh: IT)

Nói đến Ngân hàng Đông Á, người ta nghĩ ngay đến cựu CEO Trần Phương Bình bởi ông là người đã đưa DongABank từ nhà băng quy mô nhỏ (vốn điều lệ chỉ 20 tỷ đồng, được thành lập vào năm 1992), lên quy mô của nhóm ngân hàng cấp trung với vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2006 - 2011, DongABank luôn đạt tăng trưởng cao, lợi nhuận cổ tức chi trả cổ đông liên tục duy trì ở mức hai con số trong thời gian này.

Từ CEO nổi tiếng đến cú “trượt dài” trong sự nghiệp

Đỉnh điểm, năm 2011, DongABank đạt doanh thu 2.467 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế lên tới 1.267 tỷ đồng; lãi ròng tăng 44%, đạt 947 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận kỷ lục của DongABank, cũng là “con số mơ ước” của nhiều ngân hàng TMCP khác thời điểm đó, kể cả những ngân hàng lớn như Sacombank, ACB...

Tuy nhiên, bước sang năm 2012 cho đến thời điểm tháng 8.2015, khi DongABank bị Ngân hàng Nhà nước ra quyết định đình chỉ các chức vụ đối với ông Bình và đưa DongABank vào diện kiểm soát đặc biệt, kết quả kinh doanh của ngân hàng này đã “tụt dốc” không phanh.  

Cụ thể, nếu năm 2011, DongABank đạt lợi nhuận trước thuế 1.256 tỷ đồng (LN sau thuế là 947 tỷ đồng); thì sang năm 2012, LN trước thuế chỉ còn 777 tỷ đồng (LN sau thuế 599 tỷ đồng); năm 2013 LN trước thuế tiếp tục giảm còn 430 tỷ đồng (LN sau thuế 292 tỷ đồng). Sang năm 2014, kết quả càng “bết bát” hơn khi LN trước thuế chỉ còn... 35 tỷ đồng. Và sang năm 2015, DongABank thậm chí còn... âm vốn chủ sở hữu hơn 25.000 tỷ đồng.

Dù DongABank bị Ngân hàng Nhà nước đưa vào diện kiểm soát đặc biệt và ông Trần Phương Bình cũng bị đình chỉ mọi chức vụ từ tháng 8.2015 nhưng phải hơn 1 năm sau đó, vào tháng 12.2016, ông Bình mới chính thức bị bắt.

Ngày 3.4.2018, Cơ quan Cảnh sát Điều tra (Bộ Công an) mới hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang VKSND Tối cao đề nghị truy tố ông Trần Phương Bình và 20 đồng phạm trong vụ án Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đông Á.

Theo kết luận của cơ quan điều tra, nhóm cổ đông do ông Trần Phương Bình làm đại diện nắm giữ 10,25% vốn điều lệ của DAB và nhóm cổ đông là người thân của ông Bình nắm giữ 7,7% vốn điều lệ. Ông Bình được xác định là người tổ chức, chỉ đạo các hoạt động ngân quỹ và đầu tư tại DAB, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại cho DAB tổng số tiền 3.405 tỷ đồng.

Ngoài ra, theo cơ quan điều tra, hành vi vi phạm của ông Trần Phương Bình là nguyên nhân dẫn đến việc DAB lỗ lũy kế đến 31.000 tỷ đồng và âm vốn chủ sở hữu hơn 25.000 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2015.

Vì sao ông Bình “trượt chân”?

Theo phân tích của giới tài chính, nguyên nhân khiến ông Trần Phương Bình và cả DongABank “trượt chân” là ở 2 lĩnh vực chính: Đầu tư bất động sản và sàn vàng.

Cụ thể, ở lĩnh vực bất động sản, thay vì mạnh tay trích lập dự phòng đối với các khoản vay bất động sản, vốn rủi ro cao. Trái lại, DongABank lại tăng dự thu từ lĩnh vực này. Chính đều này đã khiến con số nợ xấu trong giai đoạn 2011-2015 của DongABank tăng đột biến. Cụ thể, nợ xấu DongABank từ mức 1,69% (năm 2011), lên 3,95% (năm 2012). Đến cuối năm 2013, tỷ lệ nợ xấu tiếp tục ở mức 3,99%.

Sang năm 2014, tổng số nợ xấu mà ngân hàng công bố là 1.947 tỷ đồng, giảm 170 tỷ đồng so với năm trước nhưng vẫn ở mức 3,76% trên tổng dư nợ cho vay, trong đó nợ có khả năng mất vốn là 869 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ con số được công bố thì có thể thấy, nợ xấu trong năm 2014 của DongABank giảm so với năm 2013 chỉ là giảm về mặt kỹ thuật do đã đẩy cục nợ lớn cho VAMC. Cụ thể, số nợ xấu ban đầu cộng với 3.921 tỷ đồng nợ bán cho VAMC thì con số sẽ lên tới 5.868 tỷ đồng, gấp 2,8 lần số nợ xấu 2.117 tỷ đồng cuối năm trước. Trong khi đó, vốn điều lệ của ngân hàng hiện chỉ là 5.000 tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ nợ xấu thực sự sẽ dâng lên 11,3% chứ không phải là 3,76%.

Từ năm 2015 trở về sau, các chỉ số tài chính của DongABank, đặc biệt là tỷ lệ nợ xấu gần như được giữ kín.

Về lĩnh vực đầu tư vàng, các con số cụ thể mà DongABank tham gia lĩnh vực này và thua lỗ không được công bố. Tuy nhiên, trên báo cáo tài chính năm 2014 cho thấy, DongABank phải để lại 26.520 tỷ đồng vốn huy động cho dự trữ bắt buộc và dự phòng thanh khoản. Đây là số tiền rất lớn, vì theo quy định, các tổ chức tín dụng chỉ phải để lại 10 - 15% cho dự trữ bắt buộc và dự phòng thanh khoản.

Con số 26.520 tỷ đồng này khiến nhiều chuyên gia tài chính dự đoán thời điểm đó DongABank đang kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài và chỉ cần một vài phán đoán sai về xu hướng, sự trả giá là không thể tránh khỏi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem