Cũng là cấy lúa, nhưng cấy lúa ở Thái Nguyên kiểu gì mà hễ ai trông thấy cũng bất ngờ?

Hà Thanh - Kiều Hải Chủ nhật, ngày 18/02/2024 05:58 AM (GMT+7)
Thời điểm này, nhiều bà con trên địa bàn huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đang hối hả xuống đồng làm đất, gieo cấy cho kịp vụ lúa Xuân. Điều khiến nhiều người bất ngờ là bà con một tay bê tảng mạ non, một tay rứt giẻ mạ mà ném xuống ruộng...
Bình luận 0

Có mặt tại cánh đồng xóm Xuân Lai, xã Tân Kim, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên, chúng tôi nhận thấy bà con đang khẩn trương xuống đồng làm đất, gieo cấy vụ Xuân.

Clip: Bà con Thái Nguyên hối hả xuống đồng gieo cấy vụ Xuân. Công việc cấy lúa ở đây không còn phải còng lưng, cúi rạp, mà người dân đứng thẳng lưng, rứt từng cụm mạ non ném xuống ruộng trông khá lạ mắt. Clip: Hà Thanh

Anh Phạm Văn Thọ (xóm Xuân Lai, xã Tân Kim, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) cho biết: Vụ xuân này, anh nhận cày bừa thuê khoảng 20 mẫu ruộng của bà con trên địa bàn xóm và một số địa phương lân cận. 

"Tôi bắt đầu xuống đồng từ hôm mùng 5 Tết và dự kiến sẽ cày bừa xong diện tích trên trước ngày 10 tháng Giêng để bà con kịp gieo cấy đúng thời vụ" -anh Thọ cho hay.

Vụ Xuân năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Nguyệt, (xóm Xuân Lai, xã Tân Kim, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) gieo cấy khoảng 8 sào lúa. 

Bà Nguyệt cho biết, ruộng của gia đình không tập trung một chỗ. Bởi vậy thời điểm trước Tết, có một số cánh đồng lấy được nước sớm, gia đình bà đã cấy khoảng 4 sào. Còn lại 4 sào, gia đình bà đang làm đất để tiếp tục cấy nốt.

"Vì đang vào mùa vụ, nhà nào cũng tranh thủ cấy cho kịp thời gian nên gia đình tôi không thuê ai cấy được, do đó chỉ có hai mẹ con cùng nhau cấy hết 8 sào ruộng" - bà Nguyệt cho biết thêm.

Cũng là cấy lúa, nhưng cấy lúa ở Thái Nguyên kiểu gì mà hễ ai trông thấy cũng bất ngờ?- Ảnh 2.

Sau Tết, nhiều bà con tiếp tục xuống đồng gieo cấy lúa Xuân. Ảnh: Hà Thanh


Cũng là cấy lúa, nhưng cấy lúa ở Thái Nguyên kiểu gì mà hễ ai trông thấy cũng bất ngờ?- Ảnh 3.

Mẹ con bà Nguyễn Thị Nguyệt (xóm Xuân Lai, xã Tân Kim, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) gieo cấy nốt 4 sào lúa Xuân. Ảnh: Hà Thanh.

Bà con cho biết, vụ xuân năm 2023, thời tiết rét đậm cộng với mưa phùn kéo dài, nên nhiều diện tích ruộng phải đến sau Tết mới gieo cấy được. 

Còn vụ Xuân năm nay, do thời tiết nắng ấm nên nhiều diện tích lúa Xuân đã được gieo cấy xong trước Tết. Vì vậy sau Tết, nhiều bà con chỉ tập trung tỉa dặm và chăm sóc lúa.

Đang mải dặm lại một số diện tích lúa của gia đình, bà Trương Thị Nụ (xóm Chiễn 1, xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) chia sẻ: "Vụ Xuân này, gia đình tôi gieo cấy 5 sào ruộng với giống lúa Khang Dân. 

Mặc dù đã cấy xong từ trước Tết nhưng một số diện tích lúa bị chuột và ốc bươu vàng cắn phá. Bởi vậy ngày mùng 5 Tết tôi đã ra đồng để dặm lại, đồng thời bón thêm một ít phân lân để cây lúa cứng cáp hơn".

Cũng là cấy lúa, nhưng cấy lúa ở Thái Nguyên kiểu gì mà hễ ai trông thấy cũng bất ngờ?- Ảnh 5.

Một số bà con ở xóm Chiễn 1, xã Nhã Lộng, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên xuống đồng dặm lại những diện tích lúa đã cấy trước Tết bị hỏng. Ảnh: Hà Thanh

Vụ Xuân năm nay, toàn tỉnh Thái Nguyên có kế hoạch gieo cấy 28.130ha lúa, phấn đấu năng suất bình quân đạt 55,85 tạ/ha, sản lượng đạt 157.120 tấn. 

Theo khung thời vụ, việc gieo cấy lúa Xuân sẽ bắt đầu từ ngày 15/1 và kết thúc trước ngày 10/3, trong đó gồm trà lúa Xuân trung và Xuân muộn.

Cũng là cấy lúa, nhưng cấy lúa ở Thái Nguyên kiểu gì mà hễ ai trông thấy cũng bất ngờ?- Ảnh 6.

Vụ xuân năm nay, toàn tỉnh Thái Nguyên có kế hoạch gieo cấy 28.130ha lúa. Ảnh: Hà Thanh.

Để đảm bảo khung thời vụ và cơ cấu giống hợp lý, ngay từ đầu vụ, ngành Nông nghiệp tỉnh đã ban hành các văn bản hướng dẫn về cơ cấu giống, thời vụ gieo trồng, kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch và kế hoạch ứng phó với không khí lạnh, rét đậm, rét hại.

Cơ cấu giống lúa được ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến khích sử dụng là: J01, J02, Đài thơm 8, TBR225, BQ, DQ11, ADI28, HD11, Thiên ưu 8, Dự hương 8, TH8, Hương Thuần 8, VNR20… Còn đối với lúa lai thì sử dụng các giống lúa như: L8H-GS9, TH3-7, TH3-5, B-TE1, Syn98...

Mặc dù đầu vụ Xuân xảy ra rét đậm, rét hại kéo dài khoảng một tuần trước Tết Nguyên đán, nhưng với sự hướng dẫn kịp thời của ngành Nông nghiệp và các địa phương nên tất cả diện tích trà lúa Xuân trung (khoảng gần 1.000ha) đã được cấy xong trước Tết. Hiện nay, bà con đang tập trung gieo cấy trà lúa Xuân muộn.

Cũng là cấy lúa, nhưng cấy lúa ở Thái Nguyên kiểu gì mà hễ ai trông thấy cũng bất ngờ?- Ảnh 8.

Nhiều diện tích lúa Xuân đã được bà con trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cấy xong trước Tết Nguyên đán. Ảnh: Hà Thanh

Ông Nguyễn Tá - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thái Nguyên cho biết: Vụ Xuân năm nay, toàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu giống lúa, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, áp dụng phương pháp gieo sạ, gieo mạ khay…

Đặc biệt, theo ông Tá, đây là vụ đầu tiên trên địa bàn tỉnh áp dụng sản xuất lúa theo chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng (IPM).

IPM là hệ thống sử dụng các phương tiện kỹ thuật và các biện pháp thích hợp nhằm hạn chế tác hại của sâu bệnh, tăng năng suất, chất lượng lúa với mô hình "3 giảm, 3 tăng" bao gồm: Giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc trừ sâu, bệnh, giảm lượng phân đạm; tăng năng suất lúa, tăng chất lượng lúa gạo, tăng hiệu quả kinh tế.

Với khí thế sôi nổi, khẩn trương và quyết tâm cao ngay từ những ngày đầu Xuân của bà con, tin rằng sản xuất nông nghiệp của tỉnh Thái Nguyên trong năm nay sẽ đạt năng suất, sản lượng theo đúng kế hoạch đã đề ra.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem