Trung tâm thương mại bủa vây TP.HCM, cuộc chiến của các đại gia ngoại ngày càng gay cấn

Hồng Phúc Thứ năm, ngày 02/03/2023 15:50 PM (GMT+7)
Cuộc chiến trung tâm thương mại đang diễn ra khốc liệt tại TP.HCM. Những tay chơi chính trong cuộc chiến này phần lớn là các đại gia ngoại đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan.
Bình luận 0

Thị trường bán lẻ tại TP.HCM đang từng bước phục hồi sau dịch Covid-19. Từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay, nhiều trung tâm thương mại luôn tấp nập. So với các năm trước, cuộc chiến trung tâm thương mại của các đại gia bán lẻ đang trở nên nóng hơn bao giờ hết.

Trung tâm thương mại bủa vây TP.HCM

Dù giữa tuần nhưng Trung tâm thương mại Takashimaya (quận 1) vẫn nhộn nhịp khách ra vào. Trục đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa với Lê Lợi phía trước Takashimaya thường xuyên ùn tắc. Khách du lịch từ chợ Bến Thành cách đó chỉ 100-200 mét cũng đổ về Takashimaya tham quan và mua sắm.

Chị Hiền Nguyễn - chủ một gian hàng tại Takashimaya, vui mừng cho biết lượng khách đến trung tâm thương mại này đã phục hồi so với trước dịch Covid-19, thậm chí có thể cao hơn. Điểm đáng chú ý về khách hàng tại đây là khách chi tiêu cao, khách Hàn Quốc, Nhật Bản cũng yêu thích trung tâm thương mại này.

Trung tâm thương mại bủa vây TP.HCM, cuộc chiến của các đại gia ngoại ngày càng gay cấn - Ảnh 1.

Cuộc chiến trung tâm thương mại: Takashimaya và Saigon Centre từ đầu năm 2023 đến nay nhộn nhịp khách. Ảnh: Hồng Phúc

Nằm cạnh Takashimaya là Saigon Centre, xa hơn một chút nữa là Vincom Đồng Khởi. Ghi nhận cho thấy, hai trung tâm thương mại này cũng đông không kém. Các thương hiệu thời trang, mỹ phẩm khá hút khách dù chưa phải cao điểm “siêu sale” trong năm. Khu vực nhà hàng, ẩm thực tại đây đi vào giờ cao điểm trưa và chiều tối đều hầu như kín bàn.

Không chỉ khu vực trung tâm, ở “vòng ngoài” cũng là một cuộc chiến của các trung tâm thương mại, thậm chí cuộc chiến còn khốc liệt hơn khi có sự tham gia của nhiều đại gia từ nội đến ngoại. 

Cạnh tranh trực tiếp với các trung tâm thương mại đình đám ở khu vực trung tâm thành phố là sự nổi lên của Vạn Hạnh Mall tại quận 10 khi hầu như thời điểm nào trong ngày trong đông khách.

Ở các quận ngoài trung tâm, phía quận Gò Vấp là sự thống trị của Vincom Phan Văn Trị và Lotte Mart Gò Vấp. Phía các quận Tân Bình, Tân Phú là Aeon Mall Tân Phú. Cánh Bình Tân, quận 6 có Aeon Mall Bình Tân. Hướng quận 7 - Phú Mỹ Hưng là sự cạnh tranh của một loạt trung tâm thương mại: Vivo City, Crescent Mall, Lotte Mart quận 7.

TP.Thủ Đức là chiến trường mới của các đại gia bán lẻ. Thiso Retail thuộc Tập đoàn Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương vừa khai trương trung tâm thương mại đầu tiên thuộc hệ thống nằm tại khu đô thị mới Thủ Thiêm. Trong khi đó, ở các hướng còn lại của Thủ Đức là một loạt các trung tâm thương mại thuộc hệ thống Vincom và Giga Mall trên đường Phạm Văn Đồng.

Đại gia ngoại dồn dập rót tỷ USD vào Việt Nam

Trong số các trung tâm thương mại đang hoạt động tại TP.HCM, phần lớn là các trung tâm của các doanh nghiệp bán lẻ ngoại đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan. Phân khúc trung tâm thương mại tại thị trường Việt Nam đang được nhiều đại gia ngoại quan tâm hơn bao giờ hết, nhất là khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát. Hàng loạt “ông lớn” đã tuyên bố rót vốn khủng để đầu tư cho mảng này.

Cuối tháng 2/2023, Central Retail Corporation của Thái Lan tuyên bố sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, đặt mục tiêu đầu tư thêm 1,45 tỷ USD vào Việt Nam trong 5 năm tới.

Trung tâm thương mại bủa vây TP.HCM, cuộc chiến của các đại gia ngoại ngày càng gay cấn - Ảnh 3.

Central Retail đặt mục tiêu đầu tư thêm 1,45 tỷ USD vào Việt Nam trong 5 năm tới. Ảnh: Thanh Tân

Ông Yol Phokasub - Giám đốc điều hành của Central Retail Corporation, cho biết khoản đầu tư này được Central Retail sử dụng mở rộng điểm bán, siêu thị và trung tâm thương mại tại Việt Nam. Bên cạnh mảng bán lẻ thực phẩm, hàng tiêu dùng, Central Retail cũng tham vọng đứng số 2 mảng bất động sản - trung tâm thương mại tại Việt Nam vào năm 2027. 

Sau khi đổi tên và tái cấu trúc nhiều siêu thị Big C thành GO!, Central Retail đang biến các điểm bán GO! thành trung tâm thương mại với nhiều tiện ích trong một điểm đến. Tại TP.HCM, một loạt trung tâm thương mại GO! tại các quận Bình Tân, Tân Phú khá hút khách dựa trên tệp khách hàng cũ của Big C.

Đại gia bán lẻ Nhật Bản Aeon cũng có kế hoạch rót vốn mở thêm các trung tâm thương mại mới tại TP.HCM. Năm 2022, Công ty TNHH Aeon Mall Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ thỏa thuận đầu tư với UBND huyện Hóc Môn về Dự án Trung tâm thương mại Aeon Mall Hóc Môn trị giá 250 triệu USD. Tại TP.HCM, dù đang dừng lại với 2 trung tâm thương mại nhưng Aeon là một trong số ít những trung tâm luôn tấp nập khách kể từ khi đưa vào hoạt động.

Trung tâm thương mại bủa vây TP.HCM, cuộc chiến của các đại gia ngoại ngày càng gay cấn - Ảnh 4.

Aeon dự kiến tăng gấp đôi các trung tâm thương mại tại Việt Nam trong thời gian tới. Ảnh: Aeon

Không chỉ dừng lại ở TP.HCM, mới đây, Aeon đã khởi công xây dựng trung tâm thương mại tại Huế với vốn đầu tư gần 170 triệu USD. Chủ tịch Tập đoàn Aeon Motoya Okada từng cho biết Aeon xem Việt Nam là thị trường quan trọng không kém thị trường chính tại Nhật, dự kiến tăng gấp đôi các trung tâm thương mại tại Việt Nam trong thời gian tới. 

Trước đó, nhiều nguồn tin cũng cho biết tập đoàn bán lẻ Nhật Bản Takashimaya có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam, cụ thể là mở thêm một trung tâm thương mại mới ở TP.HCM.

Theo Bộ Công Thương, ngành bán lẻ Việt Nam hiện có quy mô thị trường 142 tỷ USD, dự báo tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025, đóng góp 59% tổng ngân sách quốc nội (GDP). Các công ty nghiên cứu thị trường cũng đánh giá bán lẻ là "miếng bánh" hấp dẫn, thu hút các doanh nghiệp ngoại. Trong khi các doanh nghiệp Việt có lợi thế ở phân khúc siêu thị thì trung tâm thương mại đang nghiêng về các doanh nghiệp ngoại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem