Cuộc sống của dân nơi phát ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên ra sao?

16/09/2019 10:02 GMT+7
Sau khi bị dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tấn công gây thiệt hại nặng, đến nay đã gần 8 tháng nhưng người dân nhiều địa phương trong tỉnh Hưng Yên vẫn chưa nhận được hỗ trợ tiền tiêu hủy lợn dịch khiến cuộc sống của bà con ngày càng khó khăn, mất phương hướng.

cuoc song cua dan noi phat o dich ta lon chau phi dau tien ra sao? hinh anh 1

 Ông Lê Văn Duyệt - Chủ tịch UBND xã Yên Hòa kiểm tra, soát lại hồ sơ tiêu hủy lợn dịch của địa phương trước khi gửi lên cấp trên.

Chính quyền xã cũng thành... "con nợ"

Ngày đầu tháng 9/2019 nói chuyện với phóng viên Dân Việt về công tác, phòng chống DTLCP trên địa bàn, ông Lê Văn Duyệt - Chủ tịch UBND xã Yên Hòa, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên cứ vò đầu, bứt tóc lo lắng về tình trạng nợ nần chồng chất tại xã nhà.

"Sau gần 8 tháng chống cự với DTLCP đến nay chúng tôi đã thành "con nợ" thật rồi. Không tính tiền hỗ trợ cho bà con chăn nuôi cả chục tỷ đồng, riêng chi phí cho công tác phòng, chống, tiêu hủy lợn dịch như thuê vận chuyện lợn dịch đi chôn 250 triệu đồng, máy móc trên dưới 100 triệu đồng... Tính các khoản đã lên đến tiền tỷ, vài ba ngày lại có người đến xã đòi nợ mà chúng tôi chưa tìm được nguồn nào để trả, ngoài việc trông chờ vào sự hỗ trợ của tỉnh và Trung ương" - ông Duyệt nói.

Để minh chứng cụ thể, ông Duyệt gọi kế toán xã cầm lên phòng mình 2 túi hồ sơ, giấy tờ hỗ trợ sau tiêu hủy lợn dịch. "Có hơn 200 bộ hồ sơ mà làm đi làm lại 5, 6 lần chưa gửi đi được khiến tiền hỗ trợ dân cũng chậm lại quá lâu, bà con gọi hỏi liên tục nhưng chúng tôi cũng chịu, đành khất tiếp thôi" - ông Duyệt ngậm ngùi.Theo ông Duyệt, đến thời điểm này, toàn xã Yên Hòa đã mất khoảng trên 3.000 con lợn, với trên 200 hộ dân bị thiệt hại nặng.

"Đến nay, dịch đã giảm nhưng chúng tôi vẫn làm quyết liệt công tác phòng, chống dịch. Trước mắt để hỗ trợ bà con, chúng tôi tích cực tuyên truyền, vận động mọi người không vội tái đàn khi xã còn dịch. Bên cạnh đó, địa phương cũng vận động người dân trong độ tuổi lao động vào các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn làm việc" - ông Duyệt chia sẻ.

cuoc song cua dan noi phat o dich ta lon chau phi dau tien ra sao? hinh anh 2

Dù chưa được chính quyền cho phép nhưng gia đình ông Lê Văn Bộ ở xã Yên Hòa đã tự ý tái đàn.

Cùng hoàn cảnh với Yên Hòa, nhiều xã trên địa bàn huyện Yên Mỹ cũng đang đau đầu vì nợ nần. Ông Trần Văn Tôn - Chủ tịch UBND xã Đồng Than, huyện Yên Mỹ cho hay: Ngoài tiền hỗ trợ của dân, xã đang còn nợ hơn nửa tỷ đồng tiền công, thuê máy móc, xe vận chuyển lợn dịch đi tiêu hủy.

Sau khi bị nhiễm DTLCP từ ngày 28/2 đến ngày 1/8 vừa qua, xã Đồng Than mới chính thức công bố hết dịch. Tổng số lượng lợn tiêu hủy lên đến hơn 3.000 con với trên 200 tấn lợn hơi.

"Hiện toàn bộ quỹ dự phòng của xã đã dùng hết để mua hóa chất, vôi bột phục vụ công tác phòng, chống và tiêu hủy lợn dịch nên nếu không được huyện, tỉnh cấp tiền về thì chúng tôi sẽ rất khó khăn" - ông Tôn khẳng định.

cuoc song cua dan noi phat o dich ta lon chau phi dau tien ra sao? hinh anh 3

Sau khi mất lợn vì DTLCP, gia đình bà Trịnh Thị Đạc ở Yên Hòa chăn nuôi gà trong các ô chuồng lợn.

Dân liên tiếp thất bại 

Là một trong những hộ chăn nuôi lợn bị DTLCP đầu tiên của cả nước, đến nay gia đình ông Lê Văn Bộ ở thôn Khóa Nhu 2, xã Yên Hòa vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ. 

Hôm chúng tôi tìm đến nhà hỏi chuyện, ông Bộ cứ tìm cách trốn tránh. Khi thấy khách ngó vào chuồng trại, ông mới chạy từ nhà ra phân trần: "Chuồng trại khử trùng kỹ và để qua mấy tháng rồi,  mấy hôm trước tôi mới mua mấy con lợn về nuôi thử nghiệm thôi".

Ông Bộ cho biết, dù biết chính quyền cấm tái đán nhưng giờ chuồng trại để trống cũng tiếc nên gia đình mới liều đưa lợn về nuôi thử, mong mọi người thông cảm, bỏ qua. "Xã bảo bà con chuyển đổi sang chăn nuôi gà và các gia cầm khác nhưng giờ loại vật nuôi này cũng bấp bênh, mất giá lắm nên chúng tôi không dám nuôi" - ông Bộ chia sẻ.

cuoc song cua dan noi phat o dich ta lon chau phi dau tien ra sao? hinh anh 4

Càng nuôi nhiều gà, gia đình bà Đạc càng thua lỗ nặng nề hơn.

Cùng thôn với gia đình ông Bộ, hộ bà Trịnh Thị Đạc cũng đang rất bí bách, cùng đường. Từ khi mất lợn, vợ chồng bà lao vào nuôi gà đẻ trứng mong vớt vát lại chút vốn và trả nợ nhưng càng nuôi, giá trứng gà càng giảm sâu khiến gia đình bà càng lỗ nặng hơn. "Ở nông thôn giờ không nuôi lợn, gà thì chả biết làm gì để sống mà giờ càng chăn nuôi càng lỗ nặng, nợ nần ngập đầu, chúng tôi thực sự mất phương hướng, cùng đường rồi" - bà Đạc bày tỏ.

(Dân Việt)
Tags:
Cùng chuyên mục