Cựu Chủ tịch TP.Hạ Long Phạm Hồng Hà lúc đầu khai nhận, sau lại không nhận tội

Nhóm PV Thứ tư, ngày 19/04/2023 10:28 AM (GMT+7)
Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Quảng Ninh, quá trình điều tra, hầu hết các bị can trong vụ án đều đã khai nhận hành vi phạm tội, riêng bị can Phạm Hồng Hà (cựu Chủ tịch UBND TP.Hạ Long kiêm Trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long) có lúc khai nhận, sau lại không nhận tội.
Bình luận 0

Bên trong phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch UNBD TP.Hạ Long Phạm Hồng Hà và 27 đồng phạm. Clip: Nhóm PV VPĐB

Sáng nay (19/4), tại TP.Hạ Long, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh (TAND tỉnh Quảng Ninh) đưa ra xét xử sơ thẩm 28 bị can trong vụ án tại Công ty CP Quản lý đường sông số 3, trong đó cựu Chủ tịch UBND TP.Hạ Long kiêm cựu Trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long Phạm Hồng Hà được dư luận đặc biệt quan tâm. Ông Hà bị truy tố 2 tội danh: "Tham ô tài sản"; "Nhận hối lộ".

Đầu giờ sáng, sau phần kiểm tra căn cước nhân thân của 28 bị cáo, phiên xét xử chuyển sang phần đại diện của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Ninh đọc cáo trạng truy tố.

Theo đó, từ năm 2017 đến năm 2021, Công ty CP Quản lý đường sông số 3 (khu 2, phường Hồng Hà, TP.Hạ Long) đã ký kết, thực hiện các hợp đồng quản lý, bảo trì, xây lắp biển báo hiệu điều tiết đảm bảo giao thông với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Ban Quản lý vịnh Hạ Long và một số chủ đầu tư khác.

Cựu Chủ tịch TP.Hạ Long Phạm Hồng Hà và các đồng phạm nộp lại hơn 5 tỷ đồng - Ảnh 1.

Cựu Chủ tịch UBND TP.Hạ Long Phạm Hồng Hà (đeo khẩu trang trắng) khai báo nhân thân trước tòa. Ảnh: P.V

Quá trình triển khai, các bị can là lãnh đạo Công ty CP Quản lý đường sông số 3 đã thông đồng với một số cá nhân trong và ngoài Công ty để bớt khối lượng công việc so với hợp đồng, lập khống sổ sách nghiệm thu, chiếm đoạt tiền của một số chủ đầu tư; tham ô tài sản, đưa hối lộ, nhận hối lộ đối với các hợp đồng ký kết với Ban Quản lý vịnh Hạ Long, đồng thời tham ô tài sản của Công ty CP Quản lý đường sông số 3.

Trong đó, ông Phạm Hồng Hà, cựu Chủ tịch UBND TP.Hạ Long bị truy tố về các tội: Tham ô tài sản, Nhận hối lộ trong thời gian giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy, Trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long.

Cùng bị truy tố với bị can Phạm Hồng Hà còn có 27 bị can khác, gồm nhiều lãnh đạo của một số công ty. Trong đó có: Phạm Văn Phả, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quản lý đường sông số 3; Đỗ Công Hào, Giám đốc Công ty CP Quản lý đường sông số 3; Phạm Văn Chinh, Phó Giám đốc Công ty CP Quản lý đường sông số 3; Đoàn Duy Khánh, Giám đốc Xí nghiệp dịch vụ cơ khí công trình Công ty CP Quản lý đường sông số 3; Nguyễn Mạnh Hà - Giám đốc Công ty CP đảm bảo an toàn đường thủy Mạnh Hưng; Đoàn Văn Vinh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đường thủy Quảng Ninh; Nguyễn Việt Thắng, Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng, thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam…

Những người trên bị truy tố với các tội danh: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Nhận hối lộ; Đưa hối lộ; Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Cựu Chủ tịch TP.Hạ Long Phạm Hồng Hà và các đồng phạm nộp lại hơn 5 tỷ đồng - Ảnh 2.

Buổi sáng nay, phiên tòa bắt đầu bằng phần kiểm tra nhân thân của 28 bị cáo. Ảnh: P.V

Cũng theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Quảng Ninh, căn cứ vào các tình tiết và chứng cứ, cơ quan chức năng kết luận, từ năm 2017 đến năm 2021, tại TP.Hạ Long, Móng Cái, TX.Quảng Yên, TX.Đông Triều, huyện Tiên Yên, Vân Đồn, các bị can: Phạm Văn Phả, Đỗ Công Hào, Phạm Văn Chinh, Ngô Thị Thu Lư đã bớt xén khối lượng các hạng mục công việc, lập khống hợp đồng, hợp thức hóa hồ sơ, chứng từ nghiệm thu, thanh toán, chiếm đoạt tiền của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hơn 17 tỷ đồng; chiếm đoạt của Ban quản lý dự án thị xã Đông Triều hơn 2,6 tỷ đồng; chiếm đoạt của Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ninh hơn 1,7 tỷ đồng

Ngoài ra, các bị cáo còn bị cáo buộc lừa đảo mục đích chiếm đoạt của Công ty Vân Đồn hơn 2,7 tỷ đồng, trong đó đã chiếm đoạt được hơn 1,5 tỷ đồng. Tổng số tiền mục đích lừa đảo chiếm đoạt là hơn 24,9 tỷ đồng, trong đó đã chiếm đoạt được hơn 23,7 tỷ đồng.

Đông đảo người dân theo dõi phiên tòa liên quan đến cựu Chủ tịch UBND TP.Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Video: Nhóm PV

Từ năm 2017 đến năm 2019, tại TP.Hạ Long, các bị can: Phạm Văn Phả, Đỗ Công Hào, Phạm Văn Chinh, Ngô Thị Thu Lư đã cùng các bị can Phạm Hồng Hà, Bùi Sỹ Giáp và Phạm Thái Dương lập khống hồ sơ, bớt xén khối lượng công việc để tham ô số tiền hơn 4,5 tỷ đồng của Ban Quản lý vịnh Hạ Long.

Ngoài ra, các bị can: Phạm Văn Phả, Đỗ Công Hào, Ngô Thị Thu Lư đã đưa hối lộ cho các bị can Phạm Hồng Hà, Bùi Sỹ Giáp và Phạm Thái Dương tổng số tiền là 517 triệu đồng.

Bị can Đoàn Duy Khánh trực tiếp thực hiện theo chỉ đạo chung của Phạm Văn Phả về việc bớt xén khối lượng công việc, hợp thức hóa hồ sơ, lập khống chứng từ nghiệm thu, quyết toán vượt quá khối lượng công việc thực tế để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đối với 9 hợp đồng quản lý bảo trì với tổng số tiền hơn 12 tỷ đồng; đồng thời Khánh cũng giúp sức cho các bị can Phạm Văn Phả, Phạm Hồng Hà và đồng phạm lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt số tiền hơn 3,9 tỷ đồng của Ban Quản lý vịnh Hạ Long.

Bị can Nguyễn Hải Anh tham gia chỉ đạo lập khống hồ sơ lừa đảo chiếm đoạt tiền của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam hơn 12,4 tỷ đồng; số tiền của Ban quản lý dự án thị xã Đông Triều là hơn 2,6 tỷ đồng; số tiền chiếm đoạt của Công ty Vân Đồn là hơn 1,4 tỷ đồng. Tổng cộng là hơn 17,5 tỷ đồng.

Từ tháng 9/2019, khi bắt đầu làm việc tại Phòng Tổng hợp, Công ty CP Quản lý đường sông 3, mặc dù không được bàn bạc trước, không được hưởng lợi nhưng khi nhận được sự chỉ đạo của các bị can trong Ban lãnh đạo Công ty CP Quản lý đường sông 3, bị can Lê Kim Hoa đã lập khống hồ sơ, sổ sách nghiệm thu, thanh toán, giúp sức cho bị can Phạm Văn Phả và đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đối với 6 hợp đồng quản lý bảo trì với tổng số tiền hơn 8,9 tỷ đồng…

Theo cáo trạng, quá trình điều tra, hầu hết các bị can trong vụ án đều đã khai nhận hành vi phạm tội, riêng bị can Phạm Hồng Hà có lúc khai nhận, sau lại không nhận tội, song căn cứ tài liệu điều tra đã đủ cơ sở kết luận hành vi phạm tội như đã nêu trên.

Trong quá trình điều tra vụ án có một số bị can đã nộp hoặc tác động gia đình nộp một phần tiền khắc phục hậu quả với tổng số tiền hơn 5 tỷ đồng, trong đó người nộp ít nhất 4 triệu đồng, nhiều nhất hơn 1,5 tỷ đồng. Cụ thể, Phạm Văn Phả nộp 300 triệu đồng, Phạm Thái Dương nộp 50 triệu đồng, Bùi Sĩ Giáp nộp 750 triệu đồng, Phạm Hồng Hà nộp 500 triệu đồng, Nguyễn Mạnh Hà nộp 260 triệu đồng, Đoàn Xuân Tiến nộp hơn 1,5 tỷ đồng…

Số tiền trên hiện đã chuyển vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh tại Kho bạc Nhà nước tỉnh để quản lý trong thời gian chờ xử lý theo quy định của pháp luật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem