Đã đến lúc mạnh tay hơn khi “so găng” cùng nợ xấu, NHNN đặt thêm nhiều “kỳ vọng”
Trong một báo cáo chiến lược được Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) công bố gần đây cho thấy, nợ xấu (NPL) tăng đáng kể trong 9 tháng 2020.
"Quả bóng" nợ xấu phình to
Cụ thể, thống kê từ 17 ngân hàng thương mại niêm yết cho thấy nợ xấu tăng đáng kể trong quý III/2020. Vào cuối tháng 9 năm 2020, các ngân hàng này ghi nhận 97.280 tỷ đồng nợ xấu, tăng 30,7% so với cuối năm 2019, và tỷ lệ nợ xấu tương đương 1,8% tổng tài sản.
VDSC ước tính tỷ lệ nợ xấu (không bao gồm các khoản đã bán cho VAMC) sẽ khoảng 2,4% vào cuối năm 2020.
Trước đó, Viện Nghiên cứu và Đào tạo BIDV đánh giá, đến cuối năm nay, mức tăng nợ xấu nội bảng toàn hệ thống ngân hàng có thể lên 4%, cao hơn so với mức 1,89% vào cuối năm 2019 do tăng trưởng tín dụng ở mức thấp, hoạt động của doanh nghiệp gặp khó khăn trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng thấp.
Điều đáng nói, trong khi nợ xấu ngày càng "phình to", hàng loạt tài sản thế chấp của khách hàng cá nhân, doanh nghiệp từ ôtô, máy móc thiết bị, nhà xưởng, đến các lô bất động sản trị giá từ vài tỷ đồng đến hàng nghìn tỷ đồng… đã và đang được ngân hàng tích cực rao bán. Tuy nhiên, một thực tế không thể phủ nhận, việc "đẩy hàng" ra thị trường thu hồi nợ xấu của các ngân hàng lại không dễ hàng.
Như tại Sacombank, thời gian vừa qua nhà băng này muốn rao bán tài sản thế chấp lớn là Khu công nghiệp Phong Phú (huyện Bình Chánh, TP.HCM) để xử lý, thu hồi nợ. Tuy nhiên, bất động sản này thuộc đề án tái cơ cấu đã được Chính phủ và NHNN phê duyệt nên việc bán đấu giá đang tạm dừng theo yêu cầu của UBND TP HCM nhằm tiến hành rà soát các vấn đề pháp lý theo quy định.
Thậm chí, để thu hồi khoản nợ của Công ty dệt may Thúy Đạt (Nam Định) bao gồm: nhà xưởng, nhà điều hành, dây chuyền sản xuất…, BIDV chi nhánh Thành Nam đã có tới 33 lần thông báo đấu giá tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, một phần trong khối tài sản này vẫn không "đắt khách",…
NHNN muốn VAMC lập và vận hành sàn giao dịch nợ trong 5 năm tới
Nợ xấu cũ chưa giải quyết triệt để, nợ xấu mới lại có nguy cơ tăng thêm. Muốn xử lý nhanh và dứt điểm nợ xấu, một trong những giải pháp luôn được các chuyên gia nhắc đến là hình thành thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp.
Thực tế thì đây không phải vấn đề mới, bởi thị trường mua bán nợ Việt Nam hiện đã có sự tham gia của gần 40 doanh nghiệp. Mặc dù vậy, hoạt động mua bán nợ tại Việt Nam hiện nay vẫn chủ yếu ở thị trường sơ cấp, các khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng (TCTD) được bán trực tiếp cho các tổ chức mua bán, xử lý nợ do Chính phủ thành lập (Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC), VAMC, hoặc tổ chức mua bán nợ khác để thu hồi nợ.
Trong khi đó, số giao dịch mua bán nợ giữa các nhà đầu tư trên thị trường thứ cấp còn tương đối hạn chế.
Nguyên nhân một phần là do chưa có sàn giao dịch nợ xấu chuyên nghiệp tại Việt Nam để các TCTD, nhà đầu tư tiếp cận, trao đổi thông tin và thực hiện giao dịch các khoản nợ xấu. Chính điều này cũng làm cho thị trường mua bán nợ chưa phát triển như kỳ vọng.
Cũng phải nói thêm rằng, Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu thời gian qua đã thực sự là một cú hích lớn đẩy các TCTD vào con đường rộng rãi, thuận tiện chạy đà phá bom nợ xấu. Điều này góp phần cho số liệu nợ xấu nội bảng của các TCTD vơi nhanh, và vẫn ở mức "đẹp" dưới 3% kể cả trong dịch như hiện tại. Thế nhưng, nhiều chuyên gia thừa nhận, bên cạnh vai trò khơi rộng khung pháp lý cho các TCTD mạnh tay mua bán xử lý nợ, Nghị quyết 42 vẫn chưa lấp được "vùng trống" của việc thiếu một sàn giao dịch nợ.
Từ yêu cầu của thực tiễn, mới đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, mục tiêu tổng quát của chiến lược là phát triển VAMC trở thành trung tâm trong hoạt động xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại hệ thống các TCTD, thúc đẩy sự phát triển của thị trường mua bán nợ, đảm bảo sự phát triển an toàn, bền vững của các TCTD, có đủ năng lực và nguồn lực để thực hiện chức năng và nhiệm vụ mua, bán và xử lý nợ xấu, định giá, đấu giá tài sản.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2021-2025, VAMC phải hoàn thiện việc thành lập, đưa vào vận hành Sàn giao dịch nợ. Song song, tiến hành xây dựng trung tâm dữ liệu về khoản nợ/tài sản tại VAMC, hướng tới việc đề xuất được thực hiện triển khai kết nối thông tin với Trung Tâm Thông Tin Tín Dụng Quốc Gia (CIC) và các TCTD nếu đủ điều kiện nhằm tạo nguồn dữ liệu để khai thác, lựa chọn xử lý các khoản nợ/tài sản.
Ngoài ra, VAMC phải tăng cường xử lý nợ xấu đã mua theo giá trị thị trường, tiếp tục xử lý số nợ xấu đã mua bằng TPĐB của các TCTD yếu kém, có thể gây rủi ro cho hệ thống.
Giai đoạn 2026-2030, NHNN đề xuất mở rộng lĩnh vực hoạt động của VAMC, hướng tới việc mua, bán nợ và tài sản của mọi thành phần trong nền kinh tế, đẩy mạnh các hoạt động đầu tư và khai thác tài sản, tư vấn môi giới mua bán tài sản, định giá tài sản...
Tuy nhiên, điều kiện đầu tiên và tiên quyết để thành lập sàn giao dịch nợ xấu là phải có một hành lang pháp lý đồng bộ."Khi kết thúc thời hạn hiệu lực của Nghị quyết số 42 (tháng 8/2022) hoặc một thời hạn sớm hơn, cần trình Quốc hội luật hóa Nghị quyết số 42 theo hướng áp dụng cho tất cả các chủ thể tham gia thị trường mua, bán nợ xấu, đồng thời chỉ đạo sửa đổi, bổ sung những bất cập, vướng mắc của các quy định pháp luật có liên quan trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 42", ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch HĐTV VAMC kiến nghị.