Đại biểu Quốc hội nói gì về "lời hứa" hồi sinh các công viên ở Thủ đô của Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh?

Hoàng Thành Thứ tư, ngày 02/11/2022 07:44 AM (GMT+7)
"Chắc chắn khi bắt tay vào hồi sinh các công viên ở Hà Nội có thể sẽ vướng nhiều thứ, nhưng theo tôi không cần làm quá tràn lan, mà bắt đầu với một vài dự án cụ thể để rút kinh nghiệm để các dự án sau được triển khai chặt chẽ, tránh thất thoát, điều tiếng", đại biểu Đỗ Chí Nghĩa nhấn mạnh.
Bình luận 0

"Năm 2023 phải làm sống lại các công viên" - đó là lời hứa của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh tại phiên họp giải trình của Thường trực HĐND TP.Hà Nội vào trung tuần tháng 10 vừa qua.

Về việc này, bên hành lang Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, trao đổi với phóng viên, Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa - Ủy viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội đánh giá cao lời hứa của tân Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh trước HĐND TP. "Điều này thể hiện Chủ tịch Hà Nội đã nhìn ra rất sâu câu chuyện đó và có quyết tâm để thực hiện", ông Nghĩa nhìn nhận.

"Chắc chắn khi bắt tay vào có thể sẽ vướng nhiều thứ, nhưng theo tôi không cần làm quá tràn lan, mà bắt đầu với một vài dự án cụ thể để rút kinh nghiệm để các dự án sau được triển khai chặt chẽ, tránh thất thoát, điều tiếng, được dư luận ủng hộ, cảm nhận được những việc đó là làm cho mình, mang hiệu quả cho cộng đồng", đại biểu đoàn Phú Yên bày tỏ.

Đại biểu Quốc hội nói gì về "lời hứa" hồi sinh các công viên ở Thủ đô của Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh? - Ảnh 1.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, ĐBQH đoàn Phú Yên, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội trả lời phóng viên bên hành lang Quốc hội. Ảnh: Thành An.

Cần bỏ hàng rào công viên để người dân ra vào tự do

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa lấy làm tiếc khi thời gian qua nhiều công viên ở Thủ đô Hà Nội bị chậm tiến độ xây dựng, chạy theo lợi nhuận của nhà đầu tư, còn giám sát của chính quyền lại hạn chế.

Bên cạnh đó, trong khi nhiều công viên xuống cấp, bị bỏ hoang, thì nhiều nhà đầu tư nhăm nhe muốn biến những khu đất vàng đó thành những dự án.

"Nếu không có sự ngăn cản của công luận có khi những ý tưởng đó đã thành hiện thực", ông Nghĩa nói và cho rằng, việc sử dụng, khai thác công năng của các công viên ở Hà Nội cũng chưa đồng bộ, có những công viên được mở để người dân vào tự do, cũng có những công viên lại thu phí, việc thu phí dẫn tới bất bình đẳng.

Về việc này, theo đại biểu Đoàn Phú Yên, TP.Hà Nội không cần học đâu xa mà ngay ở TP.HCM, những công viên không có cổng, không có hàng rào, người dân có thể tự do vào, tận hưởng không gian xanh của công viên một cách khoan khoái, thoải mái.

Điều đó mang bản sắc của một đô thị lớn, hiện đại văn minh. Bởi công viên là nơi không thể thiếu trong đời sống đô thị, là "lá phổi", là nơi để người dân hưởng thụ, thư giãn, chứng kiến sự phát triển của thành phố một cách cụ thể nhất.

Vì thế không có lý gì lại phải sinh ra những cánh cổng để đảm bảo an ninh cho công viên, trong khi chúng ta không thiếu các giải pháp khác để phòng ngừa. Công viên càng thoáng, càng sáng, càng nhiều người vào thì càng ít tội phạm, ít tệ nạn. Ngược lại, công viên càng tối, càng khuất, càng ngăn trở, người dân ngần ngại vào đó, thì đó là khoảng tối của tệ nạn.

Đại biểu Quốc hội nói gì về "lời hứa" hồi sinh các công viên ở Thủ đô của Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh? - Ảnh 3.

Hình ảnh nhếch nhác của một công viên trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: Thành An.

Công viên ở Hà Nội bị bỏ hoang là lãng phí rất lớn

Ủy viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, cần tư duy mới về công viên nói riêng và những không gian tiện ích nói chung của Thủ đô.

Ông lưu ý, bên cạnh phát triển kinh tế, chúng ta phải luôn nhớ văn hóa là trọng tâm, bởi Hà Nội là trung tâm chính trị, văn hóa, nghĩ về Hà Nội là nghĩ về văn hóa, về sự thanh lịch. Muốn thanh lịch cần phải có hạ tầng tương ứng. Đây là trách nhiệm của lãnh đạo Thủ đô.

Với nguồn lực của Hà Nội hiện nay, sự quan tâm của các cấp, ngành, đặc biệt với cơ chế đặc thù dành cho Thủ đô, cùng với sự đóng góp về tinh thần, trí tuệ của người dân Thủ đô, Hà Nội đủ sức tạo ra các không gian xanh, công viên của riêng mình, xứng tầm với Thủ đô ngàn năm. Những không gian ấy không chỉ để cho người dân Hà Nội được thưởng ngoạn mà du khách trong và ngoài nước cũng tìm đến đây như là tìm đến không gian đặc thù của Thủ đô.

Đại biểu Quốc hội nói gì về "lời hứa" hồi sinh các công viên ở Thủ đô của Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh? - Ảnh 4.

Hình ảnh hoen gỉ của một công trình trong Công viên Tuổi trẻ sau nhiều năm bị bỏ hoang. Ảnh: Thành An.

Để giải quyết những tồn tại hiện nay, ông Nghĩa cho rằng, điều quan trọng nhất là chúng ta nhìn vào những không gian tiện ích ấy như là nguồn lực phát triển của thành phố khi đầu tư tốt cho con người hay nhìn nó như nguồn lợi cho ai đó khai thác hoặc áp lực ngân sách của những người quản lý.

Đây là bài toán cần được giải quyết một cách tổng thể từ tư duy của người lãnh đạo cao nhất thành phố và sự giám sát của người dân, dư luận để làm sao những không gian đó phải được sử dụng đúng chức năng của nó.

"Đương nhiên, chính quyền hay lãnh đạo thành phố phải chịu nhiều áp lực khác, có nhiều ưu tiên khác trong quá trình điều hành phát triển thành phố, nhưng hướng sự quan tâm đó vào đâu và giải quyết bài toán ra sao cần sự hiến kế, vào cuộc của người dân, công luận để Thủ đô có thể phát triển đúng hướng và xứng với tiềm lực của nó sau hơn 30 năm đổi mới", đại biểu Nghĩa nhấn mạnh.

Quay trở lại câu chuyện công viên ở Thủ đô Hà Nội bỏ hoang nhiều năm nay, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa nhấn mạnh, đó là một sự lãng phí rất lớn, và mọi sự lãng phí đều rất đáng tiếc, rất cần phải khắc phục. Những lãng phí đó có nhiều nguyên nhân từ lịch sử, nguồn lực, nhìn nhận đánh giá, nhưng giờ đến lúc cần bắt tay vào làm cho tốt hơn, cần hướng đến tương lai quan trọng hơn thay vì mổ xẻ theo hướng không giải quyết được gì.

Hà Nội hiện có 4 công viên do TP quản lý gồm Thống Nhất, Thủ Lệ, Bách Thảo, Hòa Bình. Từ cuối năm 2021 TP đã có kế hoạch đầu tư cải tạo các công viên này nhưng báo cáo mới đây của Sở Xây dựng cho thấy việc cải tạo gặp còn nhiều khó khăn.

Khoảng 40 công viên vườn hoa do cấp quận, huyện quản lý cũng sẽ được cải tạo trong giai đoạn 2021-2025. Trong đó có các công viên như Linh Đàm, Bắc Linh Đàm, Bán đảo Linh Đàm, Ba Mẫu, Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Đền Lừ, Indira Gandhi, Nguyễn Trãi.

Bên cạnh đó, Hà Nội đặt mục tiêu đến 2025 xây dựng mới 9 công viên nhưng đến nay đều đang chậm tiến độ: Công viên hồ điều hòa khu đô thị Tây Nam Hà Nội; công viên CV1 ở quận Cầu Giấy và quận Nam Từ Liêm; Công viên khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An ở huyện Thanh Trì; Công viên văn hóa, du lịch vui chơi giải trí Kim Quy ở Đông Anh; Công viên hồ Phùng Khoang thuộc quận Nam Từ Liêm và Thanh Xuân; Công viên văn hóa, vui chơi giải trí, thể thao Hà Đông...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem