Đại dịch Covid-19 khiến số ca tử vong Mỹ nhiều hơn hồi chiến tranh Việt Nam

29/04/2020 11:43 GMT+7
Các quan chức Mỹ đã nhiều lần so sánh những nỗ lực chống virus SARS-CoV-2 với các cuộc chiến tranh. Mới đây nhất, Cục Quản lý Hồ sơ và Văn khố Quốc gia Mỹ cho hay số ca tử vong do dịch Covid-19 tại Mỹ hiện đã vượt quá số binh sĩ Mỹ chết hồi chiến tranh Việt Nam.
Đại dịch Covid-19 khiến nhiều người Mỹ tử vong hơn cả hồi chiến tranh Việt Nam   - Ảnh 1.

Những thi thể người chết do dịch Covid-19 tại nhà tang lễ Gerard Neufeld, thành phố New York (Ảnh chụp hôm 22/4)

Theo Cục Quản lý Hồ sơ và Văn khố Quốc gia Mỹ, đã có 58.220 binh sĩ Mỹ tử vong trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam kéo dài 20 năm, kết thúc năm 1975. Giờ đây, số ca tử vong do đại dịch Covid-19 tại Mỹ đã lên đến 58.365 người chỉ sau gần 4 tháng dịch bệnh bùng phát, theo dữ liệu được thống kê bởi Đại học Johns Hopkins.

Tổng thống Donald Trump trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng hồi tuần trước đã gọi dịch Covid-19 “là kẻ thù vô hình” và những nỗ lực chống lại sự lây lan đại dịch “là một cuộc chiến đầy nguy hiểm”.

Ca nhiễm Covid-19 được báo cáo lần đầu tiên hồi đầu tháng 1 tại Trung Quốc và đã lây lan ra khoảng 200 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới trong 4 tháng qua, làm hơn 3 triệu người nhiễm bệnh và hơn 211.000 người tử vong. Tính đến nay, tỷ lệ tử vong do dịch bệnh bình quân lên đến gần 7%. 

Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19. Tính đến chiều 28/4, Mỹ xác nhận 1.000.197 ca nhiễm Covid-19 và 58.365 ca tử vong. Các quan chức y tế Mỹ ước tính có hàng triệu người Mỹ có thể đã nhiễm Covid-19 nhưng chưa được phát hiện, đồng thời dự đoán tỷ lệ tử vong tại Mỹ lên tới gần 1%. Nhìn chung, đại dịch do virus SARS-CoV-2 gây ra nguy hiểm hơn gấp nhiều lần so với bệnh cúm theo mùa - căn bệnh giết chết khoảng 290.000-650.000 người mỗi năm trên toàn thế giới, với tỷ lệ tử vong khoảng 0,1%.

Khi đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát và lây lan nhanh chóng ở Mỹ hồi tháng 3, các bệnh viện trên khắp New York gần như ngay lập tức bị choáng ngợp và quá tải bởi sự gia tăng rất nhanh các trường hợp bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2.

Scott Gottlieb, cựu Ủy viên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm nhận định: “Mặc dù một số tiểu bang bao gồm tâm chấn dịch bệnh New York cho biết đã vượt qua đỉnh dịch khi số ca nhiễm mới bắt đầu giảm, việc giảm tỷ lệ lây nhiễm virus sẽ cực kỳ khó khăn. Thực tế là vẫn có sự lây lan mạnh mẽ virus corona trên toàn đất nước.”

Cho đến nay, Mỹ vẫn báo cáo khoảng 30.000 ca nhiễm mới và khoảng gần 2.000 ca tử vong do đại dịch Covid-19 mỗi ngày, ông Scott Gottlieb tiết lộ thêm. “Trên toàn quốc, chúng ta vẫn thấy nhiều khu vực đang vật lộn với sự lây lan nhanh chóng của đại dịch”. 

Viện đánh giá và nghiên cứu y tế (Institute for Health Metrics and Evaluation - IHME) tại Đại học Washington dự báo đến cuối tháng 5, sẽ có hơn 67.000 người Mỹ tử vong do dịch Covid-19. Nhà Trắng hiện đang sử dụng các dữ liệu và mô hình của Viện IHME để xây dựng các kế hoạch phản ứng trước đại dịch.

Bất chấp dịch bệnh tiếp tục lây lan, một số tiểu bang tại Mỹ đã tuyên bố khôi phục một số hoạt động kinh tế ngay trong tuần này. Phó Tổng thống Mike Pence cho biết hồi tuần trước rằng ít nhất 16 tiểu bang đã lên kế hoạch tái mở cửa nền kinh tế sau nhiều tuần trì trệ để giảm thiểu phần nào những thiệt hại to lớn mà đại dịch Covid-19 gây ra. Một số bang như  Missouri, Pennsylvania, Oregon và Idaho hiện đều đã đưa ra các kế hoạch nới lỏng lệnh hạn chế kiểm dịch.

Trước động thái này, nhiều chuyên gia y tế công cộng đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ hồi sinh virus SARS-CoV-2, đặc biệt là vào mùa thu tới, trùng với thời điểm dịch cúm theo mùa xuất hiện. Chuyên gia y tế Scott Gottlieb thậm chí cho rằng: “Có một khả năng rằng nhân loại không bao giờ thực sự thoát khỏi sự lây nhiễm dịch Covid-19. Nó sẽ âm ỉ suốt mùa hè, trở lại vào mùa thu và tiếp tục bùng phát thành những làn sóng dịch bệnh mới”.

Hiện thế giới vẫn chưa có thuốc điều trị tiềm năng cho virus SARS-CoV-2. Hàng chục phương pháp điều trị tiềm năng bao gồm vaccine và thuốc điều trị đang được thử nghiệm lâm sàng trên toàn thế giới. Nhưng ước tính, sẽ mất hàng năm trời trước khi bất kỳ loạt vaccine, thuốc điều trị nào được chứng minh hiệu quả và sản xuất hàng loạt.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục