Đại gia bán lẻ muốn kiếm hàng chục nghìn tỷ, mở hàng trăm điểm bán mới

Hồng Phúc Thứ tư, ngày 30/03/2022 14:29 PM (GMT+7)
Saigon Co.op đặt mục tiêu doanh thu năm 2022 đạt hơn 30.000 tỷ đồng. Nova mới gia nhập bán lẻ, tham vọng có 300 điểm bán ngay năm đầu tiên.
Bình luận 0

Kế hoạch mở rộng chuỗi bị chững lại trong năm 2021 vì dịch bệnh Covid-19, bước sang năm 2022, nhiều đại gia bán lẻ đã sẵn sàng bứt tốc, so kè quyết liệt ở cả môi trường trực tiếp lẫn trực tuyến.

Saigon Co.op đặt mục tiêu mở mới 3-5 siêu thị, đại siêu thị, trung tâm thương mại, trên cơ sở cân nhắc kỹ thời điểm khai trương và hiệu quả đầu tư. Với mô hình bán lẻ nhỏ, Saigon Co.op dự kiến mở mới khoảng 80-100 điểm bán.

Ông Nguyễn Anh Đức - Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết năm 2021, việc phát triển mạng lưới bị ảnh hưởng bởi Covid-19, do đó, hệ thống chi mở thêm được gần 40 điểm bán mới gồm Co.opmart, Co.op Food, Co.op Smile, Cheers và Finelife. Doanh nghiệp cũng quyết định đóng những những điểm bán không hiệu quả thuộc mô hình bán lẻ nhỏ.

Đại gia bán lẻ muốn kiếm hàng chục nghìn tỷ, mở hàng trăm điểm bán mới - Ảnh 1.

Saigon Co.op đặt mục tiêu doanh thu năm 2022 đạt hơn 30.000 tỷ đồng. Ảnh: Hồng Phúc

Với việc tăng cường mở rộng chuỗi, tiếp cận khách hàng trên kênh mua sắm trực tuyến và kỳ vọng thị trường bán lẻ sẽ dần hồi phục, Saigon Co.op đặt mục tiêu doanh thu năm 2022 đạt 4,5% so với cùng kỳ. Năm 2021, doanh thu Saigon Co.op đạt 30.671 tỷ đồng (giảm 7,8% so với kết quả đạt được năm 2020).

Nova Commerce - công ty con của Nova Group, vừa khai trương một cửa hàng thực phẩm tiện lợi ngay trung tâm quận 1 cùng với 2 cửa hàng khác tại quận 7 và Tân Bình.

Đại diện Nova Group cho biết, kế hoạch năm 2022 sẽ mở khoảng 300 điểm bán, tấn công thị trường bán lẻ, cung cấp thực phẩm tươi sống và các mặt hàng tiêu dùng do chính tập đoàn sản xuất. Đây cũng là một trong những mục tiêu của doanh nghiệp khi quyết định đi theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực.

Ngoài mở rộng chuỗi, các doanh nghiệp bán lẻ cũng đặt tham vọng lớn vào mua sắm trực tuyến, thương mại điện tử khi thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã thay đổi sau dịch Covid-19.

Không chỉ khách hàng cá nhân là hộ gia đình, các doanh nghiệp bán lẻ còn nhận thấy khách hàng doanh nghiệp cũng có nhu cầu và dần dần chuyển sang mua sắm trực tuyến.

Đại gia bán lẻ muốn kiếm hàng chục nghìn tỷ, mở hàng trăm điểm bán mới - Ảnh 3.

Các nhà bán lẻ nhận thấy xu hướng mua sắm của người dân đã có sự chuyển dịch từ trực tiếp sang trực tuyến. Ảnh: Hồng Phúc

Đại diện MM Mega Market cho biết nếu như trước đây, khách hàng doanh nghiệp bao gồm 3 nhóm khách hàng là HORECA (nhà hàng, khách sạn, căn tin), cửa hàng tạp hoá và công ty chỉ có thể đặt hàng qua những phương tiện truyền thống như email, gửi tin nhắn Zalo hay gọi điện trực tiếp đến bộ phận bán hàng thì giờ đây mô hình mới cho phép khách hàng B2B có một trải nghiệm mua hàng mới, tiện lợi, có thể xem giá, chương trình khuyến mãi…

Do đó, MM Mega Market mới đây đã giới thiệu website đặt hàng trực tuyến dành cho khối khách hàng chuyên nghiệp (B2B). Đây được xem là website đầu tiên trên thị trường dành cho đối tượng khách hàng doanh nghiệp.

"Thương mại điện tử đang ngày càng chiếm ưu thế trong cuộc sống hiện đại. Đặc biệt khi thế giới đã cùng nhau trải qua một thời gian dài chống chọi với đại dịch Covid-19 thì những hoạt động thương mại điện tử lại càng được phát huy tối đa", ông Bruno Jousselin - Tổng Giám đốc Điều hành của MM Mega Market Việt Nam, nhận định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem