"Đại gia" khu công nghiệp VSIP bị xử phạt hành chính

22/06/2023 18:19 GMT+7
Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước mới đây đã ban hành quyết định xử phạt hành chính với Công ty Liên doanh TNHH Khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) do công bố thông tin không đúng thời hạn.

Cụ thể, VSIP đã công bố thông tin bất thường về việc đã nhận Quyết định số 164/QĐ-XPHC của UBCKNN ban hành ngày 13/06/2023 về việc xử phạt vi phạm hành chính. Lý do bị phạt là VSIP gửi nội dung công bố thông tin định kỳ không đúng thời hạn theo quy định của pháp luật cho Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Tuy nhiên, VSIP không công bố rõ mức xử phạt là bao nhiêu.

Dữ liệu cho thấy, VSIP được thành lập vào năm 1996 với vốn điều lệ 946 tỉ đồng, trong đó, Tập đoàn Sembcorp Development (Singapore) sở hữu 51% vốn điều lệ, còn Tổng công ty Becamex IDC (Mã CK: BCM) sở hữu 49% vốn điều lệ.

Công ty VSIP là một trong những công ty liên doanh rất thành công trong việc đầu tư và phát triển hạ tầng khu công nghiệp tại Việt Nam, với 3 khu công nghiệp lớn được đánh giá là một trong những khu công nghiệp kiểu mẫu tại Việt Nam: VSIP I, VSIP II, VSIP II mở rộng và VSIP Bắc Ninh. Đồng thởi, VSIP cũng là một trong những khu công nghiệp dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài từ các công ty đa quốc gia phục vụ cho cả thị trường trong nước và xuất khẩu.

VSIP đang cung cấp hạ tầng sản xuất cho 882 khách hàng đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư 18 tỷ USD.

Doanh nghiệp đang vận hành và triển khai nhiều dự án khu công nghiệp trên cả nước như: 3 khu công nghiệp VSIP I,II,III tại Bình Dương, VSIP Bắc Ninh, VSIP Quảng Ngãi, VSIP Nghệ An, VSIP Hải Dương, Becamex VSIP Bình Định. Đồng thời, doanh nghiệp cũng phát triển các dự án bất động sản thương mại và khu dân cư.

Trong năm 2022, VSIP báo lãi 2.258 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2021. Vốn chủ sở hữu đạt trên 14.664 tỷ đồng, tăng 19% so với kỳ trước, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) cũng tăng từ 15,65% lên 16,73%.

Tại thời điểm cuối năm 2022, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu và dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu lần lượt ở mức 0,67 và 0,07, giảm nhẹ so với kỳ trước. Như vậy, nợ phải trả và dư nợ trái phiếu của VSIP lần lượt là 9.825 tỷ đồng và 1.026,5 tỷ đồng, tăng 14% và 4,1% so với kỳ trước. Tổng tài sản của VSIP đã lên đến gần 24.500 tỷ đồng.

Thông tin trên HNX cho thấy, VSIP hiện có một lô trái phiếu đang lưu hành mã VJVCH2128001 với giá trị 1.000 tỷ đồng, sẽ đáo hạn vào tháng 7/2028. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo. Lãi suất được cố định ở mức 9%/năm.

Số tiền thu được từ việc phát hành được sử dụng cho việc đầu tư vào các dự án VSIP III Bình Dương, VSIP Nghệ An và tăng quy mô hoạt động doanh nghiệp.

Có 7 tổ chức mua vào trong đợt này bao gồm một tổ chức tín dụng (mua 142,9 tỷ đồng), một công ty chứng khoán (142,9 tỷ), một quỹ đầu tư (142,9 tỷ) và 4 công ty bảo hiểm (mua tổng cộng 571,3 tỷ đồng).


O.L
Cùng chuyên mục