"Đại gia" ô tô đi xuất khẩu chuối: Hấp dẫn nhưng không dễ

Anh Thơ Thứ tư, ngày 27/03/2019 13:40 PM (GMT+7)
Với nhu cầu lên đến 15 triệu tấn/năm, Trung Quốc đang là điểm đến nhiều hứa hẹn của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu chuối. Nhưng, để đặt được bước chân vững chắc vào thị trường này, cần một cách làm bài bản.
Bình luận 0

Thêm đại gia trồng chuối

Sau Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), một “đại gia” của ngành chế tạo, lắp ráp ôtô chính thức đặt chân vào lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu chuối là Công ty CP Ôtô Trường Hải (THACO).

Theo đó, lô hàng chuối xuất khẩu đầu tiên của Công ty CP Sản xuất, chế biến và phân phối nông nghiệp THADI (thành viên của THACO) trị giá nửa triệu USD và điểm đến là Trung Quốc.  Lô hàng chuối này gồm 30 container với khối lượng 20 tấn/container.

img

Xuất khẩu chuối đang đứng trước nhiều cơ hội (sơ chế chuối tại nhà máy cảu HAGL). Ảnh: T.L

Theo ông Đỗ Xuân Diện - Chủ tịch HĐQT THADI, thời gian từ lúc trồng tới khi thu hoạch chuối là 9 tháng và THADI đang hướng tới mục tiêu xuất khẩu các sản phẩm ở cấp độ có chất lượng cao và giá tốt. Các container chuối được xuất khẩu  là sản phẩm vùng trồng của Tập đoàn HAGL.

Trước đó, Tập đoàn HAGL cũng đã tận dụng được khá nhiều cơ hội khi Trung Quốc cho phép nhập khẩu chuối từ Campuchia và lô hàng xuất khẩu chuối đầu tiên từ Campuchia sang Trung Quốc là của HAGL. Hiện, công ty này sở hữu khoảng 1.000ha diện tích trồng chuối tại các tỉnh đông bắc Campuchia thông qua 3 công ty thành viên. Đặc biệt, với khoản vốn đầu tư nhận được từ THACO, HAGL quyết định rót thêm 42 triệu USD đầu tư thêm trang trại trồng chuối tại tỉnh Ratanakkiri.

Không phải đơn giản mà những ông lớn như THACO hay HAGL tìm cách mở rộng diện tích trồng chuối để từng bước chiếm lĩnh thị trường lớn nhất nhì thế giới. Bởi, theo khảo sát của HAGL, nhu cầu chuối của thị trường Trung Quốc lên đến 15 triệu tấn/năm. Hiện, HAGL chỉ cung ứng được tối đa 240.000 tấn - con số quá nhỏ bé so với nhu cầu. Trong khi đó, chuối là loại cây dễ trồng, quay vòng vốn nhanh và đặc biệt là thị trường đang rộng mở.

img

Xuất khẩu chuối đang đứng trước nhiều cơ hội, góp phần giúp nông dân phát triển kinh tế. Ảnh: A.T

Không phải đơn giản mà những ông lớn như THACO hay HAGL tìm cách mở rộng diện tích trồng chuối để từng bước chiếm lĩnh thị trường lớn nhất nhì thế giới. Bởi theo khảo sát của HAGL, nhu cầu chuối của thị trường Trung Quốc lên đến 15 triệu tấn/năm.

Mở nhưng không dễ

Khảo sát của Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), dù nhu cầu tiêu thụ chuối của Trung Quốc tương đối lớn nhưng đây không còn là thị trường dễ dãi, nhất là từ năm 2019, thị trường này bắt đầu siết chặt các điều kiện quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đó là chưa kể, giá chuối tại Trung Quốc thường thiếu tính ổn định. Theo Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, từ tháng 1 - 2, chuối thường được giá, do ảnh hưởng nhu cầu tiêu thụ của Tết Âm lịch, đến tháng 3, giá chuối trên thị trường thường giảm do nguồn cung tăng từ địa phương chuyên canh chuối lớn của Trung Quốc như Vân Nam, Hải Nam khi thời tiết ấm dần lên và nguồn cung từ Myanmar, Lào.

Trong tháng 4 - 5, giá thường ổn định và có thể tăng nhẹ do thời điểm này nhu cầu tiêu thụ khá ổn định. Từ tháng 6 - 9, thời gian này Hải Nam vào cuối vụ, khu vực Quảng Đông, Phúc Kiến thay thế trở thành nguồn cung chính; do thời điểm này vào mùa mưa bão, nên giá chuối dao động theo diễn biến thời tiết.

Giai đoạn từ tháng 9 - 11, chủ yếu là nguồn cung chuối từ Quảng Tây. Với chất lượng được đánh giá khá cao do không bị ảnh hưởng của bệnh vàng lá hay thời tiết, nên giá chuối Quảng Tây tương đối cao và ổn định. Từ tháng 12 đến đầu năm sau là thời điểm nguồn cung và chủng loại hoa quả (trong đó có chuối) tại Trung Quốc đều thiếu do thời tiết giá lạnh nên giá cả thường tăng cao.

Có một thuận lợi và cũng là cơ hội cho nhiều doanh nghiệp là diện tích trồng và sản lượng chuối của Trung Quốc thời gian qua đang có xu hướng giảm với con số lên đến 25% (từ khoảng 430.000ha và sản lượng 12 triệu tấn của năm 2015 xuống còn 320.000ha, sản lượng 9 triệu tấn năm 2016).

Tuy vậy, xuất khẩu chuối nói riêng, trái cây nói chung sang Trung Quốc đang vấp phải những khó khăn về truy xuất nguồn gốc. Theo ông Võ Quan Huy - Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An - Mỹ Bình (tỉnh Long An), hàng xuất khẩu sang Trung Quốc đang chạy đua với quy định về truy xuất nguồn gốc, các lô hàng phải thể hiện vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói… để được thông quan.

Từ thực tế này, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp nên thông qua hệ thống các thương vụ, văn phòng Xúc tiến thương mại tại Trung Quốc khi xuất khẩu sang thị trường này. Về lâu dài, các doanh nghiệp Việt Nam muốn phát triển bền vững và phòng tránh rủi ro về mặt pháp lý cần xuất khẩu hàng hóa theo chính ngạch.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem