"Đại gia" sản xuất chip Qualcomm thừa nhận đang mong đợi Mỹ cấp giấy phép xuất khẩu cho Huawei

Thùy Dung
07/09/2019 16:50 GMT +7
Hôm 6/9, trả lời phỏng vấn CNBC, Chủ tịch hãng sản xuất chip điện thoại hàng đầu thế giới Qualcomm cho hay hãng đã gửi đơn xin cấp phép xuất khẩu cho Huawei và đang chờ đợi phản hồi từ Bộ Thương mại.

Huawei từng là một trong những đối tác lớn nhất của Qualcomm trước khi bị Mỹ đưa vào danh sách đen

Tại triển lãm điện tử tiêu dùng IFA (Berlin), Chủ tịch Cristiano Amon cho hay Qualcomm hiện đang chờ đợi Bộ Thương mại Mỹ cấp phép xuất khẩu các mặt hàng linh kiện điện tử, con chip cho Huawei. Kể từ khi Huawei lọt vào danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ hồi tháng 5, chỉ có những Doanh nghiệp Mỹ được cấp giấy phép xuất khẩu đặc biệt mới có thể tiếp tục duy trì hoạt động xuất khẩu công nghệ, linh kiện cho Huawei. Không may thay, Qualcomm không nằm trong số ít công ty đó. 

Sau cuộc gặp gỡ bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản hồi cuối tháng 6, Tổng thống Trump từng hứa hẹn sẽ cấp giấy phép xuất khẩu cho các doanh nghiệp Mỹ tiếp tục làm ăn với Huawei nếu không gây ra quan ngại nào với an ninh quốc gia. Kể từ đó đến hết tháng 8.2019, Bộ Thương mại Mỹ đã nhận được 130 đơn đề nghị cấp giấy phép xuất khẩu cho Huawei từ các công ty Mỹ, nhưng chưa một trường hợp nào được chấp thuận. Bộ này giải thích rằng quá trình đánh giá rủi ro an ninh quốc gia cần sự phối hợp của nhiều đơn vị khác nhau bao gồm cả Bộ Ngoại giao, do đó cần nhiều thời gian để đưa ra quyết định cấp phép. 

Tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, thời gian cấp phép kéo dài có thể còn do xung đột thương mại Mỹ Trung liên tục leo thang. Trong những ngày qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục tuyên bố Mỹ “không muốn làm ăn với Huawei”, viện dẫn những quan ngại an ninh quốc gia. “Huawei hiện là mối quan ngại lớn của quân đội và các cơ quan tình báo Mỹ. Chúng ta sẽ không làm ăn với Huawei… Hãy chờ xem những gì sẽ xảy đến với Trung Quốc. Huawei không phải vấn đề Mỹ muốn thảo luận hay thậm chí là nhắc đến vào lúc này” - ông Trump viết trên Twitter hôm 4.9. Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Qualcomm tỏ ra không chắc chắn về tình cảnh của Huawei cũng như khả năng được cấp phép xuất khẩu cho Huawei.

Liên quan đến năng lực phát triển mạng 5G của Huawei, ông Cristiano Amon nhận định: “Dù có hay không sử dụng cơ sở hạ tầng thiết bị mạng của Huawei, các nhà khai thác mạng vẫn sẽ triển khai kế hoạch ra mắt mạng 5G. Đó là nhu cầu của thị trường, và thế giới luôn tiến về phía trước bằng cách này hay cách khác.” Tuy nhiên, ông thừa nhận vị thế tiên phong của Huawei trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển 5G.

5G là mạng không dây thế hệ mới hứa hẹn thay thế cho mạng 4G với tốc độ truy cập Internet cực nhanh, độ trễ cực thấp và băng thông lớn. 5G được xem là tương lai của ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo AI và ứng dụng trong công nghệ như xe không người lái, smartphone… “Không giống như các thế hệ mạng khác, sự chuyển đổi sang mạng 5G đang diễn ra đồng thời trên toàn cầu” - ông Amon cho hay. 

Hôm 6/9, Huawei đã tiết lộ dòng con chip 5G sử dụng cho các thiết bị di động. Với bước tiến này, Huawei hiện vừa là đối tác, vừa là đối thủ cạnh tranh của Qualcomm. Qualcomm hiện nóng lòng nối lại quan hệ hợp tác với Huawei để “phát triển một hệ sinh thái 5G” đáp ứng nhu cầu toàn cầu. Tất nhiên, đây chỉ là kỳ vọng của Qualcomm. Bộ Thương mại Mỹ hiện vẫn chưa đưa ra phản hồi nào về giấy phép xuất khẩu cho Huawei.

Về phía Huawei, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc hôm 3/9 cáo buộc Chính phủ Mỹ gây áp lực bằng nhiều cách, bao gồm cả các “chiến lược vô đạo đức” để phá hoại hoạt động kinh doanh của đế chế này. “Chính phủ Mỹ đã tận dụng những ảnh hưởng chính trị và ngoại giao để vận động các đồng minh “đoạn tuyệt” với Huawei” - trích dẫn một phần trong tuyên bố của công ty công nghệ Trung Quốc. Huawei thậm chí cáo buộc Chính quyền Trump thực hiện nhiều cuộc tấn công mạng vào hệ thống dữ liệu nội bộ của Huawei, gây áp lực lên các cơ quan thực thi pháp luật về vụ kiện tụng với Huawei, dụ dỗ và kích động nhân viên Huawei chống lại công ty của họ.