"Đại hồng thủy" chưa từng có trong 40 năm càn quét Trùng Khánh (Trung Quốc)
Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, các cơ quan chức năng phải ban hành mức báo động ứng phó lũ lụt khẩn cấp ở cấp 1 - cấp cao nhất trong thang báo động 4 cấp tại Trung Quốc. Hàng nghìn cư dân phải sơ tán, nhiều cửa hàng, doanh nghiệp, khu vui chơi giải trí, danh lam thắng cảnh ven sông Dương Tử phải đóng cửa khi lũ lụt dâng cao.
Trận lũ lớn thứ năm trên sông Dương Tử trong năm nay đã đổ bộ vào Trùng Khánh sáng 20/8, cùng lúc với đợt lũ tràn về từ sông Gia Lăng - một nhánh phụ lưu của sông Dương Tử đi qua đoạn Trùng Khánh. Lũ đã nhấn chìm nhiều khu vực của Trùng Khánh, trong đó có trấn cổ Ciqikou, còn được mệnh danh là Tiểu Trùng Khánh hay con đường đá quý. Nhiều chủ cửa hàng trong trấn đã phải chuyển hết hàng hóa lên các tầng cao và đóng cửa kinh doanh từ đầu tuần.
Cũng trong buổi sáng 20/8, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã có mặt tại Trùng Khánh để tham gia chỉ đạo, đánh giá công tác ứng phó với lũ lụt. Ông Lý ghé thăm làng Shuangba, huyện Đồng Nam, một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất do lũ lụt ở Trùng Khánh. Những cánh đồng đã ngập trong biển nước mênh mông, nhà cửa cũng chìm trong nước. Hơn 8.000 người dân Shuangba chịu thiệt hại đe dọa trực tiếp đến sinh kế.
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lại nhiều hình ảnh, video được người dân Trung Quốc chia sẻ trên các trang mạng Internet cũng cho thấy nhiều hình ảnh Trùng Khánh chìm trong biển nước. Một video thậm chí quay cảnh nước đã tràn vào sảnh khách sạn Hilton sang trọng nằm ở đường Nanbin, quận Nanan. Hiện đại diện khách sạn chưa phản hồi về thông tin này.
Lối đi bộ và nhiều tuyến đường ven sông ở Trùng Khánh đều đã ngập sâu, chỉ còn thấy những tán cây lấp ló trên mặt nước. Hơn 2.000 tình nguyện viên, lực lượng chức năng đang túc trực ở các đê, đập và tuyến đường ven sông.
Ông Wang Shiping, một quan chức phụ trách các vấn đề khẩn cấp ở Trùng Khánh cho hay thành phố đang phải đối mặt với trận lũ kỷ lục dù mưa lớn không xuất hiện trong vài ngày qua. Theo ông Wang, lượng nước chủ yếu đổ về từ thượng nguồn sông Dương Tử, nơi đang phải hứng chịu mưa lớn kéo dài nhiều ngày.
Hơn 3/4 diện tích siêu đô thị Trùng Khánh được xây dựng trên các sườn đồi, với hơn 550 con sông và phụ lưu lớn nhỏ đổ vào thành phố, nguồn tin từ tờ Tân Hoa xã cho hay. Trùng Khánh cũng nằm trong vành đai khí hậu gió mùa cận nhiệt đới, với 60-85% lượng mưa hàng năm rơi vào mùa lũ.
Ngay cạnh Trùng Khánh, tỉnh Tứ Xuyên hiện cũng vừa nâng mức báo động ứng phó với lũ lụt từ cấp 4 lên cấp 1. Bộ Tài Nguyên nước từ đầu tuần đã ban hành thông báo kêu gọi chính quyền Trùng Khánh và các tỉnh dọc thượng nguồn sông Dương Tử cảnh giác với lũ lụt trên diện rộng.
Không riêng Trùng Khánh, nhiều khu vực khác của Trung Quốc cũng đang đối diện với nguy cơ lũ lụt nghiêm trọng. Hôm 18/8, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đến thăm tỉnh An Huy phía đông Trung Quốc, nơi hạ lưu sông Dương Tử, một trong những tỉnh thiệt hại nặng nề sau những đợt xả lũ liên tiếp của đập Tam Hiệp. Ông Tập đã dừng chân tại đập Wangjiaba trên sông Hoài và nhiều khu vực bị ảnh hưởng khác, đồng thời kêu gọi hiện đại hóa phương pháp đối phó, phòng chống lũ lụt.
Kể từ đầu mùa lũ đến nay, Trung Quốc xác nhận 219 người chết hoặc mất tích cùng 63 triệu cư dân bị ảnh hưởng trực tiếp do lũ lụt, gây thiệt hại ước tính lên tới 25 tỷ USD.