Thừa nhận biến dạng, Trung Quốc yêu cầu "giám sát chặt chẽ" đập Tam Hiệp

23/07/2020 18:13 GMT+7
Hôm 23/7, Trung tâm Khí Tượng Trung Quốc tiếp tục phát đi cảnh báo nguy cơ thiên tai, lũ lụt tại nhiều khu vực khác của đất nước như Tây Nam tỉnh Tứ Xuyên và Tây Bắc tỉnh Cam Túc khi mưa lớn tiếp tục kéo dài.

Theo cảnh báo của cơ quan Khí tượng Trung Quốc, một số khu vực khác thuộc bờ biển phía Đông bao gồm vịnh Bột Hải, Sơn Đông và Giang Tô cũng có nguy cơ hứng chịu mưa lớn dữ dội cùng gió bão trong vài ngày tới.

Các thành phố cảng Thanh Đảo và Nhật Chiếu nằm ven biển phía Đông hôm 22/7 đã chứng kiến lượng mưa hàng ngày kỷ lục trong khi các tỉnh Giang Tây và An Huy thuộc lưu vực sông Dương Tử đã nhận được báo động đỏ vào sáng 23/7 khi mực nước lũ tiếp tục dâng cao.

Theo Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc, tính đến nay, 93 con sông tại nước này vẫn đang trong tình trạng lũ lụt trên mức cảnh báo.

Thừa nhận biến dạng, Trung Quốc yêu cầu "giám sát chặt chẽ" đập Tam Hiệp - Ảnh 1.

Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc yêu cầu "giám sát chặt chẽ" đập Tam Hiệp khi nước lũ dâng cao

Bộ này đồng thời lưu ý rằng Đập Tam Hiệp lớn nhất Trung Quốc cần phải được "giám sát chặt chẽ" trong bối cảnh nước lũ dâng cao. “Tình hình lũ lụt hiện tại vẫn còn đang vô cùng nghiêm trọng, không được lơi lỏng trong mọi trường hợp”, trích thông cáo phát đi của Bộ Tài nguyên nước.

Tại một số khu vực khác, chính quyền địa phương đã ra lệnh sơ tán khẩn cấp người dân do nguy cơ sạt lở đất, vỡ đê và lũ quét tràn xuống từ thượng nguồn.

Chính quyền Bắc Kinh cũng tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp khoa học nhằm kiểm soát lũ hiệu quả, đồng thời tận dụng hệ thống cảnh báo sớm tại các đập, hồ chứa nước để giảm thiểu tối đa mức thiệt hại. 

Kể từ khi mưa lũ bắt đầu hồi tháng 6 đến nay, theo nguồn tin của Tân Hoa Xã, đã có tới 142 người chết hoặc mất tích cùng 45 triệu dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Tổng thiệt hại kinh tế trực tiếp ước tính 160 tỷ NDT (22,84 tỷ USD).

Các chuyên gia nhận định rằng lượng mưa lớn trong nhiều thập kỷ tại Trung Quốc đã cho thấy sự phụ thuộc quá mức của nước này vào các công trình khổng lồ như đập Tam Hiệp.

Đập Tam Hiệp hoàn thành có chiều cao 185m, rộng 1.983m với diện tích mặt hồ chứa là 1.060km2, công suất 39.300 triệu m3 nước và tốc độ dòng chảy tối đa 100.000m3/s. Đây được coi là minh chứng cho tham vọng của chính phủ Bắc Kinh trong việc xây dựng trạm thủy điện lớn nhất thế giới, cung cấp nguồn năng lượng sạch với giá rẻ cho thị trường tỷ dân; và quan trọng hơn cả ngăn chặn những trận lũ lụt khủng khiếp trên sông Dương Tử vốn đã trở thành nỗi trăn trở của nhiều triều đại Trung Quốc.

Con đập này lâu nay đã đối diện với sự nghi ngờ của nhiều chuyên gia quốc tế về khả năng điều tiết lượng nước, giảm thiểu lũ lụt cũng như nguy cơ biến dạng và vỡ đập. Trong một lần hiếm hoi mới đây, tờ Tân Hoa Xã mới dẫn lời tập đoàn Tam Hiệp - đơn vị phụ trách quản lý đập Tam Hiệp, cho biết một số phần ngoại vi của đập thủy điện lớn nhất hành tinh bị vênh. "Sự biến dạng nhẹ" của đập Tam Hiệp xảy ra hôm 18/7 sau khi đợt lũ từ các tỉnh thành phía tây, dọc thượng nguồn sông Dương Tử như Tứ Xuyên hay Trùng Khánh đạt đỉnh ở mức kỷ lục 61.000 m3/s, theo tập đoàn Tam Hiệp.

Đơn vị quản lý đập Tam Hiệp còn lưu ý các phần của con đập bị biến dạng nhẹ, tác động tới một số cấu trúc ngoại vi, và việc các bức tường của đập bị thấm nước cũng được ghi nhận trong 2 ngày cuối tuần qua khi nước lũ được giải phóng. Tuy nhiên, tình trạng tường bị thấm nước không kéo dài lâu. Tờ Tân Hoa xã nhấn mạnh, mọi số liệu của đập Tam Hiệp vẫn đạt tiêu chuẩn và biến dạng nhẹ nằm trong tính toán khi thiết kế đập.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục