Đại sứ Phạm Quang Vinh: ASEAN không thể mắc bẫy nỗi sợ cạnh tranh nước lớn

Mỹ Hằng (thực hiện) Thứ năm, ngày 20/08/2020 06:00 AM (GMT+7)
Nếu không lên tiếng về những gì ảnh hưởng đến lợi ích của mình, ASEAN đã tự chọn bên trong quan hệ với các nước lớn, và điều đó tổn hại vô cùng đến lợi ích, vai trò của ASEAN - Đại sứ Phạm Quang Vinh, Cố vấn cao cấp Ban Thư ký Quốc gia ASEAN 2020 nhận xét.
Bình luận 0

Khuynh hướng áp đặt cường quyền

Đây là thời điểm cực kỳ quan trọng với ASEAN, khi đối mặt với nhiều thách thức chưa từng có, nhất là cuộc cạnh tranh kiểu mới Mỹ - Trung. ASEAN phải tự mạnh lên, tự thúc đẩy liên kết, vai trò của mình – Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Trưởng đoàn Quan chức cấp cao Việt Nam tại ASEAN nhận xét.

Nhấn mạnh đến vai trò trung tâm của ASEAN, quan hệ ASEAN với các đối tác, Đại sứ Phạm Quang Vinh cho rằng ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu.

ASEAN đã duy trì quan hệ với các nước đối tác để họ ủng hộ ASEAN xây dựng cộng đồng, tham gia vào xây dựng tương tác giữa ASEAN, tương tác giữa ASEAN với các nước lớn. ASEAN đã mở rộng khuôn khổ của mình, từ ASEAN+1 trở thành ASEAN+3, đặc biệt là Cấp cao Đông Á, những đối tác lớn nhất của ASEAN đồng thời là các nước hàng đầu thế giới. ASEAN cùng các nước đó không chỉ tương tác mà còn xây dựng chương trình nghị sự cùng phát triển, hợp tác xây dựng khu vực. Các nước đó gắn kết với khu vực hơn và ASEAN nói lên tiếng nói của mình nhiều hơn. Thêm nữa, từ khi có hiến chương, cộng đồng, bộ máy mới, ASEAN đã tạo dựng được nền nếp hoạt động làm sao hiệu quả hơn, đồng thuận hơn.

Đại sứ Phạm Quang Vinh: ASEAN không thể mắc bẫy nỗi sợ cạnh tranh nước lớn - Ảnh 1.

Đại sứ Phạm Quang Vinh. Ảnh: Phạm Hưng.

Tuy nhiên ASEAN đang đối mặt với những thách thức lớn cả nội tại và bên ngoài.

"Bên ngoài có thách thức cực kỳ khác trước, cạnh tranh nước lớn; nhiều chiều hướng ảnh hưởng đến tập hợp của các nước nhỏ và vừa trong cục diện quốc tế và khu vực" – Đại sứ nói. Ông nhắc đến sự nổi lên của khuynh hướng giảm nhẹ chủ nghĩa đa phương; khuynh hướng chống thuận lợi thương mại, mở cửa thương mại và toàn cầu hóa, quay về bảo hộ.

"Ngoài ra còn có khuynh hướng cường quyền và áp đặt cường quyền thông qua quan hệ song phương" – Đại sứ nói.  "Những câu chuyện tưởng rằng trước nhất trí và quan tâm giờ lại đảo ngược lại, trong đó là biến đổi khí hậu, vai trò trung tâm của WTO và hệ thống đa phương trong thương mại quốc tế" - Đại sứ cho biết.

Khoa học công nghệ 4.0 cũng được xem là một thách thức mới. Trong khi nhiều người chỉ nhìn nhận nó là cơ hội, nhưng thực tế để tranh thủ cơ hội đó, ta phải ứng xử có hiệu quả với những thứ đột ngột ngắt quãng và thay đổi sâu sắc. "Những thay đổi đó nếu không bắt kịp thì sự tụt hậu sẽ lớn hơn nhiều so với tụt hậu của cách mạng công nghệ trước đây, đó là thách thức với các nước nhỏ mà ASEAN là tập hợp" – Đại sứ cảnh báo.

Cạnh tranh 2.0

Đặc biệt lưu ý đến câu chuyện cạnh tranh Mỹ - Trung trong những thách thức mà ASEAN phải đối mặt, Đại sứ Phạm Quang Vinh cho rằng sự cạnh tranh này đã khác hẳn, khi hai nước nhìn nhận nhau khác đi.

Ông phân tích: "Mỹ nhận ra sự vươn lên của Trung Quốc qua 4 thập kỷ lại quay lại thành mối đe dọa với lợi ích của nước Mỹ, với vai trò và trật tự toàn cầu mà Mỹ muốn. 

"ASEAN không chọn bên trong cạnh tranh nước lớn, nhưng ASEAN phải trung lập một cách tích cực; không đứng bên này chống bên kia nhưng phải căn cứ lợi ích của ASEAN để xem xét những gì ảnh hưởng đến lợi ích đó" - Đại sứ Phạm Quang Vinh.

Từ năm 1972 chính sách của Mỹ là can dự để Trung Quốc mở cửa, tham gia vào thế giới hiện đại, là thành viên có trách nhiệm của thế giới hiện đại, nhưng bây giờ thì không phải vậy.

Giờ đây,  lần đầu tiên Mỹ xem Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược hàng đầu giành ngôi vị số 1 thế giới, từng bước Mỹ mở rộng hơn, căng hơn trong cạnh tranh với Trung Quốc, biểu hiện trên tất cả lĩnh vực.

Sự thay đổi của Trung Quốc rất căn bản. Trung Quốc vốn giấu mình chờ thời, tranh thủ Mỹ và phương Tây để phát triển vượt lên, nhưng giờ đây họ muốn thành số 1 trong tham vọng toàn cầu, muốn thay đổi những gì không hợp với mình trong khu vực và thế giới.

Trung Quốc mạnh là một thực tế, nhưng việc họ chưa giành được lòng tin cũng là thực tế, chẳng hạn trong lĩnh vực đầu tư hay vấn đề Biển Đông. Trung Quốc trước đây nhìn nhận Mỹ vừa là hợp tác vừa là đấu tranh, nhưng giờ đây họ biết chắc chắn Mỹ chỉ kiềm chế mình thôi.

Những sự nhìn nhận đó làm phức tạp hơn sự cạnh tranh giữa hai bên, ngoài ra lại có thêm hai yếu tố làm phức tạp hơn nữa là nội bộ Trung Quốc và bầu cử Mỹ".

Đại sứ Phạm Quang Vinh: ASEAN không thể mắc bẫy nỗi sợ cạnh tranh nước lớn - Ảnh 2.

Tổng thống Trump đã "tuyên chiến" trong lĩnh vực công nghệ với Trung Quốc.

Đại sứ Phạm Quang Vinh đánh giá rằng, cuộc cạnh tranh đó sẽ tác động đến quá trình điều chỉnh, cải tổ các quan hệ quốc tế, các tổ chức quốc tế, luật chơi quốc tế.

"Hình như đang có cuộc cạnh tranh 2.0 - cạnh tranh kiểu mới. Trong chính trị thực tế chỉ có một cuộc Chiến tranh tranh Lạnh Mỹ - Liên Xô. Với Mỹ - Trung, khác biệt lớn nhất là không lập 2 hệ thống chiến lược và triệt tiêu nhau bằng mọi giá" – Đại sứ nói.

"Hai nước vẫn phải quan hệ với nhau vì sự tương tác và hội nhập quá lớn. Về lâu dài họ vẫn có thỏa thuận với nhau, nhưng trong quá trình đó hai bên chung sống như thế nào. Cả hai không muốn và không định bỏ tiền ra lập 2 hệ thống đối nghịch, họ cũng không đủ lực và không ép được các nước khác chạy theo như xưa.

Chính những điều đó tạo không gian cho các nước khác, bao gồm cả ASEAN, phải ứng xử như thế nào, tham gia cuộc chơi như thế nào, có phải chọn bên hay không, đó là thách thức lớn nhất với ASEAN.

Thứ hai là vấn đề phục hồi như thế nào sau Covid-19. Các nước ra khỏi dịch theo cách khác nhau, có những nước vẫn bê bối vì đại dịch, trong khi Trung Quốc về cơ bản đã ra khỏi dịch.  Đại sứ cho rằng, sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng toàn cầu liên quan đến sức ép chính trị là một phần, nhưng theo các học thuyết kinh tế, nơi nào ổn định nhiều hơn thì nhà đầu tư đến nhiều hơn.

Phần giá trị cao là Trung Quốc đã ra khỏi dịch và có 4 thập kỷ đổi mới, thì phần thấp sẽ ra chỗ khác. ASEAN sẽ đi vào phần thấp của chuỗi cung ứng toàn cầu nếu không nâng tầm mình lên.

Hậu Covid-19  gắn với quá trình phát triển của ASEAN. Chúng ta muốn kết nối với các trung tâm lớn của thế giới, nhưng ra khỏi dịch chúng ta phải nối lại liên kết nội khối bị gián cách do đóng cửa biên giới, do giãn cách xã hội, có thể nhập vào chuỗi cung ứng ở phần này hay phần kia là câu hỏi lớn" – ông cho biết.

Nguy cơ mắc bẫy nỗi sợ cạnh tranh

Chỉ ra những thách thức nội tại ASEAN đang đối mặt, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao nói: Hình như liên kết ASEAN về mọi mặt, kể cả kinh tế, mới theo chiều rộng. Nhưng để thực sự nhân lên, gắn bó với nhau thì ASEAN phải liên kết cao hơn, phải bước sang giai đoạn hội nhập mới, không chỉ là xóa bỏ hàng rào thuế quan mà phải nâng chất lượng liên kết kinh tế của mình để gắn kết với nhau nhiều hơn, làm vậy mới đi vào được chuỗi cung ứng toàn cầu ở phân khúc giá trị cao hơn.

Vấn đề nội tại muôn thủa thứ hai, theo ông Phạm Quang Vinh, là có đoàn kết được không. Nếu không thúc đẩy được lợi ích song trùng và gắn kết với nhau, thì càng cạnh tranh lợi ích càng bị phân hóa. Nguyên tắc của ASEAN với cuộc cạnh tranh nước lớn chắc chắn phải bàn. ASEAN không chọn bên trong cạnh tranh nước lớn, nhưng ASEAN không thể trung lập một cách bình thường, mà là trung lập một cách tích cực; không đứng bên này chống bên kia nhưng phải căn cứ lợi ích của ASEAN để xem xét những gì ảnh hưởng đến lợi ích đó.

Đại sứ Phạm Quang Vinh: ASEAN không thể mắc bẫy nỗi sợ cạnh tranh nước lớn - Ảnh 3.

Đại sứ Phạm Quang Vinh. Ảnh: Phạm Hưng.

Nhắc tới việc gần đây các bên Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia… đều nêu ra một loạt sáng kiến của mình, Đại sứ Phạm Quang Vinh cho rằng,  có nhiều người cho rằng đó là những sáng kiến cạnh tranh để kiềm chế bên kia. Tuy nhiên ông đưa ra góc nhìn khác.

"ASEAN đừng mắc bẫy nỗi sợ cạnh tranh đó. ASEAN cần bàn bạc kỹ lưỡng với nhau, mổ xẻ trong sáng kiến của mỗi bên có  gì song trùng lợi ích, có gì chưa rõ, có gì kéo ASEAN vào bẫy bất lợi, vào cuộc cạnh tranh. ASEAN phải dựa trên lợi ích của mình để xem trong các sáng kiến nào có thuận thì ủng hộ, không thuận thì phải có tiếng nói".

Ông chỉ rõ: Trung Quốc lâu nay áp đặt tiếng nói của họ, từ vấn đề đường lưỡi bò, thành lập Tam Sa Tứ Sa, xâm phạm lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế các nước, trái với Quy tắc ứng xử Biển Đông (DOC ) và Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Về phía Mỹ, họ lên tiếng và có hành vi không chấp nhận đòi hỏi đó của Trung Quốc. Mỹ tăng cường hiện diện quốc phòng an ninh ở Biển Đông khiến nhiều người lo ngại nguy cơ bùng nổ chiến tranh.

Mục tiêu chung lớn nhất của tất cả các bên là hòa bình, ổn định, an toàn an ninh hàng hải. Khi Trung Quốc đối thoại xây dựng lòng tin thì chúng ta ủng hộ, nhưng khi Trung Quốc vi phạm, xâm phạm lãnh hải của Việt Nam thì chúng ta phải có tiếng nói.

Mỹ gia tăng ủng hộ tự do hàng hải, an ninh hàng hải là bình thường, nhưng nếu điều đó có nguy cơ dẫn tới xung đột thì chúng ta cũng phải cảnh báo.

Có một điều ASEAN luôn coi là nguyên tắc: Ủng hộ luật pháp quốc tế và UNCLOS.

Trung lập một cách tích cực

Trong bối cảnh đó, Đại sứ Phạm Quang Vinh nhắc tới những động thái mà Việt Nam và ASEAN cần theo đuổi. Việt Nam có những điều cốt lõi trong chính sách đối ngoại cần phát huy: Đó là các nguyên tắc về hòa bình, độc lập tự chủ, quan hệ tốt với các nước, đa dạng hóa quan hệ  - chủ trương đó càng lúc này càng đúng. Việt Nam cũng ủng hộ luật pháp quốc tế và chủ nghĩa đa phương; tiếp tục cải cách mở cửa và nâng cao chất lượng hội nhập kinh tế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó, một ASEAN mạnh, đoàn kết, có vai trò trung tâm, thực tế sẽ gắn rất sát với môi trường và lợi ích quốc gia của Việt Nam. 

"Trong lịch sử của ASEAN có lúc ASEAN đứng bên này hay bên kia mà không dựa trên nguyên tắc và lợi ích tập thể của khu vực, đã gây bất lợi cho họ" - Đại sứ Phạm Quang Vinh.

Đại sứ cho rằng, ASEAN gồm những nước nhỏ, không đủ lực cản trở hay thay đổi những gì Mỹ - Trung đang làm, nhưng hai thứ ASEAN có thể làm được: Đó là có thể bày tỏ sự quan tâm, và thứ hai, ASEAN còn các đối tác khác tạo thành tổng thể tiếng nói, để các nước lớn cạnh tranh nhau nhưng vẫn phải nghe người khác. ASEAN phải căn cứ lợi ích cả tập thể khu vực, căn cứ những nguyên tác của mình để nói lên đúng sai, lợi hại.

Bên cạnh đó, thế giới ngày nay không chỉ buộc ta lựa chọn giữa Mỹ - Trung mà có nhiều giải pháp đa phương khác ASEAN không chỉ tương tác với Trung Quốc và Mỹ mà phải tương tác nhiều hơn với nước khác như Ấn Độ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand…  

Đại sứ nói thêm:  ASEAN không tự vươn lên thì tụt hậu. Hội nhập không chỉ là theo chiều dọc, xóa bỏ hàng rào thuế quan, mà thế giới đang hội nhập theo chiều sâu với những tiêu chuẩn môi trường, lao động tốt hơn… ASEAN phải vươn lên và sẽ có thuận lợi nếu vươn lên: Khi đó chính mình có vị trí ở phần giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu, mà còn tham gia là tác nhân vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Với 2 điều này ASEAN sẽ đa dạng hóa quan hệ, không lệ thuộc vào ai, sẽ có tiếng nói quan trọng.

Trong quan hệ của các nước lớn, còn một hệ quả nữa với ASEAN: "Nếu thấy đúng sai và ảnh hưởng đến lợi ích chung mà không lên tiếng, thì tự anh đã đứng về bên này bên kia" – Đại sứ Phạm Quang Vinh nói. "Nhưng trong kinh nghiệm, trong lịch sử của ASEAN có lúc ASEAN đứng bên này hay bên kia mà không dựa trên nguyên tắc và lợi ích tập thể của khu vực, đã gây bất lợi cho họ. Hơn bao giờ hết lúc này ASEAN chơi với 2 nước và với tất cả, nhưng phải dựa trên lợi ích tập thể và giá trị của ASEAN theo một cách trung lập tích cực" - Đại sứ cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem