Đại tướng quân nhà Trần qua 3 đời vua, Thượng hoàng Nhân Tông đi tu bèn xin cáo quan về quê Nam Định

Cổng TTĐT Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Nam Định Thứ năm, ngày 02/03/2023 05:00 AM (GMT+7)
Mảnh đất Đô Quan (làng Đô Quan, xã Yên Khang, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) là quê hương của Thân vệ đại tướng quân Trần Nhân Trứ, một danh tướng thời Trần. Ông có nhiều công lao trong các trận đánh của quân dân nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ XIII.
Bình luận 0

Làng Đô Quan, xã Yên Khang, huyện Ý Yên (tỉnh Nam Định) ngày nay, xưa kia có tên là Quán Đổ Phường, đến thời Lê Hồng Đức thứ 3 (1472) đổi thành Đô Quan, với nghĩa là nơi tụ hội mọi sự tốt đẹp. 

Mảnh đất Đô Quan là quê hương của Thân vệ đại tướng quân Trần Nhân Trứ, một danh tướng thời Trần, người có nhiều công lao trong các trận đánh của quân dân nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ XIII.

Đại tướng quân nhà Trần qua 3 đời vua, Thượng hoàng Nhân Tông đi tu bèn xin cáo quan về quê Nam Định - Ảnh 1.

Đình, chùa Đô Quan, làng Đô Quan, xã Yên Khang, huyện Ý Yên (tỉnh Nam Định). Làng Đô Quan là quê hương của Thân vệ đại tướng quân Trần Nhân Trứ, tướng tài có công lao đánh thắng giặc Nguyên Mông thời nhà Trần. Ảnh: Chonthieng.

Theo các nguồn tư liệu, danh tướng Trần Nhân Trứ sinh ngày 10 tháng 2 năm 1221, niên hiệu Kiến Gia thời vua Lý Huệ Tông. Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã nổi tiếng thông minh, có biệt tài đánh đàn và chơi cờ nên người đương thời suy tôn, gọi là “đàn tiên, cờ trạng”.

Lớn lên, Trần Nhân Trứ am hiểu binh pháp, giỏi võ nghệ và có sức khỏe hơn người nên khi triều đình tuyển chọn nhân tài, ông về triều tham gia ứng thí được vua Trần Thái Tông ban làm Túc vệ thượng đô.

Niên hiệu Thiên Ứng Chính Bình 11 (1242), vua Trần Thái Tông cử ông đi trấn giữ vùng biên giới phía Bắc. Sau nhiều năm giữ yên biên cương cho Tổ quốc, ông có lệnh triệu về triều. Sau này, ông còn hộ giá Hoàng đế Trần Thánh Tông đánh dẹp giặc ở động Nẫm Bà La, lộ Bố Chính (nay thuộc tỉnh Quảng Bình).

Trong ba cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông, Thân vệ đại tướng quân Trần Nhân Trứ đều lập được nhiều công trạng, được ghi vào sách Trung hưng thực lục.

Thân vệ đại tướng quân Trần Nhân Trứ, làm quan trải qua các triều vua: Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông và lập được nhiều công lớn trong việc trấn ải biên cương, thống lĩnh đội quân túc vệ bảo vệ kinh thành, đánh giặc ngoại xâm và trừ nội loạn. 

Đặc biệt, ông đã góp phần công sức cùng vương triều nhà Trần ba lần kháng chiến đánh thắng đế quốc Nguyên Mông giành độc lập cho dân tộc. Công lao của ông đã được lịch sử ghi chép và nhân dân ghi nhận.

Niên hiệu Hưng Long thứ 7 (1299), Thượng hoàng Nhân Tông lên núi Yên Tử tu hành, Thân vệ đại tướng quân Trần Nhân Trứ xin cáo quan về quê sinh sống. Trong thời gian sinh sống ở quê nhà, Trần Nhân Trứ cho xây dựng chùa thờ Phật ở phía tây khu dinh thự để nhân dân tụng kinh, lễ Phật.

Thân vệ đại tướng quân Trần Nhân Trứ mất ngày 14 tháng 7 năm Quý Sửu (1313) để lại niềm tiếc thương vô hạn cho nhân dân địa phương. Vua Trần Minh Tông sai thừa Chính sứ Nguyễn Từ Loa và thiền sư Quách Nhẫn về làm lễ cầu siêu, phong cho ông làm Phúc thần.

Hiện nay, tại đình Đô Quan, xã Yên Khang, huyện Ý Yên nơi thờ Thân vệ đại tướng quân Trần Nhân Trứ còn nhiều câu đối, đại tự được sơn son thếp vàng rực rỡ với nội dung ca ngợi công lao giúp nước giúp dân của ông, trong đó có đôi câu đối:

“Đại tướng phù Trần, trung nghĩa nhất tâm bình Nguyên khấu

Trung thần cứu quốc, anh hùng vạn cổ chấn Nam thiên”.

Dịch nghĩa

Đại tướng giúp nhà Trần, một lòng với vua đánh giặc Nguyên,

Là bậc trung thần giúp nước, nghìn năm nêu gương anh hùng trời ở Nam.

Hàng năm, để ghi nhớ công đức của Thân vệ đại tướng quân Trần Nhân Trứ, tại di tích đình Đô Quan, trong các ngày từ 23 đến ngày 26 tháng 11 âm lịch nhân dân địa phương long trọng tổ chức lễ hội.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem