Đắk Nông: Rừng tự nhiên "trong trắng, ngoài xanh", nhiều doanh nghiệp bị đề nghị thu hồi dự án

03/08/2021 06:58 GMT+7
Diện tích rừng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông ngày càng suy giảm nghiêm trọng vì rất nhiều nguyên nhân, nhưng không thể phủ nhận rằng các cơ quan chức năng của tỉnh này đang rất "thờ ơ" trong công tác quản lý và bảo vệ rừng.

Buông lỏng quản lý, rừng tự nhiên bị tàn phá, lấn chiếm nghiêm trọng

Đắk Nông: Rừng tự nhiên "trong trắng, ngoài xanh", nhiều doanh nghiệp bị đề nghị thu hồi dự án - Ảnh 1.

Những cánh rừng bị phá tan hoang, người dân lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy - Ảnh: N.G

Trong những năm qua, việc quản lý, sử dụng đất, rừng của một số Công ty nông lâm nghiệp, Ban quản lý rừng Các Công ty nông lâm nghiệp, doanh nghiệp được giao đất, cho thuê đất bị buông lỏng, để người dân xâm chiếm, nhưng chưa được xử lý dứt điểm; tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng diễn biến phức tạp cả về tính chất vi phạm và mức độ thiệt hại; tình trạng khiếu kiện tranh chấp đất đai diễn biến phức tạp.

Từ năm 2017 đến nay, theo báo cáo của UBND tỉnh Đắk Nông, ngành chức năng tỉnh Đắk Nông đã lập biên bản 3.733 vụ vi phạm trong lĩnh vực Lâm nghiệp. Cụ thể: Phá rừng trái pháp luật: 1.920 vụ, diện tích 684,314 ha; Lấn chiếm đất rừng: 147 vụ, diện tích 64,746 ha; Khai thác rừng trái pháp luật: 317 vụ, khối lượng 1.062,352 m3; vi phạm quy định về PCCCR: 13 vụ, diện tích 5,973 ha, vận chuyển lâm sản trái pháp luật: 551 vụ; tang trữ, mua bán, chế biến lâm sản trái pháp luật: 602 vụ.

Theo tổng hợp báo cáo của các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông, tính đến tháng 5/2018, một số Công ty nông lâm nghiệp, Ban quản lý rừng đang quản lý, sử dụng đã buông lỏng quản lý để diện tích đất, rừng bị xâm chiếm lớn, như: Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng 4.805,6 ha/8.261,69 ha (tỷ lệ 58,16%); Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đức Hòa 5.383,67 ha/10.338,15 ha (tỷ lệ 52,07%); Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đắk Măng (nay là BQL rừng phòng hộ Đắk Măng) 2.346,52 ha/6.567,31 ha (tỷ lệ 35,7%); Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đắk mao 3.335,17 ha/11.190,15 ha (tỷ lệ 29,8%); Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Quảng Sơn 3.690,63 ha/13.018,76 ha (tỷ lệ 28,34%); Trung đoàn 726 (Binh đoàn 16 1.820ha/4.471,58 ha (tỷ lệ 40,7%).

Giao đất không đúng quy định

Đắk Nông: Rừng tự nhiên "trong trắng, ngoài xanh", nhiều doanh nghiệp bị đề nghị thu hồi dự án - Ảnh 2.

Rừng tự nhiên bị tàn phá thay vào đó là rẫy cà phê của người dân lấn chiếm - Ảnh: N.G

Đến tháng 5/2018 có 52 công ty, doanh nghiệp tư nhân được UBND tinh Đắk Nông giao, cho thuê đất, thuê rừng có nguồn gốc từ các nông, lâm trường sau khi thực hiện sắp xếp, đổi mới để thực hiện 54 dự án đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp, khoanh nuôi quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng và trồng cây công nghiệp, với tổng diện tích 44.520,8 ha. 

Trong đó có 44 dự án nông lâm nghiệp của 43 Công ty, doanh nghiệp đã thực hiện với tổng diện tích đất, rừng được thuê 33.937,5 ha đất (khoanh nuôi, quản lý, bảo vệ rừng 16.102,0 ha; trồng rừng 11.353,12 ha; trồng cao su 4.439,3 ha; trồng cây khác 1.280,2 ha; quy hoạch khác 762,9 ha)

Từ 01/7/2015 đến tháng 5/2018, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 21 dự án nông, lâm nghiệp, nhưng có 18 dự án không được thẩm định về điều kiện giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất là không đúng quy định tại điêm đ, Khoản 6, Điều 33 Luật Đầu tư năm 2014; 

Ngoài ra, có 02 đơn vị không thực hiện ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án (Công ty TNHH TMDVKS Phú Gia Phát, Hợp tác xã Nông nghiệp TMDV Hợp Tiến) nhưng vẫn được UBND tỉnh cho thuê đất thực hiện dự án là không đúng quy định tại Khoản 1, Điều 42 của Luật Đầu tư năm 2014.

Chủ rừng không có năng lực

Đắk Nông: Rừng tự nhiên "trong trắng, ngoài xanh", nhiều doanh nghiệp bị đề nghị thu hồi dự án - Ảnh 3.

Những cây rừng cao hàng chục mét bị lâm tặc cưa hạ tại Lâm phần Công ty cổ phần Thiên Sơn quản lý - Ảnh: N.G

Các doanh nghiệp được thuê đất, rừng, nhưng không đủ năng lực thực hiện dự án, kinh nghiệm quản lý bảo vệ rừng, sử dụng đất, rừng kém hiệu quả; không triển khai thực hiện dự án, buông lỏng quản lý đã để người dân lấn, chiếm, sử dụng đất sai mục đích, sang nhượng đất, rừng bất hợp pháp; phát sinh tranh chấp khiếu kiện phức tạp về đất đai; tình trạng phá rừng diễn ra khá phức tạp, với số lượng lớn, diện tích rừng tự nhiên bị người dân phá 6.735,25 ha; diện tích đất bị lấn chiếm 6501,2ha, chiếm 19,1% so với tổng diện tích được thuê (33.937,5 ha)

Trước tình trạng trên, UBND tỉnh Đắk Nông đã ban hành quyết định thu hồi dự án, thu hồi đất, rừng đối với một phần diện tích hoặc toàn bộ diện tích của 18 dự án đầu tư sản xuất nông lâm nghiệp, với tổng diện tích là 10.166,3 ha.

Điểm nóng phá rừng

Đắk Nông: Rừng tự nhiên "trong trắng, ngoài xanh", nhiều doanh nghiệp bị đề nghị thu hồi dự án - Ảnh 4.

Lâm tặc đã dung cưa máy để cưa hạ rừng tự nhiên với diện tích 6.820 m2 tại Lâm phần Công ty cổ phần Thiên Sơn quản lý - Ảnh: N.G

Xã Quảng Sơn (Đắk G'Long) là một điểm nóng và điển hình của các vụ phá rừng quy mô lớn trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm Đắk G'Long (Đắk Nông) tình trạng phá rừng trái pháp luật trên địa bàn huyện vẫn còn diễn biến phức tạp, tình trạng mua bán, sang nhượng, lấn chiếm đất lâm nghiệp tại địa bàn ngày càng nhiều, đặc biệt tại các khu vực hiện là điểm nóng như lâm phần do HTX NNDVTM Hợp Tiến, Công ty TNHH MTV Đắk N'Tao, Công ty CP Thiên Sơn quản lý, thuộc địa giới hành chính xã Quảng Sơn.

Nguyên nhân tình trạng phá rừng trên địa bàn diễn biến ngày càng phức tạp là do một số đơn vị chủ rừng được nhà nước giao rừng, cho thuê rừng để thực hiện dự án quản lý bảo vệ rừng và đầu tư sản xuất Nông Lâm nghiệp nhưng không đủ năng lực, cụ thể như Hợp tác xã NN DV TM Hợp Tiến, Công ty CP Thiên Sơn, hiện nay không có lực lượng trực tiếp thực hiện công tác QLBVR, buông lỏng quản lý, tạo "điểm nóng" về phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trên địa bàn.

Đắk Nông: Rừng tự nhiên "trong trắng, ngoài xanh", nhiều doanh nghiệp bị đề nghị thu hồi dự án - Ảnh 5.

Những cây gỗ lớn bị đốn hạ vì các chủ rừng buông lỏng quản lý, năng lực yếu kém - Ảnh: N.G

 Trong 5 tháng đầu năm 2021, trên địa bàn xã Quảng Sơn (Đắk G'Long) đã xảy ra 78 vụ "Vi phạm về lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng", gây thiệt hại 22,2 ha rừng. Trong đó, các tháng 1, 2 và 4, có số vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng nhiều nhất, với 52 vụ, gây thiệt hại gần 13ha rừng. Chỉ riêng tháng 5, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 8 vụ phá rừng tại lâm phần của Hợp tác xã Thương mại dịch vụ Hợp Tiến.

Điển hình như vụ phá rừng vừa được phát hiện tại tiểu khu 1658 thuộc lâm phần Công ty cổ phần Thiên Sơn quản lý, lâm tặc đã dung cưa máy để cưa hạ rừng tự nhiên với diện tích 6.820 m2, mức độ thiệt hại 85%, thế nhưng khi phát hiện, đơn vị này không cắt cử lực lượng tham gia cùng Chốt liên ngành truy quét bảo vệ rừng, thậm chí khi tổ chức khám nghiệm hiện trường vụ hủy hoại rừng, đơn vị này cũng không tham gia.

Trao đổi với PV Etime, bà Vũ Thị Nguyệt – Giám đốc Công ty cổ phần Thiên Sơn tỏ ra bất lực cho biết: "Tổng diện tích rừng công ty đang quản lý là trên 50ha, nhưng tình trạng người dân lấn chiếm đất rừng để làm nương rẫy giờ đơn vị cũng bó tay vì cũng chẳng làm gì được họ, bây giờ các đối tượng phá rừng rất tinh vi".

Thời gian tới, nếu không cương quyết giải quyết dứt điểm tình trạng nêu trên, trong thời gian sắp tới, tình hình phá rừng, lấn, chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật sẽ diễn biến ngày càng phức tạp.

Đắk Nông: Rừng tự nhiên "trong trắng, ngoài xanh", nhiều doanh nghiệp bị đề nghị thu hồi dự án - Ảnh 6.

Rừng tự nhiên ở Đắk Nông "trong trắng, ngoài xanh", nhiều doanh nghiệp bị đề nghị thu hồi dự án - Ảnh: N.G

Đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc

Trước tình hình trên, Hạt Kiểm lâm Đắk G'Long đã kiến nghị UBND huyện chỉ đạo lực lượng Công an huyện thành lập chuyên án điều tra về phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trên địa bàn, xử lý nghiêm các đối tượng đầu nậu về phá rừng, mua bán đất lâm nghiệp trái pháp luật.

Đồng thời, đề nghị Chi cục Kiểm lâm tỉnh tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT đề xuất chủ trương với UBND tỉnh xem xét thu hồi dự án của các đơn vị chủ rừng gồm: Hợp tác xã NN DV TM Hợp Tiến, Công ty CP Thiên Sơn do các đơn vị chủ rừng này không bố trí đủ nhân lực thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, tạo điểm nóng nhiều năm qua trên địa bàn về phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp.

Trao đổi với PV Etime, ông Lê Trọng Yên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, đã có kết luận thanh tra các đơn vị trên, tỉnh đã có kế hoạch tổ chức họp để đưa ra các phương án xử lý dứt điểm".

Ngọc Giàu
Cùng chuyên mục