Đảm bảo điện giai đoạn 2020- 2030: Cảnh báo thiếu hụt nguồn cung

Việt Hà Thứ tư, ngày 31/07/2019 06:03 AM (GMT+7)
Thực trạng thiếu hụt nguồn điện trong nước không còn là điều quá xa vời mà có thể xảy ra ngay từ năm 2020.
Bình luận 0

Nhiều dự án chậm tiến độ

Nếu giai đoạn 2015-2017, hệ thống điện có dự phòng khoảng 20-30% công suất, đến năm 2018-2019 không còn dự phòng và đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung ứng điện.

Theo báo cáo gần đây của Bộ Công Thương, giai đoạn 2018-2022, hệ thống điện có khoảng 17.000 MW công suất không vào được theo dự kiến của quy hoạch điện VII điều chỉnh. Để có thể đáp ứng nhu cầu điện vào năm 2020, hệ thống điện cần phải huy động sản lượng khoảng 5,2 tỷ kWh từ nhiệt điện dầu. Đáng nói, trong trường hợp các tổ máy phát điện không đáp ứng yêu cầu về độ tin cậy vận hành hoặc không đảm bảo đủ nhiên liệu (than, khí), Việt Nam có thể đối mặt với nguy cơ thiếu điện vào năm 2020.

img

  EVN thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhằm điều hành hệ thống điện an toàn, hiệu quả và kinh tế. Ảnh:  P.V

Trong khi nhiều dự án nguồn chậm tiến độ, việc đảm bảo nguồn nhiên liệu cho phát điện trong giai đoạn tới cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tình hình cung cấp than cho các nhà máy điện chưa đáp ứng được yêu cầu cả về khối lượng, chất lượng và chủng loại than.

Ngoài ra, tiến độ xây dựng đường dây 500 kV mạch 3 (Vũng Áng - Quảng Trạch - Dốc Sỏi) với mục đích tăng cường khả năng truyền tải điện Bắc - Nam cũng bị chậm tiến độ gần 1 năm. Nếu không thể hoàn thành đường dây này vào đầu năm 2020, việc đảm bảo điện cho miền Nam sẽ gặp khó khăn hơn nhiều.

Hiện nay, các dự án nguồn điện được thực hiện theo 3 hình thức đầu tư, gồm: Các dự án do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) là chủ đầu tư; các dự án đầu tư theo hình thức BOT; các dự án phát điện độc lập (IPP).

Để đáp ứng nhu cầu điện với tốc độ tăng trưởng bình quân 8,6%/năm (phương án cơ sở trong quy hoạch điện VII điều chỉnh), sản lượng điện sản xuất cần bổ sung bình quân 26,5 tỷ kWh/năm, tương đương công suất nguồn cần thêm ít nhất 4.500 - 5.000 MW từ nhiệt điện hoặc 14.000 - 16.000 MW từ năng lượng tái tạo. Do nhiều dự án nguồn điện lớn bị chậm tiến độ so với quy hoạch, đặc biệt các nguồn điện BOT, các dự án nhiệt điện than, chuỗi dự án khí nên ngay cả khi huy động tối đa các nguồn điện, kể cả các nguồn điện chạy dầu giá cao thì hệ thống sẽ thiếu khoảng 6,6 tỷ kWh vào năm 2021; tăng lên khoảng 11,8 tỷ kWh năm 2022; có thể lên đến 15 tỷ kWh vào năm 2023.

Đẩy mạnh kiểm soát nhu cầu phụ tải

Đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong giai đoạn tới là thách thức không nhỏ. Hiện nay, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đang tập trung nghiên cứu, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình nguồn và lưới điện; tăng cường mua điện từ Trung Quốc, Lào; nhập khẩu nhiên liệu (than, khí); vận hành hợp lý hệ thống; phát triển mạnh các dự án năng lượng tái tạo (NLTT), đặc biệt là điện mặt trời áp mái, nhất là ở khu vực phía Nam, góp phần giảm áp lực nguồn cung...

Cùng với đó, sẽ đẩy nhanh tiến độ khai thác các mỏ khí nhỏ ở khu vực Tây Nam Bộ; nghiên cứu bổ sung một số nhà máy điện sử dụng khí LNG đang được UBND các tỉnh và các nhà đầu tư đề xuất, thay thế cho các nguồn điện chậm tiến độ hoặc có nguy cơ không thực hiện được.

Một giải pháp cần tiếp tục thực hiện trong thời gian tới là sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Hệ số đàn hồi điện năng ở Việt Nam được xếp vào nhóm cao nhất trong khu vực và thế giới. Cụ thể, để làm ra 1 đơn vị GDP, Việt Nam cần từ 1,6 - 1,8 đơn vị điện, trong khi các nước phát triển tạo ra được 1 đơn vị GDP chỉ cần 1 và dưới 1 đơn vị điện.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, nguồn cung điện là có giới hạn, trong khi nhu cầu về điện vẫn tăng nhanh. Chính vì vậy, khách hàng sử dụng điện cần phải có ý thức sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, tránh sử dụng điện lãng phí.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nhiều nguồn điện của Việt Nam được sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch, trong khi nguồn nhiên liệu này đã dần cạn kiệt. Do đó, để đảm bảo an ninh năng lượng, bên cạnh việc đẩy nhanh các dự án điện, Nhà nước cần có các chính sách, cơ chế đẩy mạnh việc tiết kiệm điện, trong đó nên tập trung vào đối tượng sử dụng điện nhiều, nhất là trong lĩnh vực sản xuất.

Hiện nay, Bộ Công Thương, EVN cũng đang đẩy mạnh kiểm soát nhu cầu phụ tải thông qua thực hiện các chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, quản lý chặt phía cầu, đặc biệt là chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR), nhằm kêu gọi sự chung tay của các doanh nghiệp trong việc giảm công suất cực đại vào giờ cao điểm, giảm tình trạng lưới điện bị quá tải và nâng cao hiệu quả kinh tế của hệ thống điện...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem