Đàm phán với chính quyền Trump, Indonesia muốn đón doanh nghiệp Mỹ rời Trung Quốc

10/06/2020 09:56 GMT+7
Indonesia đang đàm phán với chính phủ Mỹ về việc dịch chuyển các công ty Mỹ hoạt động ở Trung Quốc sang quần đảo Đông Nam Á này trong bối cảnh chính phủ toàn cầu tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất sau cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19.
Đàm phán với chính quyền Trump, Indonesia muốn đón doanh nghiệp Mỹ rời Trung Quốc  - Ảnh 1.

Indonesia đàm phán với chính quyền Trump, muốn đón làn sóng DN Mỹ rời Trung Quốc sau đại dịch

Luhut Panjaitan, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề hàng hải & đầu tư của Indonesia mới đây cho phiếu chính phủ của ông đang đàm phán để cung cấp các vị trí trong các khu công nghiệp cho các doanh nghiệp Mỹ từ thị trường Trung Quốc di dời sang. Người phát ngôn của Bộ nói thêm rằng ông Panjaitan đã có cuộc hội đàm với CEO Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ, một cơ quan thuộc chính phủ Mỹ sau khi Tổng thống Indonesia Joko Widodo liên lạc với Tổng thống Mỹ Donald Trump. 

Các vị trí được liệt kê bao gồm khu công nghiệp Kendal ở miền Trung Java, một đặc khu kinh tế có ưu đãi về thuế. Một ứng cử viên khác là khu công nghiệp Brebes, một trong 89 Dự án ưu tiên quốc gia được lựa chọn bởi Tổng thống Joko Widodo để phát triển. 

Theo ông Luhut Panjaitan, đã có khoảng 20 doanh nghiệp Mỹ thể hiện sự quan tâm đến việc chuyển nhà máy sản xuất và chuỗi cung ứng đến Indonesia. 

Hồi năm ngoái, trong làn sóng chuyển dịch đầu tư khỏi Trung Quốc do thương chiến Mỹ Trung, Indonesia đã không tận dụng được lợi thế. Tính đến tháng 10/2019, đã có khoảng 33 doanh nghiệp Mỹ dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc kể từ khi thương chiến Mỹ Trung leo thang. Trong đó, 23 doanh nghiệp chuyển sang Việt Nam, phần còn lại chuyển sang Malaysia, Thái Lan và Campuchia nhưng không đến Indonesia, tờ Nikkei Asian Review đưa tin.

Các nhà kinh tế tại Citigroup nhận định ngay cả khi cuộc khủng hoảng đại dịch có thể thúc đẩy doanh nghiệp dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, thì Indonesia vẫn có khả năng bỏ lỡ làn sóng này. “Các nền kinh tế có khả năng được hưởng lợi từ việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng như vậy là những nền kinh tế có mức độ tương đồng xuất khẩu với Trung Quốc cao hơn, và sẽ góp phần tương tự như Trung Quốc vào chuỗi cung ứng sẵn có” - báo cáo của Ngân hàng Mỹ mới đây cho biết. “Việt Nam, Ấn Độ, Malaysia và Thái Lan có thể là những quốc gia hưởng lợi trong ngắn hạn”.

Các đại gia công nghệ Mỹ bao gồm Google và Microsoft đang tăng cường nỗ lực di dời việc sản xuất các thiết bị di động mới từ Trung Quốc đến các quốc gia tiềm năng như Việt Nam và Thái Lan. Lần đầu tiên trong quý này, Apple đang sản xuất hàng triệu tai nghe không dây AirPods tại Việt Nam, 

Yulius Yulius, giám đốc điều hành văn phòng Jakarta của Tập đoàn tư vấn Boston cho biết một trong những hạn chế lớn nhất của Indonesia trong mắt nhà đầu tư là “mức độ an toàn, chẳng hạn như trong vấn đề lao động và xin giấy phép sử dụng đất”. Ở Indonesia, “thông thường bạn sẽ phải thực hiện một giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp để có giấy phép sử dụng đất trước khi có giấy phép sử dụng lao động”.

Hồi tháng 2, Tổng thống Widodo đã đệ trình lên quốc hội hàng loạt thay đổi về luật lao động của quốc gia này để phù hợp hơn trong việc đón làn sóng dịch chuyển đầu tư mới. Nhưng các cuộc thảo luận đã đình trệ vào tháng 4 khi hàng ngàn người Indonesia mất việc trong cuộc khủng hoảng đại dịch và các công đoàn lao động thì đe dọa sẽ biểu tình rầm rộ bất chấp các biện pháp cách ly xã hội.

Một điểm khác mà Indonesia đang đi sau các đối thủ Đông Nam Á là số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt từ 9.771 ca nhiễm hồi cuối tháng 4 lên 25.773 người trong tháng 5. Trong khi đó, một quốc gia Đông Nam Á tiềm năng khác là Việt Nam chỉ chứng kiến 329 ca nhiễm và 0 ca tử vong kể từ đầu mùa dịch đến nay. “Nếu dịch bệnh lây lan trong các nhà máy, điều đó sẽ có tác động rất lớn” - chuyên gia Yulius từ Boston Consulting cho hay.

Sanny Iskandar, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Công nghiệp Indonesia thì nhận định nước này là một lựa chọn tốt để dịch chuyển đầu tư với “một thị trường tiềm năng và dân số cao nhất Đông Nam Á”, nhưng “các gói cải cách kinh tế đã kết thúc không có hiệu quả nào rõ ràng, và điều đó đang gây thất vọng cho các nhà đầu tư”. 

Thùy Dung
Cùng chuyên mục