Dân vùng cao vơi nỗi lo lũ quét, sạt lở

Kiều Thiện Thứ ba, ngày 08/12/2015 09:03 AM (GMT+7)
Trong điều kiện các tỉnh Tây Bắc còn nhiều khó khăn, nguồn vốn từ Quyết định 1776/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời giúp các địa phương trong vùng có kinh phí để xây dựng nhiều điểm tái định cư, giúp hàng ngàn hộ dân có nơi ở mới an toàn, thuận lợi.
Bình luận 0

Quyết sách cần thiết, kịp thời

Theo thống kê của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lai Châu, chỉ riêng đợt mưa lũ tháng 8 vừa qua, ngoài 200 hộ cần di chuyển theo quy hoạch, trên địa bàn còn xuất hiện thêm gần 400 hộ bị đe dọa phải di chuyển, nằm rải rác dọc theo các suối, khe lớn như: Mường Mô, Mường Tè, Tân Uyên, Phong Thổ…

img

 Bộ đội, người dân xã Nậm Hàng (Nậm Nhùn, Lai Châu) tìm kiếm nạn nhân bị vùi lấp trong trận sạt lở đất ở bản Huổi Đanh ngày 2.8.2015. Ảnh: K.T

Còn tại Lào Cai, từ năm 2002 đến nay, các địa phương trong tỉnh đã hứng chịu 22 trận lũ quét làm hơn 300 người chết, 349 người bị thương; hơn 1.900 căn nhà bị hỏng; 1.000ha đất nông nghiệp bị xói lở không thể canh tác; trên 1.300 công trình giao thông, thủy lợi và các cơ sở hạ tầng khác bị phá hủy.

Thiệt hại, hiểm nguy đối với các hộ dân ở những địa bàn trên thì đã thấy rõ ràng, nhưng nguồn kinh phí cho việc di dời, bố trí dân cư đến nơi ở mới an toàn hơn vẫn là thách thức với các tỉnh còn nhiều khó khăn ở vùng Tây Bắc. Trong bối cảnh đó, Quyết định 1776/QĐ-TTg ngày 21.11.2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình Bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2020, đã kịp thời giúp các địa phương tháo gỡ vướng mắc về kinh phí. Theo đó, nhiều điểm tái định cư mới được thiết lập từ nguồn vốn này, giúp hàng ngàn hộ dân sớm ổn định cuộc sống.

Nhiều điểm định cư mới an toàn

 “Những năm qua, nguồn vốn 1776 đã giúp tỉnh bố trí, sắp xếp hàng ngàn hộ dân vùng ảnh hưởng bởi thiên tai được an cư. Người dân trong diện này không chỉ được cấp đất ở mới, đất sản xuất mà còn được hỗ trợ khai hoang ruộng nước, đào tạo nghề” - ông Phạm Anh Hữu - Chi cục trưởng Chi cục PTNT tỉnh Sơn La. 

Ông Phạm Anh Hữu - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Sơn La cho biết: Những năm qua, nguồn vốn 1776 (trước đó là nguồn vốn theo Quyết định 193/QĐ-TTg) đã giúp tỉnh Sơn La bố trí, sắp xếp hàng ngàn hộ dân vùng ảnh hưởng thiên tai được an cư.  Người dân phải di chuyển trong diện này không chỉ được cấp đất ở mới, đất sản xuất mà còn được hỗ trợ khai hoang ruộng nước, đào tạo nghề… Vì thế, tại các bản, làng mới chuyển đến, người dân sẽ có thêm những điều kiện để phát triển đời sống tốt hơn.  

Đơn cử như tại huyện Quỳnh Nhai, khi Nhà máy Thủy điện Sơn La triển khai xây dựng, không chỉ một diện tích lớn đất tự nhiên, đất canh tác bị thu hồi làm lòng hồ mà địa bàn còn phải hứng chịu nhiều ảnh hưởng khác tới thời tiết, thổ nhưỡng canh tác…, nhưng nhiều hộ dân ở đây lại không nằm trong diện đầu tư của dự án. Vì vậy trong 2 năm qua, huyện đã được phê duyệt đầu tư nhiều tỷ đồng theo Quyết định 1776 để di chuyển hơn 340 hộ dân tới 7 điểm định cư mới trong huyện như: Bản Nậm Ngùa (xã Chiềng Khay), bản Ca (xã Chiềng Khoang), bản Huổi Ngà (xã Mường Giôn)...

Ông Vàng A Dơ - người dân tộc Mông ở bản Huổi Ngà cho biết: “36 hộ dân chúng tôi ở bản cũ sống rải rác trong khe sâu, lúc nào cũng có thể bị đe dọa tính mạng bởi bão lũ. Bản lại ở vùng sâu nên chưa được đầu tư hạ tầng cơ sở. Nay về bản mới có nước sạch, có điện lưới thắp sáng, có đường tốt để đi…, chúng tôi biết ơn Nhà nước nhiều lắm”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem