Đăng kiểm, từ chuyện cười đến chuyện nghiêm trọng

Phạm Quang Vinh Thứ tư, ngày 04/01/2023 19:58 PM (GMT+7)
Chuyện giám đốc một chi nhánh đăng kiểm vừa bị phát hiện chỉ học hết lớp ba đang khiến cả xã hội dở cười dở khóc. Nhưng đó chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm.
Bình luận 0

Cùng với những sai phạm liên tiếp của các quan chức lớn nhỏ trong ngành này, những câu hỏi thực sự rất nghiêm túc về hoạt động đăng kiểm trên phạm vi cả nước đang được đặt ra, cấp thiết và toàn diện

Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, từ tháng 1 đến tháng 12 năm 2021 có 514.341 xe ô tô mới, trong đó 346.876 xe ô tô sản xuất lắp ráp trong nước, 167.465 xe ô tô nhập khẩu được kiểm tra. Số liệu tương ứng của 9 tháng đầu năm 2022 là 280.481 phương tiện lắp ráp trong nước và 115.119 phương tiện nhập khẩu được kiểm tra, tổng cộng 395.600 chiếc (nguồn: Trang thông tin điện tử Cục đăng kiểm Việt Nam).  

Theo các quy định hiện hành của Bộ giao thông vận tải, chủ của các phương tiện mới sản xuất ấy sẽ phải chi trả từ 340 nghìn đồng (cho xe 9 chỗ ngồi) đến 610 nghìn đồng (cho ô tô tải trên 20 tấn), tức là, nếu tính trung bình, mỗi chủ phương tiện phải trả khoảng 400.000 đồng, thì mỗi năm, chủ các phương tiện phải chi ra hơn 200 tỷ đồng để đi kiểm định phương tiện mới mua.

Đăng kiểm, từ chuyện cười đến chuyện nghiêm trọng - Ảnh 1.

Tình trạng ùn ứ phương tiện kiểm định diễn ra tại TP.HCM. Ảnh: H.T

Có một điều đáng để nói ở đây, là Bộ giao thông vận tải đã có quy định rất nghiêm ngặt về việc quản lý chất lượng đối với lắp ráp, sản xuất và nhập khẩu các phương tiện xe cơ giới, các quy định của Bộ tại các thông tư liên quan đã không chỉ yêu cầu các nhà sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu phải cung cấp đầy đủ hồ sơ thiết kế, các hoạt động thử nghiệm để được phê duyệt, họ còn phải tuân thủ các quy định chặt chẽ về quản lý chất lượng, giám sát và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm trước khi xuất xưởng hay nhập khẩu…trước khi bán cho người tiêu dùng. 

Ở một khía cạnh khác, luật pháp về kinh doanh và quản lý chất lượng sản phẩm cũng ràng buộc các nhà sản xuất và nhập khẩu có nghĩa vụ cung cấp các sản phẩm đảm bảo chất lượng kỹ thuật và an toàn môi trường cho người sử dụng. Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng là đơn vị của Bộ Giao thông Vận tải được giao trách nhiệm quản lý, giám sát quá trình đó. 

Để rồi, khi chiếc xe được bán cho người tiêu dùng, thì chính Bộ Giao thông Vận tải lại bắt buộc người tiêu dùng phải đưa phương tiện vào các cơ sở đăng kiểm, trả tiền mua dịch vụ kiểm định bắt buộc, nếu muốn đăng ký lưu hành phương tiện. 

Nhìn ra thế giới, không ở đâu có những quy định như vậy, hầu hết các quốc gia đều có những quy định khác nhau về thời hạn sử dụng trước khi buộc phải kiểm định phương tiện, với các mức thời gian khác nhau tuỳ thuộc vào mục đích sử dụng xe, nhưng trung bình, từ 2 đến 4 năm sau khi đăng ký lưu hành, hoặc khi chuyển đổi chủ phương tiện, thì việc kiểm định phương tiện mới là bắt buộc. 

Ngoài ra, cũng không có quốc gia nào đưa ra những hạn định ngặt nghèo về thời gian, ví dụ buộc phải kiểm định từ 6 tháng một lần cho xe trên 12 tuổi và thậm chí 3 tháng một lần cho xe trên 15 tuổi. Hầu hết các quốc gia khác trên thế giới có thời hạn 2 năm một lần và thậm chí, miễn kiểm tra các xe cổ.

Việc kiểm định xe cộ tất nhiên là cần thiết và cần phải thực hiện nghiêm túc, nhưng có lẽ cũng đã đến lúc, Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan hữu quan nên xem xét nghiêm túc các quy định gây lãng phí thời gian và tiền bạc xã hội trong đăng kiểm. Thậm chí, có lẽ Quốc hội cũng nên cân nhắc việc thảo luận, quy định rõ ràng hơn về hoạt động kiểm định phương tiện giao thông đường bộ khi Luật đường bộ được sửa đổi trong thời gian tới.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem