Lao động làm du lịch được miễn phí đào tạo nghề

Thùy Anh Thứ hai, ngày 11/04/2022 19:05 PM (GMT+7)
Lao động làm du lịch được hỗ trợ đào tạo nghề không quá 3 tháng, mức hỗ trợ tối đa là 4,5 triệu đồng/người/khóa. Thậm chí có chương trình lao động còn được hỗ trợ tới 6 tháng đào tạo, mỗi tháng được hỗ trợ tối đa là 1,5 triệu đồng/người.
Bình luận 0

Lao động du lịch được hỗ trợ đào tạo từ nhiều chương trình 

Sau khi đất nước trở lại trạng thái bình thường mới, ngành du lịch đang phục hồi mạnh mẽ. Dù vậy, ngành cũng đang phải đối mặt với những khó khăn lớn vì thiếu hụt lao động. Để hỗ trợ người lao động, vừa qua Bộ tài chính ban hành Thông tư số 12/2022  quy định các doanh nghiệp (DN), tổ chức về du lịch sẽ được hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho lao động.

Cụ thể, người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng được hỗ trợ theo mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4,5 triệu đồng/người/khóa đào tạo.

đào tạo nghề miễn phí cho lao động làm ngành du lịch

Hỗ trợ đào tạo nghề miễn phí cho lao động làm du lịch, dịch vụ. Ảnh: CĐDL Hà Nội.

Người tham gia khóa đào tạo nghề trên 3 tháng được hỗ trợ theo mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1,5 triệu đồng/người/tháng (thời gian hỗ trợ tối đa không quá 6 tháng). Trường hợp khóa đào tạo nghề có những ngày lẻ không đủ tháng thì từ 14 ngày trở xuống tính là 1/2 tháng và từ 15 ngày trở lên được tính là 1 tháng.

Ngoài ra, các DN, tổ chức về du lịch còn được hỗ trợ mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về quản lý nhà nước, quản trị DN và đạo đức nghề nghiệp cho người lao động nghề du lịch.

Trước đó, tại Quyết định 23, quy định thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn vì đại dịch, cũng quy định hỗ trợ kinh phí đào tạo, tái đào tạo nghề cho lao động.

Cụ thể, Điều 10, Quyết định 23 quy định mức, thời gian hỗ trợ và phương thức chi trả như sau:

Mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề tối đa 1,5 triệu đồng/người lao động/tháng. Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học. Trường hợp khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề có những ngày lẻ không đủ tháng thì được tính theo nguyên tắc: Dưới 15 ngày tính là 1/2 tháng, từ đủ 15 ngày trở lên tính là 01 tháng để xác định mức hỗ trợ.

Đối với khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề có mức chi phí cao hơn mức hỗ trợ theo quy định tại khoản này thì phần vượt quá mức hỗ trợ do người sử dụng lao động tự chi trả.

Thời gian hỗ trợ, quyết định quy định tối đa 6 tháng. Phương thức chi trả: Chi trả trực tiếp cho người sử dụng lao động theo phương án hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề được phê duyệt.

Không giống như Thông tư 22 của Bộ Tài chính, Quyết định 23 quy định việc hỗ trợ rộng hơn cho tất cả lao động ở mọi ngành nghề thuộc nền kinh tế, miễn là có hợp đồng lao động và có đóng BHXH.

Lao động làm du lịch không hào hứng với đào tạo 

Mặc dù có những chính sách khá mạnh tay hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động làm trong các doanh nghiệp du lịch nhưng thực tế, việc thu hút lao động tái học nghề gặp rất nhiều khó khăn.

Lý do là bởi nhiều doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện để được hỗ trợ. Có doanh nghiệp đáp ứng, lao động không hào hứng tham gia, trừ khi lao động được đào tạo ngay chính tại nơi mình làm việc, kiểu vừa học vừa làm, vẫn được nhận lương đều đặn. Một số lao động khác thì chuyển sang làm công việc khác và giờ không có ý định quay trở lại làm việc.

Ông Tạ Hữu Sơn - Chủ khách sạn tại biển Hải Tiến ( Thanh Hóa) cho biết, hiện tại dù khách sạn đang thiếu lao động nhưng khách sạn này cũng không có ý định đăng ký cho lao động tham gia khóa đào tạo. 

du lịch

Do lượng lao động làm du lịch, dich vụ bị thiếu hụt nên nhiều lao động không hào hứng với lớp đào tạo nghề. Ảnh: Hướng dẫn viên du lịch hướng dẫn cách nặn tò he cho khách du lịch ở Hội An (Quảng Nam) - Nguyệt Tạ

Ông Sơn nói: "Thực tế hiện giờ đang vào mùa cao điểm du lịch. Sau một thời gian dài đóng băng, giờ là lúc du lịch đang được khôi phục. Lượng khách đổ về các cơ sở du lịch đang rất lớn, vì vậy cơ sở không thể cử nhân viên đi học được. Nếu có thì có thể khách sạn sẽ bố trí vào thời điểm khác thích hợp hơn". 

Theo ông Đào Trọng Độ - Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) thì tới nay các doanh nghiệp vẫn đang thực hiện đào tạo. Chương trình còn kéo dài tới hết tháng 6/2022. Chương trình mới triển khai vì thực tế cuối năm 2021 dịch vẫn diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp tập trung sản xuất trả đơn hàng nên chưa thể đào tạo.

Đại diện Bộ LĐTBXH cho biết, bộ này đang thúc đẩy thực hiện, dự kiến tới tháng 7 sẽ tổng kết thực hiện Quyết định 23 này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem