Đất chật, người đông sống bằng nghề truyền thống

Phan Phương Thứ năm, ngày 10/12/2015 16:14 PM (GMT+7)
Ở nhiều vùng nông thôn Quảng Bình, do đất canh tác ngày càng giảm, nông dân không thể sống dựa cả vào sản xuất nông nghiệp mà phải phát triển các nghề phụ để tăng thu nhập. Xã Quảng Tân (thị xã Ba Đồn) là một trong nhiều làng quê như thế.
Bình luận 0

img

Nghề chế biến nước mắm đang đem lại thu nhập cao cho người dân các xã vùng biển Quảng Bình. Ảnh: Phan Phương

Đất chật, người đông, Quảng Tân không thể sống dựa vào cây lúa nên người dân nơi đây làm thêm nghề nón lá để trang trải cuộc sống. Từ nghề thủ công truyền thống, người dân đã tìm tòi, sáng tạo cách làm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm và cải tiến thêm nhiều mẫu mã, nhờ vậy nón lá ở Quảng Tân ngày càng tạo được chỗ đứng trên thị trường.

Hiện ở nghề nón lá ở Quảng Tân đã thu hút hút 850 hộ tham gia sản xuất, với 2.100 lao động. Bình quân mỗi năm, các hộ dân trong xã xuất khoảng 1 triệu chiếc nón lá, nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên 26 triệu đồng/năm.

Khác với các địa phương ven biển khác, ngư dân xã Nhân Trạch (Bố Trạch) chủ yếu khai thác thủy hải sản gần bờ. Trong khi người đàn ông đi biển đánh cá, thì hầu hết phụ nữ Nhân Trạch ở nhà đều tham gia chế biến thủy hải sản. Nghề chế biến thủy hải sản ở Nhân Trạch tuy là nghề phụ nhưng đã đem về một nguồn thu nhập không nhỏ. Bà Đinh Thị Huế - Chủ nhiệm HTX Nước mắm Nhân Nam (một trong nhiều cơ sở sản xuất nước mắm ở đây) cho biết, với những tiêu chí khá khắt khe trong công đoạn chế biến thủy hải sản, sản phẩm nước mắm Nhân Nam luôn bảo đảm chất lượng, có hương vị đặc trưng. Mỗi năm, HTX Nhân Nam sản xuất và tiêu thụ hàng nghìn lít nước mắm, tạo việc làm cho hàng trăm người.

Để giữ gìn nghề truyền thống, phát hiện ra các nghề mới để tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con, Hội Nông dân các cấp ở tỉnh Quảng Bình cũng tăng cường dạy nghề mới, truyền nghiệp cũ.

Theo đó, trong 5 năm qua Hội đã tổ chức 236 lớp dạy nghề cho gần 8.000 nông dân, đã có trên 720 mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả được nhân rộng sau khi được học nghề. Trong đó, Hội Nông dân các cấp đóng vai trò nòng cốt.

Tỉnh cũng đã huy động nguồn vốn tập huấn, hỗ trợ cho gần 48 cơ sở sản xuất, làng nghề truyền thống tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động nông thôn, góp phần quan trọng vào việc xóa đói giảm nghèo bền vững… Để liên kết các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ đoàn kết sản xuất trên biển, tỉnh Quảng Bình cũng đã hỗ trợ thành lập 131 HTX nông, lâm nghiệp và thủy sản; 178 tổ đoàn kết khai thác trên biển; 129 tổ hợp tác thành lập.

Tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân cũng là một thành tựu giúp Quảng Bình hoàn thành vượt mức kế hoạch trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Sau 5 năm (2011-2015) thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay, Quảng Bình đã có trên 70 xã đạt tiêu chí thu nhập, vượt trên 31% so với kế hoạch đề ra; có 76 xã đạt tiêu chí tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên, vượt 409% so với kế hoạch đề ra.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem