Đầu tư cổ phiếu PNJ lợi nhuận tới gần 500%?

Quốc Hải Thứ sáu, ngày 14/06/2019 14:15 PM (GMT+7)
Nếu năm 2014 bỏ số tiền 100 triệu đồng mua cổ phiếu PNJ (Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận - HoSE: PNJ) thì đến cuối năm 2018 sẽ nhận lại được gần 500 triệu đồng, tương đương với tỷ suất sinh lợi lên đến 491%, xấp xỉ gấp 5 lần…
Bình luận 0

img

Người dân mua vàng tại PNJ (Ảnh: Quốc Hải)

Theo một dẫn chứng từ Công ty Chứng khoán FPT (FPTS) đưa ra, nếu chi ra 100 triệu đồng vào năm 2014 thì có thể mua được 3.289 cổ phiếu PNJ (với giá 30.400 đồng/CP). Đến cuối năm 2018, nhà đầu tư sẽ nhận được tổng số tiền lợi nhuận là 490.850.778 đồng, trong đó có 39.199.979 là tiền cổ tức (chiếm 8%) và 451.665.000 đồng là do cổ phiếu tăng giá (chiếm 92%).

Vì sao cổ phiếu PNJ liên tục tăng giá?

Chi tiết về các khoản sinh lời của nhà đầu tư nếu bỏ ra 100 triệu cho cổ phiếu PNJ được Công ty Chứng khoán FPT dẫn giải qua bảng sau:

img

Tỷ suất sinh lời của việc đầu tư 100 triệu vào PNJ sau 5 năm (Nguồn FPTS)

Như vậy, có thể thấy, lợi nhuận khi đầu tư PNJ chủ yếu đến từ chênh lệch giá khi cổ phiếu tăng giá, vậy thì do đâu giá cổ phiếu PNJ tăng liên tục như vậy? Theo lý giải của FPTS, có rất nhiều lí do để một cổ phiếu tăng giá như mọi người vẫn thường nghĩ do thị trường chung, do đội lái, do tin nội bộ, do tâm lí nhà đầu tư,… Nhưng theo FPTS, yếu tố quan trọng nhất khiến giá cổ phiếu tăng bền vững nhất đó là lí do đến từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Quá khứ cho thấy PNJ đã làm tốt điều đó thấy rõ qua kết quả kinh doanh của PNJ qua các năm qua.

Cụ thể, nếu năm 2014 doanh thu của PNJ là 7.213 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 790 tỷ đồng thì bước sang năm 2015, doanh thu của PNJ tăng lên 7.695 tỷ đồng, tương ứng lợi nhuận gộp đạt 1.136 tỷ đồng; sang năm 2016, doanh thu của PNj tiếp tục tăng trưởng lên 8.566 tỷ đồng và lợi nhuận gộp đạt 1.381 tỷ đồng. Bước sang năm 2017, tổng doanh thu của PNJ đạt 11.049 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2016; cùng với đó, lợi nhuận gộp đạt gần 1.912 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2018, PNJ ghi nhận doanh thu thuần 14.573 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2017, lợi nhuận gộp đạt 2.779 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ. Đây cũng là năm đầu tiên lợi nhuận trước thuế của PNJ vượt mức 1.000 tỷ đồng, đạt 1.205,5 tỷ đồng cả năm, tăng 33% so với 2017 và vượt 9,6% kế hoạch.

Tương ứng với doanh thu và lợi nhuận gộp tăng lên là sự tăng trưởng về quy mô cửa hàng và thị phần, nếu năm 2014 PNJ chỉ có 165 cửa hàng (chiếm 21% thị phần tại Việt Nam), thì bước sang năm 2015 đã tăng lên 190 cửa hàng (chiếm 25% thị phần) và năm 2016 là 219 cửa hàng (26,5% thị phần). Bước sang năm 2017, PNJ có tới 270 cửa hàng phân bố rộng rãi trên cả nước và nắm vị thế là doanh nghiệp kim hoàn duy nhất có quy mô lớn nhất tại Việt Nam với 27% thị phần. Và kết thúc năm 2018, PNJ đạt  324 cửa hàng.

Tính hết quý I/2019, PNJ đã có chuỗi 327 cửa hàng khắp Việt Nam, ghi nhận doanh thu thuần trong quý hơn 4.783 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 428 tỷ đồng.

img

Kết quả kinh doanh của PNJ từ năm 2012 đến 2018 (Nguồn: FPTS)

Chính kết quả kinh doanh khả quan như thế đã kéo cổ phiếu PNJ từ vùng giá 30.000 đồng/CP (năm 2014) lên vùng giá ‘đỉnh’ 109.500 đồng/CP vào cuối tháng 5/2019 vừa qua.

Tất nhiên, kèm theo việc tăng quy mô tăng trưởng về doanh số, cửa hàng… PNJ cũng chịu không ít áp lực về tài chính với chi phí bán hàng và quản lý tăng cao. Cụ thể, năm 2018, nợ vay của PNJ tăng khá mạnh, khoảng hơn 80% so với năm 2017 chủ yếu do việc mở thêm nhiều cửa hàng và tích trữ hàng tồn kho. Theo đó, hàng tồn kho của PNJ tới cuối năm 2018 ở mức hơn 4.968 tỷ đồng, tăng hơn 46% so với năm 2017 và chiếm tới 92% tổng tài sản ngắn hạn.

Ngoài ra, mặc dù hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp ở mức 67,8%, nhưng trong kỳ PNJ này phải trả tới hơn 61 tỷ đồng tiền lãi vay và hơn 3.647 tỷ đồng tiền nợ gốc vay, trong khi dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm, cho thấy áp lực trả nợ của PNJ cũng không nhỏ.

Chưa kể, theo kế hoạch năm 2019, PNJ dự kiến mở thêm khoảng 40 cửa hàng, nâng tổng số cửa hàng lên 364. Điều này sẽ đặt ra thách thức rất lớn đối với PNJ trong việc quản trị rủi ro chi phí. Nên nhớ,  năm 2018, chi phí bán hàng tăng lên mức hơn 1.170 tỷ đồng, tăng hơn 51% và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lên mức hơn 345 tỷ đồng, tăng hơn 84% so với năm 2017. Theo đó, tổng chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp năm 2018 chiếm tới hơn 54,5% lợi nhuận gộp, cho thấy khoản mục chi phí này ở mức cao. Việc mở thêm cửa hàng chắc chắn sẽ làm gia tăng thêm các khoản chi phí bán hàng, quản lý, hàng tồn kho…

PNJ có còn tiềm năng tăng trưởng?

Theo thống kê từ Hội đồng Vàng thế giới, Việt Nam là một trong số những quốc gia tiêu thụ vàng trên đầu người lớn trên thế giới. Mặc dù quy mô tiêu thụ khá lớn, nhưng thị trường vàng Việt Nam hiện khá phân mảnh khi 70% thị phần vẫn thuộc về các cửa hàng vàng truyền thống. Trong khi đó, các doanh nghiệp có quy mô lớn như PNJ , Doji , SJC hiện chỉ chiếm khoảng 30% thị phần. Do đó, tiềm năng tăng trưởng của PNJ ở mảng vàng trang sức vẫn rất lớn.

img

Tiêu thụ vàng tại Việt Nam so với một số nước (Nguồn: FPTS)

Với mục tiêu trở thành nhà bán lẻ chuyên nghiệp, PNJ cho ra đời mô hình kinh doanh hoàn toàn mới với PNJ Next. Theo đó, ngay trong quý 1/2019, PNJ đã khai trương cửa hàng Flagship theo mô hình PNJ Next tại Quận 1, TP.HCM, kinh doanh cả đồng hồ và trang sức.

Ông Lê Trí Thông, Tổng Giám đốc PNJ cho biết, năm 2019, PNJ sẽ tập trung hơn cho mảng đồng hồ với việc thành lập cửa hàng chuyên doanh đồng hồ đầu tiên và dành một tầng riêng biệt của cửa hàng flagship PNJ Next cho mặt hàng này. PNJ cũng từng bước làm việc với các thương hiệu hiện hữu để có thể phân phối trực tiếp, thay vì thông qua đại lý.

“Các mặt hàng đồng hồ của PNJ dao động trong mức giá từ trên 2 triệu đến 84 triệu đồng, bao gồm cả những nhãn hiệu đồng hồ cao cấp của Thụy Sỹ như Longines, Tissot… mang lại nhiều sự lựa chọn cho khách hàng từ trung đến cao cấp”, ông Thông chia sẻ.

Ngoài ra, ông Thông cũng cho biết năm 2019 sẽ là năm PNJ chú trọng đầu tư vào công nghệ và thương mại điện tử bằng việc đầu tư xây dựng bộ khung dữ liệu nền tảng, Dashboard và các model liên kết cho các nhóm về quản trị bán hàng, quản trị khách hàng, chuỗi cung ứng - sản xuất với Dự án Data Warehouse, được phát triển cùng tiến độ go-live dự án ERP. Đồng thời, PNJ thành lập Data Team để sẵn sàng nguồn nhân lực đủ kiến thức và kinh nghiệm trong kỷ nguyên bán lẻ 4.0.

Trước những hướng đi đổi mới sáng tạo này của PNJ, phía Công ty Chứng khoán FPTS đưa ra khuyến nghị MUA tại vùng giá 72-75, tỉ suất lợi nhuận 39.9% với giá mục tiêu năm 2019 là 106.300 đồng.

Tương tự, kết hợp phương pháp định giá DCF và P/E, giá mục tiêu mà Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho cổ phiếu là 111.312 đồng/CP, tương đương tổng tỷ suất sinh lợi 17,2% vào cuối 2019, đồng thời khuyến nghị mua vào cổ phiếu PNJ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem