Đầu tư phát triển điện sinh khối: Vẫn chờ cơ chế...

Hoàng Vân Thứ hai, ngày 18/08/2014 08:19 AM (GMT+7)
Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển điện sinh khối sản xuất từ các phế thải nông nghiệp, song do chưa có cơ chế nên lĩnh vực này vẫn đang bị bỏ ngỏ.
Bình luận 0

Mới chỉ dừng ở hồ sơ

Tại hội thảo mới đây về điện sinh khối, ông Werner Kossmann – Cố vấn trưởng kỹ thuật của Dự án hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo trong khuôn khổ hợp tác phát triển Việt Nam – Đức (RESP) cho biết: Điện sinh khối là công nghệ thân thiện với môi trường, góp phần đảm bảo cân bằng năng lượng ở Việt Nam, đồng thời giảm thiểu phát thải khí CO2.

Theo Quy hoạch điện VII, tỷ lệ điện sinh khối tại Việt Nam dự kiến chiếm khoảng 0,6% vào năm 2020 và đến năm 2030 là 1,1% sản lượng điện, với công suất lắp đặt tương ứng là 500MW và 2.000MW.

Để tạo điều kiện cho điện sinh khối phát triển, ngày 24.3.2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 24 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối ở Việt Nam. Theo đó, một trong những nút thắt quan trọng là quy định giá mua điện sinh khối (biomass) là 5,3 cent Mỹ/kWh và sản xuất ra đến đâu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ mua đến đó. Đây được xem là động lực thúc đẩy đầu tư trong lĩnh vực điện sinh khối tại Việt Nam. Và cũng theo thông tin từ Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), đã có khoảng 10 nhà đầu tư nộp hồ sơ xin phép xây dựng dự án điện từ sinh khối với công suất lắp đặt trung bình khoảng 10MW.

Bao giờ hết loay hoay?

Tuy nhiên, các kinh nghiệm quốc tế cho thấy Việt Nam cần tiếp tục hỗ trợ chính sách và thủ tục để tăng cường sản xuất điện từ sinh khối một cách bền vững.

Đại diện Công ty cổ phần Mía đường Tuyên Quang lo lắng: Dù đã có Quyết định 24 của Chính phủ song hiện hầu hết các nhà máy đường đều đang loay hoay với việc đầu tư điện sinh khối vì đến nay vẫn chưa có cơ chế nào được cụ thể hóa. “Chúng tôi sẵn sàng đầu tư các nhà máy từ 5-30MW nhưng chúng tôi cần cơ chế cụ thể để hướng dẫn đầu tư” - ông này nói.

Hiện cả nước đã có một số nhà máy điện biomass sản xuất từ bã mía bán điện cho EVN, song giá bán tùy từng hợp đồng, cao nhất cũng chỉ được 4 cent/kWh. Thứ nữa là đến nay vẫn chưa có cơ chế hỗ trợ nhập khẩu máy móc phục vụ các dự án năng lượng sạch, mà cụ thể ở đây là điện sinh khối; cơ chế khuyến khích các nhà truyền tải điện phối hợp với nhà đầu tư phát điện cũng còn nhiều khó khăn…

Thực tế là với các dự án điện biomass tại Việt Nam chưa có dự án nào được chính thức cấp phép và nằm trong quy hoạch điện quốc gia. Theo quy hoạch điện của tổng sơ đồ VII (2011-2020 có xét đến 2030) và Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo, mục tiêu đặt ra đến năm 2020 là đạt 500MW, năm 2030 là 2.000 MW điện sinh khối.

Theo ông Nguyễn Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo và cơ chế phát triển sạch (Viện Năng lượng, Bộ Công Thương), tổng lượng tiềm năng sinh khối các loại ở Việt Nam ước tính khoảng 150 triệu tấn/năm, tương đương với mức quy đổi 50 triệu tấn dầu thô. Ngoài bã mía, trấu, tất cả các loại chất xơ cây trồng, phế thải từ hoạt động nông, lâm nghiệp sau thu hoạch (chất thải cây cà phê, hạt điều… sau chế biến và thậm chí là rác thải sinh hoạt) nếu được xử lý ở công nghệ cao đều có thể phát điện và cần được khuyến khích phát triển bằng hành lang cơ chế chính sách rõ ràng.

  Ông Phạm Quang Vinh - Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ khẳng định: “Cần có hướng dẫn rõ ràng về các thủ tục hành chính, thủ tục cấp phép và vận hành sẽ giúp các nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro và tăng cường đầu tư vào lĩnh vực năng lượng sinh khối”.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem