Đầu tuần ngân hàng đón tin vui, chuyên gia khuyến nghị "phải linh hoạt hơn trong việc mở room"
"Co kéo" room tín dụng, đầu tuần nhiều ngân hàng thương mại đón tin vui
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng mới đây đã phát đi tín hiệu rằng sẽ sớm bổ sung hạn mức tăng trưởng cho các ngân hàng.
Cụ thể, chậm nhất đầu tuần này sẽ thông báo về điều chỉnh phần còn lại của room tín dụng trong con số 14% mà NHNN đã định hướng từ đầu năm để thuận tiện cho việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%, cũng như đáp ứng nhu cầu vốn thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Có thể nói, dù NHNN vẫn kiên định giữ tỷ lệ tăng trưởng tín dụng mục tiêu 14% song, việc điều chỉnh room cho các ngân hàng trong phần còn lại vào đầu tuần này thực sự là tin vui đối với hệ thống ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp. Bởi theo phản ánh, nhiều nhà băng đã "xài" gần hết hạn mức được cấp trong 6 tháng đầu năm, trong khi đó các doanh nghiệp cũng không ít lần "than thở" vì khó tiếp cận vốn bởi lý do ngân hàng cạn room.
Trao đổi với Dân Việt, một lãnh đạo chi nhánh ngân hàng tỉnh cho biết nhu cầu vay vốn trong những tháng cuối năm của người dân và doanh nghiệp thường tăng cao, nhất là trong giai đoạn kinh tế đang trên đà hồi phục sau dịch bệnh như hiện nay. Nhưng chi nhánh đã sử dụng gần hết room tín dụng ngay trong nửa đầu năm nên dư địa không còn là bao để đáp ứng nhu cầu vốn từ nay đến cuối năm.
"Điều này khiến cho chi nhánh rơi vào thế khó. Nếu đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng, chi nhánh sẽ vượt hạn mức tăng trưởng tín dụng. Ngược lại thì ngân hàng phải chấp nhận nghe phàn nàn của doanh nghiệp và người dân vì không vay được vốn. Hoặc phải chờ khách hàng cũ trả nợ, ngân hàng mới có thể giải ngân khoản vay mới," vị lãnh đạo chia sẻ.
Thậm chí, một lãnh đạo ngân hàng khác còn cho biết ngân hàng ông phải áp dụng biện pháp kỹ thuật là tăng lãi suất cho vay thêm từ 0,5-1%/năm so với trước để hạn chế hồ sơ vay vốn. Việc xét duyệt hồ sơ, lựa chọn khách hàng cho vay cũng phải "co kéo" rất khéo cho vừa hạn mức còn lại. Một số nhà băng chủ động giảm quy mô trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ để có thêm dư địa cho vay, để đối phó với việc cạn room tín dụng.
Áp lực nới room tín dụng đang mạnh, NHNN có thể phải linh hoạt hơn trong việc mở room tín dụng
Thực tế, cạn room tín dụng là câu chuyện nóng nhất trong ngành ngân hàng thời gian qua.
Liên tiếp thời gian gần đây, các chuyên gia lên tiếng cho rằng việc NHNN thận trọng với tăng trưởng tín dụng là cần thiết, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi áp lực lạm phát ngày càng gia tăng và tỷ lệ tín dụng/huy động vốn từ thị trường 1 (tiền gửi của doanh nghiệp và người dân) đã đạt 99%, đồng nghĩa với hệ thống ngân hàng huy động được 100 đồng thì cho vay tới 99 đồng.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, không nên quá lo ngại mà bóp nghẹt thị trường để có thể tận dụng được cơ hội phục hồi. Hơn nữa, nếu dòng tín dụng không khơi thông sớm sẽ bị mất cơ hội, tăng nợ đọng lẫn nhau giữa các doanh nghiệp - cực kỳ nguy hiểm - và nợ xấu ngân hàng tăng lên.
Từ đó, một số chuyên gia khuyến nghị NHNN nên nới mục tiêu tăng trưởng tín dụng thêm 1 đến 2 % trong năm nay, thay vì "kiên định" ở con số 14% như hiện nay.
Trong báo cáo phát hành mới đây, bộ phận nghiên cứu tại Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho rằng, áp lực nới room tín dụng đang mạnh, NHNN có thể phải linh hoạt hơn trong việc mở room.
Cụ thể, VDSC kỳ vọng NHNN có thể điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng cho phù hợp hơn với nhu cầu thực tế, tăng trưởng tín dụng cả năm ước có thể đạt 16%.
Lý giải, VDSC cho biết từ năm 2013 đến nay, tăng trưởng tín dụng thường tăng cao hơn trong nửa cuối năm so với nửa đầu năm, chỉ trừ năm 2019. Điều này phù hợp với quy luật nhu cầu vốn mạnh hơn trong nửa cuối năm.
Tuy nhiên, năm 2022 có một đặc thù là năm phục hồi sau đại dịch, do đó, nhu cầu vốn đã tăng tốc mạnh trong giai đoạn đầu năm. Trong 7 tháng 2022, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng lần lượt 17,9% và 49,7% so với cùng kỳ. Điều này hàm ý rằng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp quay trở lại hoạt động và đầu tư mới vẫn còn khá lớn.
Xét theo lĩnh vực cho vay, hoạt động thương mại và hoạt động khác đóng góp hơn 70% vào tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế trong nửa đầu năm.
Dựa vào bức tranh tín dụng chung và triển vọng phục hồi của nền kinh tế, VDSC đánh giá nhu cầu tín dụng trong nền kinh tế vẫn sẽ ở mức cao. Việc siết room tín dụng trong phần lớn thời gian của quý III sẽ phần nào ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh và mở rộng của các doanh nghiệp trong thời gian còn lại của năm.
VDSC cũng khuyến nghị, linh hoạt với diễn biến thị trường, giảm bớt sự lệch pha không cần thiết trong điều hành chính sách tiền tệ sẽ là những vấn đề NHNN có thể sẽ cần cân nhắc trong thời gian tới.